Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2008

Hãy về cùng ta

Em tựa cửa nhìn về trước mặt
Núi xa xa tuyết phủ muôn đời
Trắng như màu áo em đang mặc
Buổi chiều buồn lên mắt lên môi

Đã bao năm chưa về thăm lại
Chưa được lần gọi tiếng mẹ ơi
Không biết cả hai bên nội ngoại
Giờ trên tay đếm được mấy người

Đã mấy mùi thu thiên kỷ mới
Bốn ngàn năm đất tổ ngậm ngùi
Nửa cuộc đời em, tôi rong ruổi
Trong con tim băng giá niềm vui

Hãy về nhé cùng ta, ngày hội
Vào Thăng Long, đường phố rong chơi
Để quên đi bao ngày tăm tối
Kiếp tha hương mòn mỏi thân người.

Phạm Doanh

Ngủ đò sông Hương

Bồng bềnh trên sóng nước Hương Giang
Một chiếc thuyền con phủ kín màn
Ly rượu nho hồng bên má thắm
Lời dân ca nhẹ dưới trăng vàng
Người tình bến nước khơi mơ ảo
Sương khói lòng sông thoát thế gian
Kỹ nữ cười tươi tràn chén ngọc
Đêm nay thiếp ở cạnh bên chàng.

Phạm Doanh

Hồi tâm, nghiệm cõi ta bà

Hồi tâm, nghiệm cõi ta bà

I. Khắc khoải

Có cuộc tình lẻ loi
Có con đường tăm tối
Những tiếng giầy vang dội
Đi về một mình thôi

Có cô gái bán hương
Tiếp kẻ lạ qua đường
Lấy men say khói thuốc
Mong lấp nỗi chán chường

Có thiếu nữ mồ côi
Khóc tình quân vừa mất
Nấm mộ vẫn mùi vôi
Đời không còn chủ nhật

Có con thuyền vượt sóng
Người lái thuyền chân không
Trên vai đeo một dép
Độ người khổ qua sông .


II. Diện bích

Khoanh tay diện bích vô hình
Lạc vùng không tự ngỡ mình thoát thai
Đẩu vân chẳng vượt ra ngoài
Bàn tay diệu pháp trên đài Thích Ca
Hồi tâm, