Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2008

Ấm chè “thái giám”

( Chuyện kể nhân ngày 27/7)
Tháng tư, đã chớm bước vào hè. Trời nắng không gắt, lại có gió man mác nên lòng người cũng thư thái, dễ hoà vào với thiên nhiên. Chiều nay có buổi thực tập nghề, được về sớm nên có nhiều thời gian. Mặc kệ cho lũ bạn cùng lớp ào ào lấy xe kéo đến nhà nhau, tôi tách ra rồi lững thững đạp xe chầm chậm men theo hè về nhà.
Qua đường Đại Cồ Việt, tôi chợt nghe một tiếng gọi giật tên tôi rất to:
- Tiến!
Rồi một người mặc áo lính từ sát phía trong hè bước nhanh ra với tay gần như nắm vào ghi đông xe đạp của tôi, vừa lúc tôi dừng lại.
Tôi nhìn và nhận ngay ra hắn:
- A! Hà! Thằng Hà “thái giám”.
Hà cười. Chúng tôi gần như ôm lấy nhau. Cả hai tíu tít hỏi chuyện nhau.
- Về nhà tớ đã, rồi chúng mình hàn huyên. Dễ đến ba năm rồi còn gì. - Hà bảo.
Thế là tôi theo Hà về nhà nó ở xóm Vân Hồ. Dọc đường nó nói đủ thứ chuyện linh tinh, nhưng tôi chẳng nghe được gì. Tôi đang nhớ lại ba năm về trước.

Dạo đó Hà và tôi cùng trang lứa, cùng là lính C6-Sư 320A. Vào chiến dịch Tây nguyên xuân 1975 thì tôi là trung trưởng, còn Hà là tiểu đội trưởng trong cùng trung đội với tôi. Trong khi các Sư bạn chuẩn bị đánh Buôn Mê Thuột, thì Sư chúng tôi nhận nhiệm vụ cắt đường 14 đánh tiêu hao sinh lực địch, và đánh quân cứu viện.
Ngày 5 tháng 3, trung đoàn chúng tôi triển khai phục kích trên đường 14 ở khu vực Cẩm ga, cách Buôn Mê Thuột ngót 100km về phía bắc. Đại đội tôi nằm ở phía nam đội hình mai phục. Đến chiều 7/3 thì có tin trung đoàn 45 nguỵ thuộc Sư 23 đang hành quân từ Pleiku về tăng viện cho Buôn Mê Thuột. Chúng tôi được lệnh chặn đánh, đại đội tôi đánh chặn đầu. Khoảng 5 giờ chiều, chiếc GMC đầu tiên của địch đã đi lọt qua hết chiều dài 1km của đội hình phục kích. Cả hai khẩu DKZ của trung đoàn cùng đồng loạt nổ súng, bắn cháy ngay chiếc xe đi đầu. Đội hình hành quân của địch chững ngay lại. Lập tức các loại hoả lực trên toàn tuyến cùng nã xối xả vào đội hình địch, bắn cháy thêm một số xe khác. Vì khu vực phục kích là sườn dốc, có một phần cây lúp súp và đồi tranh, nên cánh bộ binh phải đào hầm phục kích cách xa mép đường tới hai ba trăm mét để giữ bí mật. Trong lúc hoả lực mạnh của trung đoàn bắn phá đội hình địch thì bộ binh chúng tôi vận động ra mép đường, tiếp cận để tiêu diệt địch bằng hoả lực và xung lực của bản thân. Nhưng trong lúc đó thì bọn địch còn sống đã kịp nhảy khỏi xe và triển khai hoả lực chống trả mãnh liệt. Chúng nã cối 81, DKZ và rốc két M72 ầm ầm về phía ta, mặc dù đang ở thế thấp bất lợi. Cả trận địa ầm vang tiếng súng, khói lửa mù mịt. Trong lúc xung phong, tiểu đội của Hà vẫn chạy chếch sau bên trái tôi. Lúc gần tới mép đường thì một qủa đạn cối rơi trúng tiểu đội Hà. Tôi ngã sấp xuống trong hơi tạt của quả đạn nổ, song vẫn kịp ngoái lại. Doanh, chiến sĩ giữ M79 trong tiểu đội Hà đã hy sinh ngay, còn Hà đang giãy dụa, mồm há ngáp ra vì đau. Tôi nhoài lại sờ thấy Hà bị thương ngay nơi hạ bộ, máu ra ướt đẫm quần. Tôi xé chiếc băng cá nhân buộc chặt lại cho Hà như kiểu đóng khố, rồi dẫn trung đội đánh tiếp xuống đường. Cùng với các trung đội bạn, chúng tôi yểm hộ cho nhau và quần nhau với bọn tàn quân địch, dồn chúng xuống khe cạn bên kia đường để tiêu diệt. Chúng tôi hầu như không bắt tù binh. Tới khi chúng tôi làm chủ trận địa thì trời đã tối mịt. Một tiểu đoàn của trung đoàn 45 nguỵ bị tiêu diệt . Hai tiểu đoàn còn lại rút ngược trở lại Pleiku. Bọn địch ở xa căn cứ, lại không nắm vững tình hình nên không đám gọi pháo bắn trả. Chúng tôi rút quân trở về đến khu tập kết thì đã nửa đêm.
Ngay đêm đó, chúng tôi chôn cất xong tử sĩ, còn số thương binh thì đã được đơn vị dự bị chuyển về phẫu phía sau.
Các ngày tiếp sau, cùng với Buôn Mê Thuột được giải phóng, chúng tôi đánh tiếp các cứ điểm Kênh Săn và Tam giác trên đường 14.
Rồi chúng tôi đi suốt chiến dịch Tây nguyên, tham gia tiếp chiến dịch Hồ Chí Minh. Sáng 30/4 chúng tôi đánh trận cuối cùng ở sân bay Tân Sơn Nhất. Miền Nam giải phóng, trung đoàn chúng tôi được đóng quân 4 tháng trời ở căn cứ cũ Đồng Dù của địch, trước khi phải trở lại địa bàn rừng núi Tây Nguyên quen thuộc.
Một chiều tháng 6/1975, Hà từ Quân y viện về thăm đơn vị cũ trước khi giải ngũ ra Bắc. Bây giờ cậu ta đã là thương binh. Trông cậu ta có vẻ béo tốt, khoẻ mạnh. Tứ chi lành lặn, nhưng mảnh cối tai ác đã chém phăng đi của Hà nguyên cả cái bộ phận, mà phải có nó, người ta mới được gọi là đàn ông. Lính tráng chúng tôi chả kiêng dè gì, đè nó ra xem rồi ai đó đặt luôn cho nó cái tên Hà “thái giám”. Hà ở thăm đơn vị mấy ngày rồi ra Bắc.
Hai năm sau, tôi cũng giải ngũ, về đi học. Thế rồi hôm nay gặp lại Hà, thấm thoắt đã ba năm.

Gian nhà của Hà nằm trong xóm lao động. Đồ đạc đơn sơ như của đại đa số các gia đình khác. Tôi hơi ngạc nhiên khi đã mấy năm rồi mà nó vẫn còn giữ được nguyên trang phục lính, đủ cả dép cao su đúc và mũ cối.
Tôi hỏi:
- Thế mấy năm nay cậu làm gì?
- Đi buôn.- Hà đáp và nhìn xoáy vào bộ mặt ngơ ngác của tôi.
- Cậu đùa đấy à. Cậu thì biết quái gì mà đi buôn.
- Thật chứ lại. Nhưng buôn nhỏ thôi. Chờ pha ấm chè rồi tớ kể chuyện này cho mà nghe.
Khi Hà đặt ấm chè lên bàn, tôi lại ngạc nhiên:
- Cậu sang nhỉ. Moi đâu ra chè móc câu tuyệt vời thế này.
Hà cười:
- Có chuyện, nên mới có chè mà uống. Chứ thật ra lâu nay cả thiên hạ chỉ có chè bồm và chè gói toàn cẵng thôi, đúng không? Nói chứ tớ cũng thèm chè búp như hồi bọn mình còn đang đánh nhau trong Bàu Cạn B3 lắm, nhưng bây giờ đó là của quý. Tớ cũng chỉ có đôi ba ấm thôi, hôm nay là đãi cả cậu và tớ đấy.
Thế là vừa uống trà, Hà vừa kể cho tôi nghe chuyện về ấm chè này.
Từ ngày ra quân, Hà cũng làm đủ thứ việc để sống, phụ thêm vào số tiền trợ cấp thương binh bậc 2 ít ỏi hàng tháng. Một trong những việc đó là thỉnh thong nó ngược lên Thái Nguyên buôn về mỗi chuyến một hai cân chè hoặc vaì cân măng.
Cách đây ít ngày, Hà lên Thái Nguyên và khi về, nó mang trong chiếc ba lô 2kg chè móc câu. Hơi nhiều hơn mọi khi, và có lẽ đó là điều không may. Khi chiếc xe ca Ba Đình tậm tạch chạy về đến cầu Phủ Lỗ thì trời đã cuối chiều. Xe vừa qua cầu thì có ba người của phòng thuế xuất hiện bên đường. Hai nam và một nữ. Họ ra hiệu cho xe dừng lại, rồi một người nam trèo lên xe. Anh ta đưa mắt nhìn một lượt từ đầu đến cuối xe rồi lớn giọng:
- Ai có hàng hoá buôn bán gì khai mau và đem ra cho cơ quan thuế kiểm tra.
Chừng như đã quen với cảnh này nên từ bác tài xế đến mọi hành khách chẳng ai có phản ứng gì trước cái lối nói xóc óc đầy quyền uy của nhà chức trách. Bác tài còn đế thêm:
- Thôi, bà con ai có hàng buôn gì thì báo luôn cho nhanh để xe còn kịp về Hà Nội sớm.
Mọi người nhìn nhau, rồi có hai người đứng lên đi ra ngoài cửa xe. Tự giác cho nhanh chứ giá có giấu cũng chẳng ăn thua gì. Người thứ nhất là một bà đi buôn măng chừng ngoài năm mươi tuổi. Hàng hoá đến gần chục cân măng. Lập tức đôi thúng và quang gánh của bà ta bị lôi xuống đất. Bà ta vừa nhăn nhó, trình bày, van xin với anh phòng thuế đứng dưới đất, vừa chậm rãi dềnh dàng mở cái túi vải đựng măng. Còn người có hàng hoá thứ hai là thằng Hà "thái giám". Nó vừa ôm khư khư cái ba lô dựng hai cân chè trước bụng, vừa cười mếu với anh phòng thuế thứ hai đứng ở cửa xe:
- Dạ thưa anh, em là thương binh, chỉ có ít chè đem về xuôi biếu người nhà thôi ạ.
- Biếu với biếc cái gì? Cả một ba lô chè to tướng thế này, không đi buôn thì là gì? Xuống xe ngay.- Người phòng thuế quát to rồi tóm được một bên quai ba lô của Hà kéo mạnh và nhảy xuỗng đất, rồi ra lệnh:
- Mở ngay ra cho kiểm tra.
Thằng Hà vẫn giữ chặt miệng ba lô, cố gắng nài nỉ:
- Thưa anh, đúng là em đem làm quà thật mà.
- Giở ra, không có xin xỏ gì cả. Đi buôn lậu định trốn thuế hả.
Lời qua tiếng lại, hai bên giằng co một hồi. Cả bác tài và hành khách có vẻ sốt ruột. Hà đành nói thật với người phòng thuế, mong cho xong chuyện:
- Anh ơi, anh làmơn làm phúc tha cho em. Em có buôn thật, nhưng chỉ có hai cân chè. Anh thông cảm cho em là thương binh, chưa tìm được việc làm gì.
- À, mày lại còn định giả vờ là thương binh doạ tao à. Định chống lại nhà nước hả?- Người phòng thuế không những không nương tay cho Hà, mà còn lớn giọng, đoạn anh ta bất ngờ giật mạnh chiếc ba lô trên tay Hà.
Chiếc ba lô bị văng mạnh xuống bãi cỏ, bật nắp, rách giấy báo làm chè văng ra tung toé. Nhìn những búp chè văng ra đất, Hà xót ruột, mắt hoa lên. Rồi bỗng nhiên mặt nó nóng bừng, không bình tĩnh được nữa. Nó đứng thẳng người lên nhìn vào mấy người phòng thuế, thét to:
- Chúng mày mở to mắt mà nhìn đây này. Bố mày đã từng đi chiến đấu. Bố mày đã hiến dâng cả bộ c... của bố mày cho Tổ quốc, mà bây giờ có hai cân chè cũng bị cướp à.
Vừa hét, Hà vừa đưa tay cởi nhanh thắt lưng, tụt cả cái quần vứt xuống đất. Tình huống bất ngờ. Tất cả mọi người kể cả hành khách trên xe lẫn mấy người phòng thuế đều ngẩn người ra khi nhìn thâý người thanh niên mặc áo lính cóm róm lúc nãy, bây giờ đứng hiên ngang bên vệ đường nhưng tồng ngồng và ấn tượng hơn là ở ngay giữa chỗ kín của anh ta không có gì cả, ngoài một mảng đen nham nhở. Chưa ai kịp hiểu ra điều gì thì Hà đã cúi xuống rút ngay chiếc đòn gánh của bà buôn măng huơ lên trời theo hình vòng cung rồi nện một đòn trúng lưng một người phòng thuế. Đoạn nó giật lại rồi trở đầu đòn gánh kia lia một nhát vào ngay cẳng chân người phòng thuế thứ hai đúng lúc anh này co cẳng chực chạy. Còn người đàn bà phòng thuế thì tuy không bị phang gậy nào, song cũng ngã dúi ngã dụi xuống bãi cỏ vì quá luống cuống và sợ hãi.
Cảnh tượng diễn ra thật bi hài.
Sau mấy đường gậy tung hoành như Lục Vân Tiên đánh cướp, bây giờ Hà đứng đó trên bãi cỏ, hiên ngang trong ánh nắng chiều xiên xiên. Còn hai người phòng thuế thì đang lạy như tế sao, van vỉ anh anh em em xin Hà nương tay. Người thương binh đang tồng ngồng trước mặt họ không chút ngượng ngập và chẳng còn gì để mất, chắc dám đổi mạng lắm.
Hà vẫn còn tức, nó gào to trong hơi thở hổn hển như phân giải:
- Bố mày không công thần, đã chẳng thèm đi trộm cướp, chỉ mong kiếm sống tử tế qua ngày, nay có hai cân chè, đã phải van nài chúng mày mà chúng mày còn không tha thì bố mày quyết tử cho chúng mày biết.
- Dạ chúng em xin anh, anh tha cho tụi em. - Hai người phòng thuế vẫn rối rít lạy xin.
Lúc này mọi người trên xe mới ùa cả xuống. Một số người đến khuyên giải Hà và giúp nó mặc lại chiếc quần. Còn số đông thì xúm lại nhặt số búp chè rơi trên đất cỏ giúp Hà. Bà con còn cẩn thận gói số chè bị dính chút đất để riêng. Bác tài cũng vui vẻ chờ bà con thu xếp và đưa Hà lên xe. Ba người phòng thuế nhân lúc mọi người xúm lại giúp Hà cũng nhanh chân rút gọn. Bà buôn măng cũng được hưởng lây, không mất đồng thuế nào, bày tỏ lòng cám ơn Hà rối rít. Chiếc xe ca lại chuyển bánh, kịp về Hà nội trước lúc trời tối.
- Đấy là nguồn gốc ấm chè mời cậu đấy. Tớ đã đãi sạch lại số chè dính đất, được mấy ấm để uống. - Hà kết thúc câu chuyện.
Tôi xoay chén trà nóng trên tay, ngắm nhìn làn hơi nóng đang lung linh trên mặt nước chè. Nhấp ngụm chè vào miệng, tôi thấy bên trong hương chè thơm chát như có lẫn chút vị hăng của cỏ, và có một vị gì đấy như là mồ hôi, không phải của đàn ông, cũng chẳng phải đàn bà. Tôi nghĩ đó là vị chè “thái giám”.

Nhiều năm trôi qua, tôi không gặp lại Hà. Sau lần được Hà mời về nhà uống chè ít lâu, cậu ta chuyển vào Nam, lại trở lên Tây nguyên thì phải. Trong một lần đi công tác Thái Nguyên, tôi dừng chân bên cầu Phủ lỗ. Cạnh bãi cỏ năm xưa nơi xảy ra trận xung đột của người thương binh “thái giám” để giữ gìn miếng cơm manh áo, người ta đã xây một trạm xăng, nhưng bãi cỏ thì vẫn còn. Tôi đứng nhìn mà tưởng như bên dưới gốc những cây cỏ kia đâu đó vẫn còn vương vãi những búp chè. Chúng vẫn còn mang đủ vị của chè, của cỏ và cả hơi ấm của một người từng là đàn ông, đã hiến dâng phần quan trọng nhất trong cơ thể mình cho cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.


Vũ Công Chiến

Túy Ca - Tình Khúc Người Say

Túy Ca - Tình Khúc Người Say (3)

Ngày xưa thần tượng là đây
Năm năm trụy lạc hao gầy xác thân
Trả lại tôi những tượng thần
Tôi lên xứ thượng,
rượu cần,
đổi,
say!

___________________________________

Túy Ca - Tình Khúc Người Say (4)

Ừ thôi em cứ quên tôi
Vắng em tôi cũng quen rồi, thấy không ?
Niềm đau con nước mênh mông
Đưa cành rong tảo theo dòng về khơi
Tiếng người ở tận xa vời
Như lời cỏ đá như lời kinh đêm
Người say cũng giống người điên
Có chăng lúc tỉnh chẳng quên được nào
Này em đã đạt mộng đào
Trả tôi chút nắng bên rào ngày xưa.

Phạm Doanh

Thoáng một chút Thiền

Giấc mơ hóa bướm

I.

Ừ,
biết trần gian
đã bạc lòng
Ừ,
ta về
tắm ánh trăng cong
Thân hình trần tục
phà hơi khói
Chiếc bóng vô thường
động nước trong
Nhắm mắt
chối xua
ngàn ảo giác
Trầm mình
gột rửa
vạn tà dâm
Tỉnh lai giữa đám người di động
Hồ điệp cơn mơ chợt đứt dòng.

II.


Chập chờn bay,
bướm chập chờn bay
Ngất ngưởng say,
người ngất ngưởng say
Hồ điệp phiêu du đời lãng tử
Triết nhân ngờ vực giấc mơ ngày
Bồn vang trầm vọng
ru hồn lạc
Đàn gẩy tình tang
vỗ dáng gầy
Quên cả lời kinh, quên tụng niệm
Sóng bồi
cát lở,
mỏi bàn tay.


III.


Ánh đèn thoi thóp cạn dầu,
lay
Đom đóm vu vơ
chấm phá thay
Trong cổ quan tài
người
trá tử (*)
Trên bàn hương án
khói
không bay
Người: nằm mộng ngỡ thành thân ấy
Bướm: lạc hồn nghi hóa phận này? (*)
Ta: bỏ không màng công án nữa
Vang rền
tiếng vỗ
một bàn tay .

(*) Trang Tử giả chết và tự vấn



Phạm Doanh

Những cơn mưa về ngang thành phố



Những cơn mưa về ngang thành phố
Thả buổi chiều rơi sẫm cánh hoa
Ngồi trong phòng nhỏ dịu dàng
Ngắm mưa hát tình tang cửa sổ.

Những cơn mưa về ngang thành phố
Gặp một chiếc lá quá buồn
Một người tay cầm ô, tóc ướt
Bức tường phai gió, chôn chân.

Những cơn mưa ghé thăm thành phố
Một ngày mắt cuối mùa sâu hơn
Bài hát còn vọng câu hỏi ngỏ:
Who’ll stop the rain?

Những cơn mưa ghé qua thành phố
Tiễn một chiếc lá quá buồn,
Điều gì trôi trong mưa cũng thành dĩ vãng.

Những cơn mưa đã về qua thành phố
Người cầm ô tóc ướt bỏ đi
Người ngồi trong phòng ngước mắt hát tình tang
Như bức tường chôn chân, bạc gió.

Những cơn mưa đến và đi trên phố
Bình thường...

1am 19.7.08 Đêm mưa

Năm nay không chỉ những ngày đầu tháng Sáu mưa nhiều, mà cuối tháng Bảy cũng thế. Mưa khiến người ta lười ra khỏi nhà, chỉ ngồi dán mắt vào màn hình laptop và chăm chú chat chit hay chăm chú nghe nhạc, hoặc cả hai.

Bao giờ ngày mưa, cũng thích nghe Who'll stop the rain của CCR và Goodbye to romance của Ozzy. Đó là những bản nhạc gọi về chia biệt. Tại sao lại phải chọn ra đi trong mưa?

Đứng bên Bờ Hồ một đêm mây xám, những cơn mưa đang ghé qua thành phố, và sẽ đi qua thành phố. Mưa đến nhiều lần quá, trong khi Người lại chỉ về đâu đó một đôi lần. Rồi lại biền biệt. Không thèm tin cho nhau một tiếng, ngay cả cái vỉa hè mát này, dưới bóng cây này, có thể từng có bóng Người trong mùa hạ năm nay, hoặc mùa hè trước.

Những cơn mưa còn biết nói lời chia biệt, sao Người và Ta lại đi qua nhau lặng lẽ hơn cả mưa như thế ???

14/ Suối thần (2)


Trên đường học nghề
Người chủ bán dạo trái cây này, ban đầu là một người bán dạo nhỏ một sọt một nong, ngày nay mở rộng phạm vi, cần phải thuê người giúp việc. Công việc của A Dương mỗi ngày là đem trái cây thối lựa ra tập trung lại một chổ. Bày trên sạp toàn là trái cây ngon: Lê vàng tươi, Quýt đỏ to, Chuối, Táo, Dứa, Nho, muôn màu muôn sắc, làm cho người ta nhìn thấy đều nuốt nước miếng. Nhưng có một việc làm cho A Dương cảm thấy kỳ lạ là: những trái Lê thối, Quýt thối, Táo thối lại không bỏ vào thùng rác, cũng không thấy người chủ bán dạo tự mình ăn hết, không biết đã đi đâu rồi, để ý quan sát, nó cuối cùng cũng phát hiện được bí ẩn: là người chủ bán dạo đem hàng thối này để ở bên cạnh chân mình, ở trong mỗi cái túi giấy trống bỏ vào mấy trái, chờ đợi khách hàng đến. Nhìn xem có người đến mua Lê rồi! Người chủ bán dạo thuận tay cầm lên bao giấy có đựng Lê thối, đem trái tốt chất lên trên mặt Lê thối. Cứ như thế, Lê thối theo chân Lê tốt bán cho khách hàng. Người khách nào đâu có biết, đi ra một cách vui mừng, một người nối tiếp một người, không bao lâu sau, Lê thối, Quýt thối, Táo thối đã hết sạch. A Dương nhịn không nổi hỏi người chủ bán dạo:
“Chú để trái cây thối chất ở đáy túi, đây không phải là lừa gạt khách hàng sao?”
“Câm miệng!” Nét tươi cười trên mặt người chủ bán dạo bổng chốc mất đi, hai con mắt mở to tròn xoe, “mi là một thằng ngốc, về sau không cho phép ngươi nhiều chuyện!”
Nhưng trong lòng A Dương chịu không được sự lừa gạt giả dối, cuối cùng ngày hôm sau nói với một người khách hàng: “xin ngài kiểm tra lớp dưới đáy túi, đếm xem có mấy trái thối.”
“Cái gì, trái thối hả?” Người khách hàng rất là ngạc nhiên: “ta rõ ràng nhìn thấy, bỏ vào trong túi đều là Lê tốt mà!”
“Đúng, đều là Lê ngon,” người chủ bán dạo vội vàng nói: “ngài yên tâm đi!”
“Không đúng, A Dương nói lớn lên: “hang thối đều để trước vào đáy túi rồi, ngài vốn không có nhìn thấy, đây là trò lừa gạt!”
“Vậy sao?” Người khách hàng lập tức đem trái Lê trong túi để ra ngoài, quả nhiên trái thối ở dưới đáy túi, chiếm 1/3 trở lên.
Người chủ bán trái cây dạo bị khách hàng dạy cho một trận, bụng đầy lửa trút hết lên người A Dương: “thằng ngốc đáng chết, dám vạch trần ta à!”
“Cháu đúng, chú sai!” A Dương tranh luận lý lẽ một cách thuần chất.
“Làm người buôn bán ai không làm chút trò lừa bịp, đáng cho người quá kinh ngạc!” Người chủ bán dạo gầm lên nói.
“Cho dù là ai, lừa gạt đều là sai!”
Người chủ bán dạo trái cây tự nhiên không bác bỏ được lập luận của A Dương, liền bảo hắn xéo đi. Tục ngữ nói, may rũi khôn lường biết đâu đó lại là điều phúc. A Dương vừa rời khỏi chổ người bán dạo trái cây, thì được một vị giám đốc thương nghiệp đón lấy. Từ đấy, lại xuất hiện một chặn…..
Những việc trãi qua càng kỳ lạ.
Nói ra cũng may, vị giám đốc thương nghiệp này chính là người khách mua Lê. Ông ta tận mắt nhìn thấy A Dương thật thà chất phác, rất vừa ý. Thế là ADương lập tức được mời làm nhân viên bán hàng của công ty. Hành vi thành thực không lừa dối của hắn, nhanh chóng được lan truyền đi; Hắn rất tin cậy ngài giám đốc, vì nó chính tai nghe lời giáo huấn của ngài giám đốc đối với người chủ bán hàng rong, thật là lời lẽ đanh thép. Từ đấy, hắn cả ngày bận rộn tất bật, chạy đông chạy tây để bán hàng. Hiện nay hắn đang đưa đi bán một loại “thuốc bổ khỏe”. Trên bản thuyết minh giới thiệu nói, loại thuốc bổ này do nhiều loại thuốc quý điều chế thành. Ngài giám đốc cũng chính miệng nói với A Dương, thuốc bổ khỏe này có thể làm cho người mắc bệnh nặng nhanh chóng tăng cường sức đề kháng, nhiều chổ hay đến nỗi không cách gì nói hết. A Dương đẩy hàng đi bán khắp nơi, mọi người đều tin vào lời nói của con người thành thật này, cho nên cho dù giá thuốc có cao, người mua hàng lại càng lúc càng đông, cho nên người giám đốc thương mại này lại trở thành một đại phú ông.
Từ chổ tò mò, A Dương muốn nhìn xem quy trình sản xuất của loại thuốc bổ này, liền xông vào công xưởng, trong lúc tình cờ phát hiện loại thuốc bổ cao giá này lại là hàng giả. Hắn tức giận đến toàn thân run lên, chịu không được gào lên. Hắn cảm thấy mình đã bị lừa, còn mình lại đi lừa rất nhiều người khác. Hắn muốn tìm người giám đốc thương nghiệp phân rõ đúng sai, lại rất khó tìm được bóng hình của vị đại phú ông này.
Nhưng phải làm sao đây! A Dương suy nghĩ suốt 3 ngày 3 đêm, bổng nhiên hắn nhớ đến suối thần. Hắn quyết định trở lại rừng sâu, để xác định đường đi đến suối thần, sau đó trở về đưa những người chuyên làm việc lừa gạt người đến nơi đó, để cho họ uống nước suối thần, từng người từng người sẽ thay đổi thành người thành thực không lừa gạt người, Hay quá!
Nhưng nó đã quên chổ của nước suối thần rồi. Về sau, trãi qua muôn vàn cực khổ, vẫn tìm được đến nơi. Trên đường trở về, hắn làm rất nhiều dấu hiệu, lúc trở lại đở phải tìm kiếm tốn sức. Hắn thật vui, vì cảm thấy mình đang hoàn thành sự nghiệp thiêng liêng. Nhưng lúc hắn trở về đến giữa mọi người, lại xãy ra điều khó nghĩ. Hắn không biết làm thế làm sao nhận ra loài người cần tìm, một loại người ở trong bóng tối đang làm trò lừa gạt .
Hắn đi đến trước mặt người chủ bán dạo trái cây lúc trước một cách buồn rầu. Người chủ bán dạo trái cây đang cúi thấp đầu, giống như đang suy nghĩ một cách đau khổ. A Dương bổng nhiên phát hiện, trên lưng người chủ bán dạo trái cây đang mọc một cánh tay nho nhỏ, nó đang từ trong cổ áo len lén thò ra ngoài. A Dương ngạc nhiên quá đi, nó chào hỏi người chủ bán dạo, hỏi ông ta rốt cuộc là vì sao:
“Đây là sự trừng phạt kỳ lạ,” người chủ bán dạo nói một cách hối hận: “tôi không nên làm trò lừa gạt người như thế, làm được một khoảng thời gian, liền mọc ra điều phiền toái đáng ghét này! Có điều, hiện tại gần như so với lúc trước nhỏ hơn nhiều rồi.”
“Đúng vậy, ông đã bắt đầu biết hối hận rồi, về sau ông phải cần tốt hơn nữa.” A Dương bổng nhiên nhớ ra, có phải tất cả người có làm trò lường gạt, đều sẽ mọc ra cánh tay nhỏ chăng? Người chủ bán dạo trả lời câu hỏi của nó.
“Đó là lẽ đương nhiên.” Người chủ bán dạo nói: “lúc trước cháu không để ý đấy, cánh tay sau lưng đó có lúc trốn rất giỏi.”
A Dương đi khắp ngã đường, để ý nhìn kỹ, quả nhiên cánh tay sau lưng đó mọc ra không ít. Những cánh tay đó có dài, có ngắn, có to, có nhỏ, có cái trốn ở trong áo, có cái ở dưới nách hoặc ở trong cổ áo len lén thò ra ngoài, mà còn thò ra rất dài. Những người này hầu như toàn bộ đều đang làm đủ việc một cách đúng đắn, còn cánh tay nhỏ sau lưng đó thì đang làm đủ trò nhỏ một cách vô tình. Họ tự mình giống như vẫn rất đắc ý.
A Dương bất giác lại rơi vào trong âu sầu: họ có đồng ý theo cùng ta rời khõi chổ này, đi uống nước suối thần trong núi không?

Túy Ca - Tình Khúc Người Say (2)

Túy Ca - Tình Khúc Người Say (2)

Chập chờn bay
bướm chập chờn bay
Ngất ngưởng say
người ngất ngưởng say
Hồ điệp phiêu du đời lãng tử
Triết nhân ngờ vực giấc mơ ngày
Bồn vang trầm vọng
ru hồn lạc
Đàn gẩy tình tang
vỗ dáng gầy
Quên cả lời kinh,
quên tụng niệm
Sóng bồi
cát lở,
mỏi bàn tay.

Phạm Doanh

Túy Ca - Tình Khúc Người Say

Túy Ca - Tình Khúc Người Say (1)
==========================

Bình khô đập chén cả cười với nhau.

Đêm nay ánh trăng vàng lơ lửng
Gió nhẹ lay hờ hững cành cây
Đắng cay lời cuối là đây
Ngày mai xa cách cho đầy nhớ thương.

Ta cùng em quỳnh tương chén cạn
Nhớ bao ngày bầu bạn bên nhau
Cung đàn gieo tiếng oán sầu
Yêu chi cho lắm mà đau thế này.

Thôi em nhé chia tay nhau nhé
Một người đi làm kẻ phiêu bồng
Một người áo cưới theo chồng
Còn đâu chén ngọc rượu nồng cho nhau.

Trăng mười tám bắt đầu khuyên khuyết

Thương cuộc tình và tiếc ngày xanh
Từ nay chiếc lá xa cành
Anh về miền gió cát đành quên thôi.

Đành cứ để chôn vùi kỷ niệm
Nhắc làm chi những chuyện u hoài
Coi như tích Nhị Độ Mai
Giấc mơ thoáng nhẹ, dấu hài cỏ hoang.

Bầu rượu cạn xoay ngang cười ngất
Em hỏi ta dám bất chấp đời?
Thôi, mai đám cưới em rồi
Trả em nguyên vẹn về người lạ xa.

Đêm nay ánh trăng tà lạnh lắm
Sưởi cho nhau canh vắng thế thôi
Em về bên phía kia đồi
Còn ta diện bích, mộng đời u minh.

Ta chẳng tiếc cuộc tình dang dở
Chỉ nghe tim đã vỡ tan rồi
Coi như duyên nợ lứa đôi
Cầm bằng sông nước cuốn trôi mịt mùng.

Cùng một nỗi niềm, chung tâm sự
Uống cho đầy tư lự đêm nay
Lâu rồi chẳng có dịp say
Rồi đây như khói mây bay cuối trời.

Ừ thôi nhé ta rời phố vắng
Đếm tháng ngày cho trắng bàn tay
Trong lần nửa tỉnh nửa say
Tên người ta gọi vơi đầy hồn hoang.

Còn đâu đó hương thoang thoáng nhẹ
Tiếng kinh hòa tiếng kệ điêu tàn
Trách trời cắt đứt tơ vàng
Tình vừa chớm mộng, đoạn tràng lên ngôi.

Uống đi em, nữa rồi là mấy
Mỗi khi say lại thấy người xưa
Mai này trên bước nắng mưa
Đêm nay nhớ mấy cho vừa em ơi.

Uống cho hết, trả cho đời
Bình khô đập chén cả cười với nhau.

Phạm Doanh

Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2008

Giầy trẻ em

Cần bán: Giầy trẻ em. Chưa bao giờ được dùng

Nguyên bản:

For sale: baby shoes, never worn.

(Hemingway)


Đây là truyện cực ngắn của Hemingway. Chính ông đã có lần nói rằng đây là tác phẩm ưng ý nhất của mình.

Bạn nhìn thấy gì ở trong truyện ngắn này?

Riêng tôi nhìn thấy một cặp vợ chồng trẻ rộn rã chuẩn bị cho đứa con sắp chào đời. Họ đưa nhau đi mua sắm những đồ quần áo giầy dép nhỏ xíu và những đồ chơi khác cho đứa bé sắp ra đời. Họ thức cả đêm rúc rích thì thầm là sẽ đặt tên con như thế nào, lớn lên sẽ cho nó làm gì. Hạnh phúc là khi mình có một đứa bé con.

Rồi việc không may xảy đến. Người vợ trẻ bị sẩy thai. Chị không bao giờ được trở thành bà mẹ trẻ nữa. Người chồng đau đớn bàng hoàng chỉ biết an ủi vợ đang vừa khóc vừa gấp lại những quần áo, bỏ vào hộp những đồ chơi. Họ đi về trong nhà như những cái bóng. Những đồ dùng của đứa bé chưa bao giờ ra đời trở thành những kỉ vật nhức nhối đến nỗi họ muốn dứt bỏ hẳn khỏi nó. Không thể đem cho con cái nhà người quen, vì họ không có bạn bè sắp sinh, mà biết đâu một ngày nào đó nỗi đau sẽ trở lại dưới hình hài một sinh linh nhỏ xíu nào đó không phải của họ.

Chỉ có cách là bán nó đi.

Nguyễn Thành Vinh, 2006

From Quán trọ (website: http://www.thanhvinh.net)


Thật sự, đọc lời bình của Nguyễn Thành Vinh mới thấy bàng hoàng.

Tôi lại đọc thấy trong truyện của Hemingway sự gắn bó máu thịt của đôi vợ chồng trẻ với sinh linh nhỏ nhoi của họ. Có thể là một em bé đã ra đời. Nhưng em bé chưa kịp đi đôi giầy ấy đã vì một lý do gì đó mà vĩnh viễn không bao giờ dùng nó được. Bây giờ thì bạn có thể để lỏng cho trí tưởng tượng của bạn bay cao, bay xa hơn nữa. Bạn cũng có thể xây dựng được cho mình một câu chuyện khác từ cái bảng quảng cáo bán giày kia. Một tấm bảng bình thường giống như những thứ ta đã từng đi qua bao nhiêu lần trong cuộc đời này. Thế mà đằng sau mỗi tấm bảng ấy lại có thể chứa đựng câu chuyện về số phận của một con người, hay thậm chí của cả một gia đình.

Bao nhiêu lần đi trên đường, ta đã dừng chân, để mắt và thả lỏng cho đầu óc, cho trái tim mình cảm thông và chia sẻ, dù chỉ là trong một phút giây?

Dù sao, với tôi, nỗi đau của trẻ em bao giờ cũng là nỗi đau đớn xót lòng. Trẻ em còn quá nhỏ bé để có được những suy nghĩ và cảm xúc như người lớn. Nỗi đau khổ, niềm vui sướng đều rất chân thành và rất thật.

Còn nhớ cách đây mấy ngày, tôi đứng trước một sân chơi trẻ em. Trong đó rất nhiều em bé với đủ các quốc tịch khác nhau. Những màu da khác nhau, những màu tóc khác nhau, những màu mắt khác nhau. Và nhất là những tiếng nói khác nhau. Nhưng chúng đều chung một đặc điểm là tuổi thơ ngây. Những em bé hồn nhiên, vô tư, vui đùa nghịch ngợm. Chúng bắt chước nhau nghịch cát, đu dây. Những trò chơi cũng đơn giản như chính tâm hồn chúng. Sân chơi toàn bằng những cây gỗ, tấm ván hay sợi thừng ghép lại. Với trẻ, chỉ cần một khúc cây xù xì ngả xuống, là chúng đã có thể hình dung ra con ngựa gỗ, để cưỡi lên và phi đến tận cung trăng. Mà thật ra có phải chúng thật sự hình dung ra con ngựa không nhỉ? Đấy là tưởng tượng, mơ mộng của tôi đó chứ. Bọn trẻ có thật sự có nhu cầu bay đến cung trăng không? Ta khó mà biết được, đúng không?

Chỉ biết rằng, chúng dễ dàng cười giòn tan. La hét bằng đủ các thứ tiếng. Chẳng cần biết tiếng của nhau, thậm chí không cần ra dấu hiệu, lũ trẻ vẫn có thể hiểu nhau, để cùng nhau đùa nghịch, thỏa thuận với nhau về thứ tự và cách thức của trò chơi, để cùng thân ái nắm tay nhau và cười. Ôi tiếng cười trẻ thơ!

Lúc này mới thấy hết sự vô nghĩa của ngôn ngữ loài người. Thấy sự vô nghĩa của từ “internations”. Tại sao lại phân chia ra các nations làm gì để rồi sau đấy lại phải “inter” với nhau?

Ở sân chơi còn có các bà mẹ nữa. Các bà mẹ châu Âu to lớn lực lưỡng. Giơ hai cánh tay khỏe mạnh, đẩy đứa con lên cao. Các bà mẹ châu Á nhỏ bé đầy lo lắng và âu yếm. Đứng dưới thấp, quan sát đứa con mình bò từng bước lên cao và không ngừng khích lệ. Nhưng vẫn sẵn sàng giơ đôi tay bé nhỏ để đỡ con mình nếu chẳng may nó xảy chân. Tình yêu thương cũng là không biên giới. Lòng mẹ ở 5 châu, 4 biển tất thảy đều giống nhau thôi.

“…Ôi trái đất rộng làm chi bát ngát

Cho loài người chia biên giới thế gian

Cho sa mạc thổi bùng lên ngọn lửa

Cho tình ta chưa bén đã vội tàn…”

(trích thơ Olga Becgon)

Hải Âu

Cô gái đã ngồi hàng giờ trên cát trắng. Trời xanh mênh mông, in trên mặt biển một màu nước biếc. Những cánh chim hải âu sải cánh chao nghiêng. Một vài con đậu xuống trên mặt cát, ngay sát cạnh chân cô. Lũ chim không lạ người, chúng mổ cái gì đó trên cát, và rồi lại vỗ cánh bay lên.

Cô gái khẽ lẩm bẩm „Không biết lũ chim nó tìm gì trên cát ấy nhỉ?“ Anh bạn phì cười „Chẳng hiểu em hỏi lần này là lần thứ mấy rồi. Nó ăn gì kệ nó chứ, em hơi đâu mà lo vậy?“ Cô gái không nói gì, nhưng vẫn đăm đăm dõi theo những cánh chim. „Đùa vậy thôi em. Em không thấy sao, con nào con nấy béo múp míp kìa, em cứ khéo lo“ Vẫn không trả lời, cô hơi quay đầu lại, khẽ mỉm cười, và rồi lại chìm vào yên lặng. Người bạn trai nhìn cô hồi lâu, rồi không muốn phá vỡ những suy nghĩ của cô, anh đứng dậy, cầm máy ảnh. Loay hoay chọn góc chụp. Anh chụp xong và bỏ đi lúc nào cô cũng không để ý.

Lúc này, cô không muốn nói gì cả. Có những lúc sự yên lặng không phải là nặng nề như người ta vẫn tưởng. Nghỉ ngơi tuyệt đối, thả hồn trôi theo những suy tưởng không đầu, không cuối. Mặc dù sự yên lặng không hoàn toàn phù hợp với bản tính sôi nổi, hòa đồng của cô. Có điều, chính vì thế mà nhiều khi, cô cảm thấy như mình cần được yên lặng, để nghỉ ngơi, tách biệt ra khỏi cuộc đời cô lúc nào cũng ồn ào và náo nhiệt. Rồi buông mình trôi theo những suy nghĩ linh tinh, không nhiều ý nghĩa, vô thưởng, vô phạt. Như lúc này chẳng hạn.

Cô đã theo dõi lũ chim Hải âu từ rất lâu rồi. Trong trí nhớ, vọng lại những điều rất ít ỏi mà cô biết về loài chim biển này:

Chim Hải Âu là loài chim khí tượng, khi chúng đi kiếm ăn xa, ắt là thời tiết tốt, sóng yên gió lặng. Những ngày chỉ bay quanh quẩn ven bờ, thời tiết xấu, không gió lớn thì cũng mưa giông. Đến khi nghe chúng kêu réo inh ỏi và bay hàng đàn trên đầu kiếm chỗ ẩn náo, là dấu hiệu báo trời sắp có bão tố

Cô cũng biết, chim Hải Âu có thể nói là loài chim duy nhất có khả năng đương đầu với sóng gió của biển cả. Thật ra, người Việt gọi tất cả các loài chim biển là Hải âu, hay là chim báo bão. Nhưng trong tiếng Anh thì những loài chim ấy đều có tên gọi khác nhau. Không biết là bao nhiêu loài. Vẫn theo thói quen của người Việt, cô gọi tất cả là Hải Âu.

Bây giờ, quan sát cách bay của Hải Âu, cô mới chiêm nghiệm được những điều đã đọc được khá lâu từ đâu đó trong sách vở. Chim Hải Âu rất ít khi vỗ cánh. Nó chỉ lên xuống nhờ vào sức gió, lượn những vòng tròn rất rộng, tùy theo chiều gió. Nhưng khi sải cánh, cánh chim dài hơn nhiều so với thân chim. Thật là đáng ngưỡng mộ sự thông minh của lũ chim Hải Âu. Không thể chống chọi được với sóng gió thì nương theo nó. Dựa vào tự nhiên khắc nghiệt để mà sống và chiến đấu, không hề than vãn. Hải âu đã chọn chính nơi này làm nơi sinh sống. Biển và sóng, trời và cát, nắng và gió.

Hải âu ơi, nơi đây có gì mà mi thiết tha làm vậy? Biển trời xanh mênh mông. Cát trắng bao la. Gió dập dềnh cánh buồm no gió. Sóng trắng dâng bờ. Nhưng êm đềm là vậy. Thoáng chốc biển gầm gào giận dữ. Lại nháo nhác lên đi kiếm chỗ ẩn nấp.

Những chú chim xinh. Có bao giờ hải âu thấy mệt? Có bao giờ thấy cần đi tìm một chốn bình yên để trú ngụ?

Những câu hỏi không lời giải đáp. Cũng giống như cuộc sống của con người. Đã lựa chọn rồi là phải sống. Đã lựa chọn thì bao giờ chẳng phải có những trả giá. Nhưng rồi cuộc sống ấy có xứng đáng không? Biển xanh, cát trắng có đáng để đánh đổi lấy những cơn bão cuồng loạn trong đời?

Sầu Biển


Em biết chăng lòng tôi khắc khoải
Giọt tình thức dậy giữa ngàn thương
Đêm nay tìm mãi nơi vườn lạnh
Vọng ước yêu đương giữa cõi thường
.
Ôi , suốt một đời đành ngăn cách
Lệ ngâu buồn tôi giữ trên tay
Ủ men rượu để ... hồn tuý luý
Để thấy em cười trong giấc say
.
Để thấy im lìm trăng cuối biển
Tăm tối ngoài kia một dãy xanh
Hư tưởng như hồn bay hướng ấy
Mượn hơi gió thoảng đến bên nàng
.
Đông Hòa
17.07.2008

Tận cùng yêu thương...

"Đã thương, thương đến vô cùng
Đã yêu, yêu đến nát lòng vì nhau"

Biết đâu là bến, là bờ
Biết đâu hạnh phúc có chờ đợi ai?!!!
Bao giờ cho tới ngày mai
Đơn thân chân bước, đường dài xa xôi

Bao giờ người thấu lòng tôi
Bài thơ viết vội, một đời chưa xong
Dở dang câu chữ lòng vòng
Lội vào trang giấy, ngập ngừng khôn khuây

"Nợ tiền có trả, có vay
Nợ tình càng trả, càng đầy, cực chưa?"
Biết đâu là bến, là bờ
Yêu thương đến thế, bây giờ vẫn xa...

Ước gì như một kiếp hoa
Một ngày rực rỡ - cũng là ngát hương
Đâu cần nghĩ ngợi mông lung
Hiến dâng cho đến tận cùng yêu thương

Đã yêu, yêu đến vô cùng...

Darmstadt, 7/2008

Thứ Năm, 17 tháng 7, 2008

Nhỏ

Không phải vì em có thân hình nhỏ nhắn nên được gọi là Nhỏ;
Không phải vì em còn bé, chưa đủ tuổi trưởng thành và . . . chưa biết yêu nên được gọi là Nhỏ;
Không phải ba mẹ đặt tên cũng không phải bạn bè gọi một cách thân mật mà em được gọi là Nhỏ;
Không phải, và chắc chắn một điều không phải ai cũng biết và gọi em là Nhỏ. . .
Bởi vì đó là điều bí mật giữa anh và em, cô nhỏ của anh !
Nhỏ là một cô bé dễ thương, có nụ cười khiến ai đó đã trót nhìn một lần thì không thể quên được. Nhỏ có mái tóc dài thướt tha làm bao cô gái khác phải mơ ước, làm bao chàng trai phải ước ai :"Giá được một lần được vuốt nhẹ". Nhỏ có một đôi mắt trong veo, thuần khiết khiến người ta chết đuối. . .
Người ta nói sự thông minh và sắc đẹp ở người phụ nữ không thể tồn tại song song. Ấy thế mà với Nhỏ thì ngược lại. Giá Nhỏ bớt thông minh một chút thì có lẽ bọn con trai sẽ bớt khổ và dễ sống hơn. . .
Nhỏ dập tắt niềm hy vọng của người khác khi nó còn chưa kịp nhen nhóm.
Nhỏ làm ngơ tài đến nỗi người ta ngỡ là nhỏ chưa biết gì.
Nhỏ từ chối hay đến nỗi người ta thất vọng mà lòng vẫn vui và môi vẫn nở nụ cười thật tươi.
Nhỏ vừa gần vừa xa, vừa là một chú nai vàng ngơ ngác vừa là một chú thỏ thông thái, vừa rất đỗi thân quen lại dường như người xa lạ . . .
Nhỏ có rất nhiều bạn, rất nhiều người quen, rất nhiều người biết, đặc biệt là có rất nhiều cái đuôi và cả một vườn cây si. Người ta gọi Nhỏ bằng rất nhiều ngôn từ hoa mỹ, bằng bao cái tên chỉ có trong . . . phim, vậy mà Nhỏ hông thèm để ý đến. Nhỏ chỉ thích làm cô nhỏ mà thôi! Không ai hiểu và cũng chẳng ai biết lý do . . . Bởi đó vẫn còn là điều bí mật. . .

Thứ Tư, 16 tháng 7, 2008

13/Suối thần (1)

Uống nước suối thần.
Bạn còn nhớ “đứa trẻ chăn dê” không? Rõ ràng không có Sói đến tập kích, nó lại hét lớn lên “Sói đến rồi!” Mọi người bị hắn lừa một lần, khi họ nghe đến nó hét lên “Sói đến rồi” lần thứ 2, cho rằng nó lại đang lừa người, liền không để ý đến nó nữa. Thực ra, nó đang bị Sói tập kích. Thế là…..thế rồi sao? Có người nói, nó bị Sói ăn thịt rồi; có người lại nói, Sói chỉ ăn có một con dê con, đứa trẻ chăn dê đã trốn thoát được.
Đúng vậy, nó lúc đó quả thực đã chạy trốn được, ở trong rừng sâu chạy hết một ngày một đêm, trốn vào trong một sơn động. Nó khát nước quá rồi, bổng nhiên nghe đến tiếng nước róc rách róc rách vang lên từ nơi sâu của sơn động, liền men theo vách đá bò vào, vào đến ven bờ một dòng suối trong. Nó vốc nước suối lên uốngcho đã, dần dần nó cảm thấy mắt sáng tai thính, tinh thần trong sáng thoải mái.
“Ta làm sao thế!” hắn đấm vào đầu của mình, “ta rốt cuộc đã làm những việc gì? Lừa người sao, cuộc sống của ta đáng để cho Sói cắn chết đi, lại vì sợ chết, chạy trốn vào trong sơn động một cách đáng xấu hổ!”
Anh ta đã giác ngộ một cách hoàn toàn, mà còn sám hối một cách sâu sắc. Vừa rồi nước anh ta uống là nước suối thần. Nước suối thần này còn gọi là “Suối thành thật”, uống nước suối này, bất luận là ai, đều sẽ thay đổi thật thà một trăm phần trăm. Thực ra, đứa trẻ chăn dê lần thứ nhất hét lớn lên “Sói đến rồi!” có lẽ chỉ là lời nói cho vui, không hề có ý lừa gạt người khác, nhưng, là một người thật thà hoàn toàn đối với hành vi này đương nhiên cũng là không thể tha thứ.
Lúc này nó hổ thẹn, nó đau khổ, thật tình muốn cả đời sống ở trong núi sâu, không đi gặp người nào nữa. Nhưng về sau, nó quyết định, phải đi xuống núi, dùng hành vi của mình để rữa sạch nỗi nhục trên người.
Người trong nhà và mọi người trong thôn xóm vẫn cho rằng nó đã bị Sói ăn thịt rồi, đau lòng quá rồi; Bây giờ nhìn thấy hắn trở về, liền buông thả tấm lòng, xem như không có chuyện gì. Mẹ hắn vì để chúc mừng con trai trở về, quyết định mời hàng xóm…..
Ăn một bữa cơm thường.
Bữa cơm thường này mời Vương Đại Thẩm người hàng xóm bên trái, Đinh Đại Thúc hàng xóm bên phải và hàng xóm trước sau nhà. Lúc bắt đầu không khí tưng bừng vui vẻ, khách chủ đều vui; Lại vì một câu nói, không khí lại dần dần quay ngược trở lại, mọi người thay đổi đến không vui. Thì ra là bà nội của “đứa trẻ chăn dê” (nó vốn gọi là A.Dương, vì để tiện xưng hô, phần phía sau sẽ gọi tên của nó vậy) nói một câu lịch sự:
“Các vị đại thúc đại thẩm, ngày hôm nay không có gì đãi các vị….”
Lời nói chỉ nói được một nữa, đã bị A.Dương cắt ngang: “nội, nội nói sai rồi, lúc các chú các thím chưa đến, nội nói thế này, ngày hôm nay thức ăn nhà ta, e rằng cả đời nhà chúng ta ăn không hết đây!”
Bà nội đỏ cả mặt, lập tức dùng lời nói, nói với các thực khách: “đậu dao này thật là tươi mới đây, cà chua cũng vừa mới hái xuống….” Còn chưa dứt câu, A. Dương chịu không nỗi lại nói leo vào:
“Bà nội, đậu dao này thật tươi ngon, cháu thấy bà hái 3 nắm trong vườn nhà Vương Đại Thẩm.” Nó không nhìn thấy mặt của bà nội đang tăng lên màu đỏ máu, lại hướng mặt về Đinh Đại Thúc nói: “Cà chua nhà chú mọc tốt đấy, bà nội kêu cháu hái 2 quả to nhất ăn thử đấy.”
Lời nói của A.Dương toàn là sự thật, lại làm cho bà nội nén lại một bụng tủi thân, ở trước mặt mọi người quả tình thoát không khỏi cảnh khó xữ, liền thoái thác cái bụng khó chịu, chạy vội vào nhà sau. Vương đại Thẩm vốn đã phát hiện đậu dao trong vườn nhà thiếu đi, trong lòng có chút nghi ngờ; Đinh Đại Thúc đối với cà chua trên cây nhà mình hiểu rõ nhất, mỗi ngày đếm số. Ngày hôn nay nghe A. Dương vừa nói, trong lòng làm sao vui được. Vì thế không khí rất căng thẳng, may mà có má của A.Dương ân cần khuyên giải, mới hơi hơi tỏa ra chút hòa dịu, vậy mà cuối cùng cũng không vui mà tản ra. Từ đấy, bà nội nói chuyện, làm việc đối với A.Dương đều có chút đề phòng. A.Dương cũng cảm thấy ở trong nhà không vui, má nó liền nhờ người mai mối, đem A.Dương đưa đến trong thành phố, cho một người bán dạo trái cây…..

Truyện ngắn Như Quang: SƯ CẢ

Mặt trời rọi ánh sáng chói chang xuống thành phố một trưa tháng tư bận rộn. Không xa trung tâm thành phố bao nhiêu, một dáng người gầy gò trong chiếc y vàng lầm lũi bước đi. Ánh mặt trời hỗn hào táp trên mặt, trên vai tăng sĩ. Con đường không một bóng mát nào để người lữ hành có thể nghĩ chân. Sắp đến giờ độ ngọ, lại đang khát cháy cổ, sư chợt nhớ đến một cô phật tử ở gần đây, cô Diệu Tâm. Sư nghĩ mình có thể tạt vào xin ly nước lạnh và một bữa cơm trưa. Đường Tăng đi thỉnh kinh có đem theo lương khô và nước uống, lại có cả đoàn tuỳ tùng Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới. Còn sư, luật tỳ kheo đâu cho cất giữ thức ăn nên có nhiều khi đi xa sư cũng phải chịu đói vì đến giờ thọ trai không ai cúng dường. Có hôm gặp phật tử hiểu biết luật có dâng thực phẩm đi đường cho sư thì có được vật thực cho buổi trưa. Bằng không thì phải nhịn đói. Có nhiều lần sư đã nhịn đói đến hai ngày liền vì không kẻ cúng dường mà cũng chẳng có phật tử nào quen biết để xin bố thí. Đời tu khổ hạnh, sư đâu đòi hỏi chi nhiều. Chỉ cần một tô cơm trắng cũng qua bữa rồi. Niệm chuyện đời một lúc, sư nhớ lại mình còn nhiều nơi phải đi nên rảo bước cho mau đến nhà cô phật tử nhưng chiếc dép nhựa rẻ tiền trở chứng làm khó sư. Chiếc dép bên trái đã đứt quai từ mấy tháng trước, được sư nối dài tuổi thọ bằng những mủi khâu kết vụng, bây giờ không thể kéo dài thêm nữa vì đã quá già nua. Còn chiếc bên phải tương đối lành lặn hơn thì lại là bên chân sư mới vừa bị trật khớp hôm qua vì té thang trong lúc sửa chùa. Mỗi bước đi là một gượng nhẹ, không dám để hết sức nặng của mình lên chân bị đau. Giá mà đổi dép qua chân trái được có lẽ sư cũng đổi. Hoặc vả có ai cho mượn kim chỉ, sư có thể vá víu lại chiếc dép đứt để vượt hơn trăm cây số đường dài trở về chùa.

Thấy đã mất khá nhiều thời giờ, sư cầm chiếc dép trong tay, tiếp tục đi. Khi về chùa, sư sẽ tìm cách khâu vá lại để dùng. Mặt lộ nóng rang dưới gan bàn chân không dép. Với một chiếc dép trong tay, sư chợt nhớ tới hình ảnh tổ Đề Bà Đạt Ma vác một chiếc dép trên vai thường được thờ trong các ngôi chùa Bắc Tông. Sư mỉm cười bâng quơ. Cái khát, cái mệt, có lẽ nhờ nụ cười mà dịu đi.

Đứng trước nhà cô Phật tử, sư đưa tay bấm chuông. Chờ giây lát, không ai ra mở cửa, sư bấm thêm lần nữa. Vẫn không có ai trả lời. Đoán có lẽ cả nhà đi vắng, sư quày trở lại con đường khi nãy. Phước báu cho sư, một cô Phật tử khác đi học về ngang thấy sư mừng rỡ gọi:

-Sư ơi, sư đi đâu giữa trưa nắng vậy?

Nhận ra Minh Hạnh, cô Phật tử vẫn thường đến chùa dâng y và tham dự các khoá thiền, sư cũng mừng rỡ trả lời:

-Sư vào thành phố có chút chuyện. Phật tử đi học về đó à?

Liếc nhìn đồng hồ tay, thấy gần giờ ngọ, cô vui vẻ nói:

-Đã gần đến giờ thọ trai, con xin cung thỉnh sư về nhà con độ ngọ. Nhà con cũng gần đây thôi.

Nói xong cô xuống xe, thỉnh sư đi trước rồi cung kính dắt xe bước sau. Cô đi chậm lại, vừa đi vừa nhìn xuống đường để tránh bóng của sư. Cô nhớ hoài lời giảng của quý sư về cung cách đối với chư tăng. Người Phật tử không được phép ngồi ngang hàng với chư tăng, không được đi trước chư tăng, không được dẫm lên cái bóng của chư tăng. Cô không dám bước trước sư nên luôn miệng chỉ đường:

-Nhà con đó sư. Cái nhà sơn màu xanh đó.

Sư khập khễnh bước đi trước, còn cô dắt xe theo sau. Nhìn thấy sư chân đất, chân dép, cô vô cùng xúc động. Làm thế nào sư có thể đi về với một chiếc dép trong chân? Nhìn dáng gầy gò của sư, cô thấy xót xa. Giữa trưa nắng gắt, một nhà sư khổ hạnh, chân đất như thế này mà không một kẻ qua đường nào bận lòng hay sao? Thật đúng là thời mạt pháp! Rồi cô lo lắng, không biết có món gì để dâng sư. Trong nhà không còn gì có thể dâng đến sư được! Nhưng rồi cô thở phào nhẹ nhỏm khi nhớ ra hộp cơm mình vừa mới mua để ăn trưa. Cô có thể nhịn ăn một bữa không sao. Còn sư ngày chỉ ăn có một buổi, nếu lỡ buổi ăn này thì sư phải nhịn đói đến ngày mai mà khoảng đường về chùa thì còn lê thê.

Dựng chiếc xe ở góc nhà, Minh Hạnh thỉnh sư đi rửa mặt cho mát rồi vội vàng đi pha cho sư ly chanh muối uống giải nhiệt. Sau đó, cô lấy hộp cơm trưa bày ra mâm và rót thêm ly nước lạnh để dâng sư. May thay trong tủ lạnh còn được một trái xoài, Minh Hạnh gọt để lên dĩa cho sư dùng tráng miệng. Nhìn mâm cơm khá tươm tất, cô hài lòng.

Ngồi trước mâm cơm quá thịnh soạn cho một tăng sĩ, sư vô cùng cảm xúc trước tấm lòng người phật tử trẻ tuổi. Sư thành tâm đọc kinh chúc phúc rồi từ tốn dùng bữa trong chánh niệm. Trong khi sư thọ trai, cô xin phép chạy ra ngoài. Cô hối hả chạy đến tiệm tạp hoá gần nhà mua cho sư đôi dép nhựa. Xong bửa, sư thuyết cho Minh Hạnh một bài pháp ngắn nói về hạnh bố thí. Sư giảng tích chuyện người cho cơm cháy trong Tiểu Bộ Kinh, phẩm Cittalatà. Một nữ nhân đã cúng dường phần cơm cháy của mình đến tôn giả Đại Ca Diếp khi ngài vừa xả Diệt Định sau bảy ngày. Thấy nữ nhân sắp mạng chung và phải sa vào cảnh xấu do những ác nghiệp cô đã làm, ngài Đại Ca Diếp quyết tâm tế độ cho cô nên nhận miếng cơm cháy cô dâng. Thay vì phải đoạ vào cảnh xấu, nữ nhân nhờ phước duyên dâng phần cơm cháy của mình cho tôn giả nên được sanh vào cõi trời. Sư còn giảng thêm rằng trong các pháp bố thí, bố thí pháp là tối thắng. Sư hồi hướng phần phước mà sư đã tạo được đến cho Minh Hạnh và gia quyến. Bài pháp tuy ngắn, gọn nhưng vô cùng xúc tích và giọng hiền hoà, chơn chất của sư đã đem đến cho cô một niềm hoan lạc vô biên. Ngồi dưới đất, tĩnh tâm thính pháp mà cô tưởng như mình đang ngồi trên tấm thảm thần chu du khắp nơi, nhìn xuyên suốt cuộc đời bận rộn, vô minh. Cô thấy như huệ nhãn của mình đang mở ra nhìn vào cõi đời tất bật, ganh đua này. Do phước duyên cô đã tạo, cô mong cho mình luôn có trí tuệ, luôn nhìn ra chánh pháp dù ở bất cứ cảnh đời nào, bất cứ kiếp sống nào. Cô không quên nguyện do phước báu mà cô đã làm, nếu có phải tái sanh, cô sẽ luôn được nương tựa vào ba ngôi Tam Bảo. Cô còn nguyện sẽ được quý sư cô hộ độ trong kiếp này nếu thấy cô ở cảnh khổ nào trong các kiếp vị lai thì kéo dùm cô về với chánh pháp.

Cô hoan hỷ nghe pháp và quên rằng mình còn phải trở lại trường chiều nay với cái bụng rỗng không. Cô càng hoan hỷ hơn khi thấy đôi dép vừa vặn chân sư. Vậy mà sư vẫn không bỏ đôi dép cũ. Sư xin Minh Hạnh tờ báo cũ, cẩn thận gói đôi dép đứt vào và nói về chùa sẽ sửa lại để dùng tiếp. Cô hiểu sư sẽ cho người nghèo trong vùng đôi dép nàng vừa mới dâng cho sư còn sư thì sẽ tiếp tục sử dụng đôi dép cũ nát. Những người dân trong vùng của sư nghèo lắm và sư luôn cho họ những gì sư có. Cô thấy sư quá nghèo mà sư thì luôn thấy Phật tử của sư nghèo hơn. Những gì tương đối tốt mà sư có được, sư luôn đem cho lại những người nghèo trong vùng, nhất là những người lớn tuổi. Sống đời ẩn dật như sư, những phật tử nghèo này chính là lẽ sống của sư. Sư hy sinh hết cho chùa chiền và phật tử của mình. Ai nói đi tu là ly gia cắt ái chớ Minh Hạnh thấy sư lo cho chùa chiền và Phật tử còn hơn mẹ cô lo cho chồng, cho con. Sư phải lo tiền tu bổ chùa, trả tiền điện, tiền nước, tiền nối mạng Internet, tiền gạo, tiền tỏi, tiền tiêu... Đâu phải tháng nào cũng có phật tử giúp tịnh tài, tịnh vật. Thường là sư phải lo xoay trở cho chùa được sinh hoạt bình thường, cho phật tử có nơi tới lui lễ bái. Có lần Minh Hạnh nói vói sư là làm trụ trì cực quá, thôi sư về ở tạm chùa nào khác cho an tâm tu tập. Sư cười nói tại lúc trước sư nguyện không có chánh niêm. Ngày xưa Bồ Tát nguyện không làm vua, không làm gái đẹp, không làm trụ trì. Sư nguyện chỉ có hai điều trước mà quên đi điều quan trọng nhất là làm trụ trì. Minh Hạnh thương sư lắm mà không giúp gì cho sư được. Nàng còn đang ăn bám mẹ, cố gắng lấy cho xong cái bằng đại học để giúp mẹ về sau. Mà cũng chưa chắc gì cô có thể giúp mẹ. Sinh viên tốt nghiệp như nàng không thiếu chi mà việc làm thì quá ít. Nàng chỉ biết cần kiệm trong số tiền quà bánh mẹ cho hay dì, cậu ở ngoại quốc gửi về để lo sách vở, xăng nhớt. Mà sư cũng khái tính lắm. Phật tử giúp đỡ sư cũng rất ngại ngần khi ngửa tay nhận. Đôi khi có chút quà mọn hay tịnh tài do các phật tử ở nước ngoài gởi về, sư lại chia cho những phật tử nghèo trong vùng. Có nhiều phật tử không biết đến pháp danh sư. Họ chỉ gọi sư là ngài cả một cách tôn kính. Với Minh Hạnh, lòng tôn kính của cô dành cho sư ngày một tăng. Mỗi câu hỏi của cô về Phật pháp đều được sư giải thích cặn kẻ bằng kinh điển. Thấy sự uyên bác của sư, có lần cô đề nghị sư học thêm ngoại ngữ để tra cứu kinh điển bằng tiếng nước ngoài, sư cười nói kinh điển tiếng nước mình học mãn đời không hết cần chi phải đọc thêm kinh điển tiếng nước ngoài? Sư như vậy đó. Không cần học ngoại ngữ để dịch kinh hay đọc những trang sách tiếng nước ngoài. Sư chỉ muốn làm thật tốt những điều sư đang làm, mọi thứ khác chỉ là phụ thuộc. Cô hiểu sư là một vị chân tu vì mỗi khi cô gặp chuyện khó khăn, cô trình bày với sư là sư bảo: sư hồi hướng phước báu giữ giới của sư đến cho con, mong con đạt thành ước nguyện. Mọi chuyện gút mắt của cô, dù là giấy tờ hay khó khăn về tình cảm bạn bè đều được mở một cách thần bí. Một người có lòng từ bi như sư chẳng khác nào thánh Tăng. Vậy mà đôi khi sư đi dự lể ở các chùa trong thành phố, nhiều vị sư khác không biết sư là ai. Tuy nhiên, sư không lấy đó làm buồn lòng. Sư nghĩ càng ít người biết đến mình càng dễ tu.

Tiễn sư đi rồi, Minh Hạnh hối hả trở lại trường. Chỉ kịp quơ vội một trái chuối, cô vừa đi vừa ăn. Cô biết buổi chiều nay cô sẽ làm thật tốt bài thi cuối khoá. Tâm cô nhẹ nhàng và đầu óc cô như vừa được rửa sạch bằng một thứ nước rửa thật tốt, thật trong sạch.

Có lẽ do phước báu mà cô đã làm, Minh Hạnh làm bài thi một cách dễ dàng. Cô mỉm cười nghĩ tín nữ ngày xưa dâng cơm cháy mà còn được phước báu vô lượng còn cô dâng cho sư một bữa cơm tươm tất với tất cả lòng thành thì làm tốt bài thi cũng là phần thưởng của Phật rồi. Còn thừa chút thời giờ cô viết vội mấy giòng thơ cho sư khi nghĩ đến giờ này sư đang trên đường trở về phố núi của sư.

Sư trở về phố núi. Mặt trời nghiêng bóng cây. Y sờn và dép đứt. Nắng táp một vai gầy. Sư tìm về phố thị. Như thú bỏ rừng già. Như chim miền hoang dã. Không trọ được lồng son. Một ngày nơi phố thị. Pháp thể rã rời xoay. Quanh cảnh đời chật hẹp. Quanh lòng đời bụi cay. Sư trở về phố núi. Trăng tà treo ngọn cây. Đón sư đầu gió hú. Chuyền cây bóng vượn gầy. Sư trở về lạy Phật. Tượng Phật gầy như sư. Phật - sư, cùng ẩn dật. Trong ánh sáng chân như.

Ngó vẩn vơ ra ngoài khung cửa sổ, Minh Hạnh chợt thấy mây xám đang tụ về ở góc trời xa. Cô niệm thầm, lạy Phật cho sư cả về đến chùa trước khi cơn mưa mùa hè đổ xuống.

NHƯ QUANG

(Canada)

Rồi Mai “Tôi” đưa “Em” !

Tôi ngồi lặng lẽ , đôi mắt thả hồn trong một góc nhỏ lim dim thưởng thức bài nhạc Pháp “Mal” có nghĩa là “Đau” chơi bằng piano của Richard Clayderman, vừa suy nghĩ về bài viết rất hay và ngộ nghĩnh của Toại Khanh đăng trên website phapluan.net , tại cái góc đời quen thuộc trong quán cà fê đối diện trường học mà tôi thường ngồi hàng giờ sau giờ làm việc. Ở những bài viết của Toại Khanh tuy đơn giản nhưng thực tế và gần gũi với tôi nhiều, bài tuỳ bút hôm nay của Toại Khanh có một tựa đề rất là lạ “Rồi Mai Em Đi”, thoáng đọc tôi có cảm giác tác giả là một trong những người yêu nhạc Ngô Thụy Miên-thơ Nguyên Sa, đọc kỹ lại tôi lại thấy tác giả hình như là một người yêu thích nhạc Trịnh Công Sơn, đì sâu hơn nữa vào bài tuỳ bút tôi lại có cái cảm tưởng đây là một nhà sư thi sĩ, Tôi cũng đưa “Em” sang sông nhiều lần nhưng chẵng bao giờ tôi nghĩ có một ngày nào đó chính “Em Đi” hoặc chính “Tôi Đi”, trong bài tuỳ bút có đoạn “Mai này nếu tôi đi không về, người khác biết có giữ lại bức tượng hay đem bán đổ tháo như một món đồng nát” làm tôi trầm tư không ít, tôi thoáng nhớ lại bài không tên số bốn của Vũ Thành An:” Triệu người quen có mấy người thương, khi lià trần có mấy người đưa”, Tôi cũng đi hết nữa đời rồi, có lẽ ngày tôi đi không về chắc cũng không khác gì lắm với bức tượng ngài Huyền Trang hay chính bản thân Toại Khanh, có khác là ngày tôi đi thì tôi thật sự không biết mình đi về đâu, nhưng ở Toại Khanh có lẽ tác giả biết, cái già ở nữa đời người của Toại Khanh thấm nhuần đạo vị, cái già của tôi là cái già cằn cỗi lăn lộn với đời, Tôi đi qua sông bằng chiếc bè rồi mang nó đi luôn với “Em”, khổ thế đó bạn đọc ! Toại Khanh thì sao ? có lẽ tác giả chảng vướng víu gì khi qua sông, hãy đọc đoạn này trong bài tuỳ bút “Rồi Mai Em Đi” :” Mọi thứ tôi có được, suy cho cùng, chỉ là những thứ phải bỏ lại. Ai cũng biết nói danh lợi là phù vân, hay gì cũng là bè cỏ sang sông. Nhưng tận đáy lòng, mỗi người có thật sự nghĩ vậy không ? Cứ nhìn cách thiên hạ đối nhân xử thế thì biết. Nhìn kẻ khác nằm xuống, ai cũng lén nghĩ còn lâu lắm mới đến phiên mình. Dù sự tự tin đó tuyệt không có chút gì làm bảo đảm.”, tôi mĩm cười vì có nhiều lần tôi đã nghĩ còn lâu lắm mới tới phiên tôi đi, nhưng rồi thoáng đó 22 năm trôi qua, tóc tôi đã bắt đầu bạc, tôi đã già, ngày tôi đi cũng không còn xa, không biết từ bao giờ tội lại thích những buổi chiều êm đềm tịch mịch, ngồi bên ly cà fê mocha nóng, đọc thơ văn Toại Khanh lắng nghe những nốt nhạc piano du dương của Richard Clayderman….Xin cám ơn Toại Khanh – Xin cám ơn đời – Xin cám ơn Richard Clayderman – Xin cám ơn Nguyên Sa – Ngô Thụy Miên –Cám ơn Trịnh Công Sơn…

Tội đứng dậy bước ra parking lot, lên xe nổ máy, tiện tay bỏ vào CD player bải nhạc “Rồi mai tôi đưa em”, trời đã tối nắng đã tắt gió thu nhè nhẹ thổi vào xe, bên kia trường vài cô sinh viên đại học đang vui cười chuẩn bị vào lớp tối của trường đại học…Liệu các cô có biết rằng một ngày nào dó không xa lắm rằng “ Rồi Mai Em Đi” không……..????

Las Vegas October 17th 2006

Nguyên Tịnh - Bảo Phán

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2008

Em là gì giữa bề bộn đời anh

Trường Phi Bảo

Em là gì giữa bề bộn đời anh?
Là nỗi nhớ của miền sâu thăm thẳm?
Là yêu thương của ngày sau gởi gắm?
Hay chỉ là một thoáng đến xôn xao?

Em là gì? chỉ là bạn thôi sao?
Hoặc giả dụ một người anh quen biết
Từng có thời, vâng! có thời mãnh liệt!
Đã yêu anh như em của bây giờ.

Thôi đừng gọi tên ai khác trong mơ
Em ghen đấy! và vực ngờ nữa đấy!
Cuộc đời nhỏ, mà "cái tôi" lớn vậy,
Hãy cho em phút kiêu hãnh ngước nhìn

Cứ thật lòng, đừng có mãi nín thinh
Em muốn nghe từ bao điều trăn trở
Dẫu chúng mình có duyên, không có nợ
Em vẫn cười thỏa mãn với niềm đau

Cuối cùng thì mình là gì của nhau?
Là tình nhân sau đôi lần chăn gối?
Là vợ chồng tháng năm dài tiếp nối?
Cũng có thể là mệt mỏi, đọa đày!

Em bình tĩnh nghe sự thật phơi bày
Em sẵn sàng ôm khổ ải trần gian
Chỉ cần anh noí rõ những đa mang
Em là chi trong bộn bề cuộc sống?

Em là gì giữa bề bộn đời anh?
Em là gì? em là gì? anh hở!

1-4-2007

* ý thơ Bùi Tuyết Nhung

12/ Cá Diếc muốn chải bím tóc.


Câu chuyện này bắt đầu từ một đứa trẻ.
Cô bé gái vẫn thường chê tóc của mình ngắn, không giống như chị của cô bé, có thể đem mái tóc vừa dầy vừa dài, chải thành từng lọn bím tóc dài dài, có thể thả ở trước ngực, hoặc buông ở sau gáy, như thế mới là đẹp.
Thế là, cô bé cầm lấy chai thuốc phát triễn tóc của người chị, cô bé tin rằng đầu của mình khi gội nước thuốc này rồi, đầu tóc của mình sẽ mọc dài ra.
Cô bé đem chai thuốc phát triễn tóc, đặt ở trên cục đá bên bờ sông, muốn rữa tay trước rồi hãy xoa thuốc, nhưng khi cô bé quay người đi, lại đụng vào chai thuốc, đem toàn bộ thuốc phát triễn tóc chảy vào dòng sông……
1
Câu chuyện bắt đầu.
Trong dòng sông đang có một đàn cá Diếc sinh sống, cuộc sống của chúng nó yên tĩnh vui vẻ.
Nhưng, một hôm, trên mình chúng nó mọc ra rất nhiều sợi lông tơ dày đặc, càng lúc càng dài, càng dài càng nhiều, từng con từng con cá Diếc nhỏ, giống như từng cái từng cái bàn chải nhỏ.
Có lẽ bạn đã biết, đây là thuốc phát triễn tóc đang phát huy tác dụng, nhưng đàn cá nhỏ thì lại không biết.
Mãi đến một hôm, chúng nó nhìn thấy cô gái nhỏ đang chải tóc bên dòng sông, đàn cá Diếc mới biết chúng nó cũng đã mọc tóc?
Tóc sao mà đáng sợ, gây nên nỗi kinh hoàng của đàn cá.
Nhưng có số nàng cá nhỏ, lại rất vui mừng.
Chúng nó đang muốn đem đầu tóc của mình chải thành một bím tóc nhỏ, còn có thể uốn thành đủ kiểu, kết nơ bướn từ lá cây làm thành, hay là cắm lên vật trang sức nhỏ từ vỏ ốc làm ra….
Các chàng cá nhỏ cùng rất vui mừng, chúng nó muốn đầu tóc thổi phồng, xõa tung, đó thật là oách.
Nhưng các cá ba cá má lại không nghĩ như thế.
2
Các cá ba cá má ở trên “Nhật báo loài cá” của họ xuất bản, đăng bài báo nói:
Nếu như loài cá có tóc, hậu quả không thể tưởng tượng nổi.
Đầu tiên, vì để đối phó những đầu tóc này, phải theo loài người chải đầu, cắt tóc, mua kính và dụng cụ cắt tóc v.v…, còn phải bồi dưỡng và huấn luyện thợ cắt tóc của loài cá.
Loài cá mỗi năm phải tốn bao nhiêu thời gian làm đẹp cho mình, như thế sẽ không có đủ thời gian đi tìm thực vật ăn, loài cá sẽ mắc chứng suy dinh dưỡng, nhất là các nàng cá nhỏ và các chàng cá nhỏ, sẽ gặp phải tai vạ nhiều hơn.
Bài báo sau khi đăng, đã nhận được sự phản ứng kịch liệt.
Những nàng cá và chàng cá nhỏ nói:
“Chúng tôi thà rằng ăn ít, cũng phải làm đẹp cho mình.”
3
Về sau, có một vị tiến sĩ cá Diếc bước ra nói, ông ta là một con cá có học, rất có tầm nhìn xa, rất có vai vế, trong bài văn ông nói:
Nếu như loài cá chúng ta không đi cắt tóc, những con cá chải tóc, uốn tóc, nói chung cá đầu tóc rối bời, con người muốn bắt chúng ta thật là quá dễ, chỉ cần dùng móc câu móc dính vào tóc của chúng ta, rồi nhẹ nhàng xách lên là xong.
Tiến sĩ ở phần kết của bài viết nói:
“Xin hãy nghĩ xem, cá chải bím tóc, cá uốn tóc và tất cả cá tóc rối, sau cùng sẽ biến thành cá trong nồi canh……”
Sau mà đáng sợ quá!
Bài báo này, thoáng chốt đã thuyết phục được loài cá____
Đặc biệt là những chàng cá và những nàng cá nhỏ, vì chúng còn quá trẻ, cuộc sống mới bắt đầu, chúng nó không muốn vào nồi canh quá sớm.
4
Nhưng làm thế nào đi cắt tóc đây?
Ngay cả vị tiến sĩ cá Diếc cũng nghĩ không ra diệu kế nào.
Một hôm, có một chàng cá Diếc nhỏ, đến chổ khúc quanh của dòng sông, nơi đó có một sườn dốc, nước chảy xuống róc rách, giống như một thác nước.
Chàng cá nhỏ ở nơi này chơi trò vượt thác.
Chàng ta nhảy lên một cách liều mạng. Còn sóng nước thì ra sức đè chàng ta xuống, chàng ta gắn sức chơi đùa hết cả buổi.
Chàng cá nhỏ sức lực kiệt quệ về đến nhà.
Nhưng khi chàng ta vừa bước vào cửa nhà, một đàn cá đang nhìn chàng ta đờ đẫn.
Họ giống như đang nhìn quái vật từ hành tinh khác đến, chăm chú nhìn về chàng cá nhỏ, nhìn đến nổi chàng cá phải mắc cỡ.
Một con cá nói: “ôi, thân hình sao mà đẹp quá, vẩy cá sáng lấp lánh, dưới ánh sáng mặt trời soi rõ 7 màu sắc đấy.”
Một con cá khác nói: “thể hình sao mà khỏe, sáng lấp lánh, trơn bóng, những vây cá giống như đang giương cờ vậy, đây mới là con cá đẹp nhất.”
Ký giả “Nhật báo loài cá” cấp tốc chạy đến lấy tin, còn chụp rất nhiều ảnh. Ngày hôm sau “Nhật báo loài cá” trở thành tờ báo bán chạy nhất từ trước đến nay, mọi người tranh nhau nhìn bức ảnh to chàng cá trẻ trên trang nhất, ai cũng khen ngợi đây mới là một con cá đích thực gọn gàng khỏe mạnh.
Dưới bức ảnh còn có một bài viết chữ to___ “Bí ẩn của loài cá đi cắt tóc.”
Khỏi phải nói, điều này đã ở trong loài cá mọc tóc dấy lên phong trào vận động vượt thác, già trẻ lớn bé đều tham gia.
Phần kết
Thế giới loài cá trong dòng sông đã yên bình trở lại, đàn cá không còn phiền não vì đầu tóc mọc dài nữa, chúng nó đè được ước muốn mọc tóc, chúng nó biết bí ẩn đi cắt tóc, chúng nó cũng không còn sợ cô gái nhỏ làm đổ thuốc phát triễn tóc vào trong dòng sông nữa.
Có lẽ bạn sẽ hỏi , còn những sợi tóc này của đàn cá rơi ra đâu? Bạn đi vào dòng sông nhìn đi, những cái rong bèo nhỏ đó, những cọng rêu xanh nho nhỏ đó, chính là tóc của cá rơi ra đấy.
Tôi nghĩ câu chuyện của tôi nên kết thúc rồi.

Hồn của đá




Bàn chân xước đôi lần rớm máu
Anh đi tìm mảnh đá khắc đời mình
Thiên nhiên như dấu ấn vô hình
Hồn của đá lên bàn tay chai sạn.

Mảng che lấp là tâm hồn rực sáng
Mảng thương đau gân guốc đến chai lỳ
Đôi mắt sáng khắc khoải phút chia ly
Đời hiu quạnh suốt tháng ngày bạn đá .

Kẻ chiêm ngưỡng, kẻ khen chê nghiêng ngả
Đá vô hồn, tơi tả mái đầu xanh
Đấng nam nhi trút hết cả tâm tình
Gửi vào đá lời tri âm trọn vẹn.

Người mang đi để lòng người lỡ hẹn
Phút chia phôi tạc đá dấu tim người
Yêu đến chết tình chàng trai cửa biển
Đứng lặng nhìn Hồn đá lên ngôi ./.

Mai Khoa,28/06/2005

Đêm ngắm lầu tây

(thuận nghịch độc)
đọc xuôi:

Ai về nhớ bạn tiễn sang mùa
Biệt vấn đêm tràn lệ mãi đưa
Gầy mắt dấu vương buồn mộng lỡ

Nhẹ hương mùi đọng thoáng mơ vừa
Say cuồng trí loạn hồn tan giấc
Đảo khuấy tâm hoài dáng trở khuya
Mây khuất lạnh mờ trăng ánh nhạt
Tây lầu ngắm cảnh vọng sầu mưa

đọc ngược:

Mưa sầu vọng cảnh ngắm lầu tây
Nhạt ánh trăng mờ lạnh khuất mây
Khuya trở dáng hoài tâm khuấy đảo
Giấc tan hồn loạn trí cuồng say
Vừa mơ thoáng đọng mùi hương nhẹ
Lỡ mộng buồn vương dấu mắt gầy
Đưa mãi lệ tràn đêm vấn biệt
Mùa sang tiễn bạn nhớ về ai

Đông Hòa

14.07.2008


Buồn

một chút buồn thì cũng gọi là buồn
buồn vô ngã thì cũng là buồn thôi
buồn chân ngươn đã bước qua tất cả
gọi như buồn những tiếng đời không vui

rồi ta thấy ta những buồn những tủi
sâu trong tim đâu đó quạnh hiu
dù đã nhiều những tình buồn khôn đáng
đã qua rồi có hối hận được không?

ta..bản ngã cứ đi về hối hả
tìm nổi buồn ẩn chứa nơi đâu
trong quá khứ hay tương lai cố hữu
rồi sẽ gì? Hay chỉ là buồn thêm

buồn không biết chỉ có mình ta biết
buồn cần gì những nổi niềm mông lung
qua rồi đó những năm tháng củ mèm
sâu trong tận những niềm vui lạc lõng

ta thấy ta những tiếng cười sáo rỗng
dối cả người dối cả bản thân ta
âu là đời chỉ cần có một tấm lòng
yêu và hận hãy để gió cuốn bay đi

ta hiện hữu cũng là một chữ duyên
ta gặp nhau cũng là duyên sắp đặt
thì vậy mà cớ sao không trọn vẹn
vì mỗi duyên đâu lặp lại đôi lần

mà dẫu có gặp trùng phùng nơi ấy
thì có ai lại nhận ra nhau?
hay li ti như mành sọi chỉ
chỉ càng dài thì lại càng mong manh

nhu cảm xúc cứ trực trào nơi ấy
xa càng nhiều cảm giác càng xa
cho phai nhòa những tình yêu năm tháng
ca tháng gì hay trách phận không may?

đời không nhớ thì sao cho ta nhớ
người không nhớ và cũng muốn ta quên
thôi thì sống cho kiếp đời trọn vẹn
lỡ mai sau gặp.. vẫn còn chút dư âm

Tình yêu

Những ngày đó tóc em dài bất tận
cho kí ức buồn đỏ cả thịt da
vì ngày ấy chắc cũng lỗi do ta
hay bản ngã đã đi về hai hướng

Dẫu có buồn cũng gọi là sung sướng
vì có buồn rồi cũng sẽ mau quên
giống như ta vẫn cứ mãi lênh đênh
kỷ niệm nhiều mà vẫn không thèm nhớ

Ta đã yêu một cuộc đời vô cớ
cũng như ta đã từng thích giản đơn
thích lặng yên để nổi buồn mơn trớn
để mong đời được đôi chút bình yên

Chỉ có em là không muốn lặng yên
thích gió biển và bình minh nắng gắt
để tâm hồn cứ ru mình quay quắt
em đã bảo như thế mới là em

Mới sinh ra là ta đã yêu em
có nổi buồn đã lẫn trong tiếng khóc
vì đã bảo từ khi là chú nhóc
thì ta đã yêu và đã đắm say

Những lời nói cũng giống như gió bay
đến một ngày sẽ không ai còn nhớ
bỏ em đi thì lòng ta không nỡ
đành âm thầm cứ lặng lẽ theo sau

Để ngày ấy cho ta nhớ biết bao
dù bên bên em đã những ngày tàn úa
nhưng ta yêu và vẫn còn yêu nữa?
hay cứ buồn để mải miết quên em?

Do tình yêu cũng không nên giống lắm
mà em và ta lại khác xa nhau
Đành hẹn lại vào một tình yêu khác
chỉ có em hay chỉ có mình ta

Thứ Hai, 14 tháng 7, 2008

Lời tâm sự của người đàn bà thứ hai


Trường Phi Bảo

Con dẫu biết mình chỉ ngôi thứ hai
Bởi trong anh vẫn thường hay nhắc mẹ
Con không ghen, con hạnh phúc, con hiểu...
Nhờ có mẹ, nên con mới có anh.


Mẹ như cảng chắn gió, mẹ như bầu trời xanh
Cánh chim rịu rã sẽ về lại tổ ấm
Con chỉ là một điều bí mật
Ở trong anh sự khám phá khôn cùng


Mẹ nào hay giữa khoảng cách mông lung
Giữa hai người đàn bà đủ làm nên thiên truyện
Sự đố kỵ đã làm con trở giấc
Bởi ngoaì con, anh yêu mẹ nhất đời.


Anh có thể quên con trong một phút nhất thời
Nhưng với mẹ vẫn tấm lòng không đổi
Có thể chia tay con mà tim không hề nhói
Nhưng nếu xa mẹ, anh đau khổ mẹ ơi!


Dù bây giờ con được phép thế thay
Lo bữa ăn ngon, lo tròn giấc ngủ
Mẹ lo cho anh nửa đời no đủ
Nhượng nửa đời sau con quán xuyến là cùng.


Con không than chỉ mong mẹ hiểu giùm
Tình yêu con dành cho anh còn gì ngoaì... mãi mãi!
Anh hiểu con, yêu con, nhưng đâu là quan trọng
Tim anh - mẹ đứng đầu. Ôi, con chỉ thứ hai!


(16/5/2004)

Chuyện về Các chú bé đánh giày


Xã hội văn minh. Kinh tế phát triển. Mặt bằng đời sống tăng lên. Đàn ông, thanh niên và cả phụ nữ đi giày nhiều hơn. Cứ nhìn ra đường mà xem, người đi giày nhiều hơn người đi dép. Đội ngũ những người làm nghề đánh giày tăng lên. Không chỉ là hình ảnh các chú bé đánh giày cho bọn sĩ quan, lính Pháp hay các công chức thời chống Pháp như trong truyện thiếu niên một thuở, ngày nay thanh niên và cả người lớn tuổi hơn cũng tham gia đội quân đánh giày. Đó cũng là một nghề kiếm sống lương thiện, một dịch vụ xã hội không cần hóa đơn đỏ.
Có điều, các chú bé đánh giày ngày nay tinh quái và lắm trò hơn so với các bậc tiền bối rất nhiều. Trong nền kinh tế thị trường, các chú buộc phải dùng tiền làm thước đo cho hành động. Gặp khách hàng có đôi giày mới, đẹp, loại đắt tiền mà lại "tinh vi" mải khoe mẽ cùng bạn gái là các chú áp dụng ngay kế 36 trong binh pháp Tôn Tử, "bốc hơi" ngay và để lại cho khổ chủ một đôi dép nhựa cũ mòn. Xấu mặt một chút, nhưng bằng đến mấy ngày công cực nhọc ngoài đường chứ không phải chuyện đùa. Mà xấu là xấu cả làng đánh giày chứ đâu có chỉ được đích danh ai mà sợ. Trách nhiệm "tập thể" mà. Có một dạo, Hà Nội còn ồn lên thủ đoạn của các chú đánh giày nhè vào các anh có giày đẹp mải ăn sáng là chích ngay cho một đường "lam" vào đường chỉ khâu, khiến thượng đế buộc phải xì thêm tiền nhờ các chú quyệt cho một đường keo con voi dính tạm. Thủ đoạn này khiến nạn nhân không đau như bị mất giày, nhưng cứ ấm ách về đôi giày "mốt" mà lại bị dán keo.
Bọn công chức quèn chúng tôi phải chăng vì thế mà không khoái mấy chú đánh giày. Giày chúng tôi đi đa phần cũng chỉ là giày Tàu, hay cùng lắm là giày Quốc phòng mua ở đường Lê Duẩn, chứ tiền đâu mà sắm giày hàng hiệu trong siêu thị. Dẫu biết loại giày của mình không phải là mục tiêu cho các cao thủ "giày lâm" (thì hiểu na ná như "võ lâm" ấy mà) ra tay, nhưng kẻ nghèo thì mất một đồng cũng tiếc, nên chúng tôi cũng làm một bài mộc mạc là tự mua xi về, tự đánh giày. Trong con mắt chúng tôi, mấy chú đánh giày hơi bị coi thường.
Thế nhưng trong cuộc đời, vật đổi sao dời hay những chuyện như sớm nắng chiều mưa là chuyện thường ngày ở huyện. Sếp cơ quan tôi, một người có tới mấy cái bằng cấp và có tiếng trong giới làm ăn, một hôm bỗng nổi hứng cao giọng kể chuyện cho chúng tôi nghe về thân thế sự nghiệp của ông. Ông kể, thời trai trẻ ông sống rất cơ hàn. Đã có một thời gian dài, đâu tới hai ba năm gì đó, ông phải đi dánh giày để kiếm sống. Mà đánh giày ở một thị xã xa xôi chứ không phải được ở đất Kinh thành đô hội, xứ xở mơ ước của nhiều dòng tộc, nhiều miền quê, nơi có đông người đâu nhé. Vì thế phải bươn chải khắp mọi ngõ nghách tìm người có nhu cầu đánh giày. Một ngày ông đi bộ tới mấy chục cây số, còn hơn cả vận động viên điền kinh ngày nay luyện tập đi bộ hàng ngày. Mà đánh giày cũng không phải là nghề chính của ông đâu. Ông chỉ làm thêm việc đó để lấy tiền ăn học, nuôi chí lớn thôi. Một buổi đi học, còn một buổi cộng với ngày nghỉ đi đánh giày, chỉ có buổi tối là dành để học bài. Ông đã từng phải học bài dưới ánh trăng, dưới ngọn đèn đường. Thậm chí có thời gian ông phải bắt đom đóm cho vào cái lọ để lấy ánh sáng học bài (mắt Sếp tinh thật), giống như các cụ Lương Thế Vinh hay cụ Cao Bá Quát chăm học ngày xưa. (Lại phải kính xin lỗi hai cụ, nếu ngày xưa các cụ không như thế, nhưng cứ phải dẫn ra đây, vì Sếp chúng cháu bảo vậy mà). Chính cái sự cơ hàn vất vả đó đã nuôi ý chí, nghị lực phi thường cho Sếp chúng tôi học hành đỗ đạt và làm nên sự nghiệp ngày nay.
"Phải qua lao động và học tập vất vả như thế mới rèn luyện nên ý chí và nên người, chứ như các cậu bây giờ được cha mẹ cho ăn học tử tế, không phải làm gì vất vả thì còn lâu mới khá được". - Sếp kết luận.
Cả lũ nhân viên chúng tôi há mồm ra nghe Sếp tâm sự. Thật là phi thường, phục thật, phục thật. Chúng tôi còn trộm nghĩ là đáng lẽ Sếp chúng tôi còn phải lên cao nữa mới xứng tầm chứ chỉ cầm đầu cái đơn vị bé tẹo như cơ quan tôi, thật chẳng bõ bèn gì. Chúng tôi chỉ hơi tiếc một điều (cho bản thân chúng tôi thôi), là Sếp vốn tinh mắt và có tuổi trẻ quá gian nan, nên bây giờ việc gì Sếp soi cũng ác, và hơi căn cơ với chúng tôi.
Dù sao, Sếp vẫn là Sếp. Và bản tính của bọn công chức quèn chúng tôi thời nay là phải biết nịnh Sếp, không thì có ngày treo niêu. Biểu hiện rất rõ là chúng tôi lười tự đánh giày hơn. Chúng tôi đã nhìn bọn trẻ đánh giày với con mắt khác, và đã chịu khó vui vẻ để chúng đánh giày mỗi khi tụ tập ra quán uống nước. Chúng tôi có lo xa hơn một chút, chắc cũng không thừa. Biết đâu trong đám trẻ đánh giày đang hí húi làm việc trước mặt chúng tôi đây, có ai đó thành đạt và lên làm quan to, rồi làm Sếp của chính cơ quan có con cái của mình sau này thì sao?

BIỂN KHÁT...CÁT VÀNG ĐI

Cát vàng xin về thôi
Đổi đời sang hướng khác
Ngày đêm nghe biển hát
Chỉ một khúc tình ca.

Cát xin về xây nhà
Toà lâu đài xinh xắn
Tuổi thơ nhiều cay đắng
Cần một giấc ngủ ngon.

Hỡi những bước chân son
Có nên theo cùng cát
Nhào nặn những niềm vui
Còn chơ vơ, biển khát.

thuhanoi. 28/1/2005

Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2008

Người Phụ Nữ Của Anh



Trường Phi Bảo

Tặng PNT

Cô ấy vẫn thường vui nhắc về anh
Trong mỗi lần đối diện với em
Giữa hai người con gái, dễ thông cảm nỗi niềm
Tách trà nóng khơi nguồn ấm áp

Ngược gió mưa, ngược đời trong bão táp
Cô ấy yêu anh quả rất thiệt thà
Mười chín tuổi đời chẳng chút điêu ngoa
Hồn thiếu nữ ngập tràn trong nắng mới

Em đau khổ trước tình yêu phản bội
Vẫn mỉm cười nghe kể chuyện về anh
Cô ấy vô tư đâu hay biết chúng mình
Là của nhau một thời xa xưa lắm...

Bảo rằng:"anh hiền, mắt anh say đắm,
Môi anh nồng nàn với những cái hôn yêu,
Anh phong trần, có đôi lúc hơi kiêu
Nét mặt giận, đăm chiêu... đều dễ mến!"

Những đặc tính đó em đã từng biết đến
Mà cứ thản nhiên như chưa biết bao giờ
Cô ấy huyên thuyên đánh cắp niềm nhung nhớ
Từ bấy lâu nay...em dành...cho anh...

Đàn ông hăm tám tuổi mùa xuân còn xanh
Vài ba mối tình...Ôi! chỉ chuyện nhỏ
Anh từng trải qua những ngày khốn khó
Sẽ kỹ càng trong chọn lựa tình yêu

Chẳng dám trách đâu dẫu cô ấy nói nhiều
Em sẽ vờ câm, vờ điếc, khép cõi lòng tha thiết
"Tàn nhẫn" ước chừng hóa thành nhà hiền triết
Ở nơi em sự rộng lượng khoan dung

20-1-2005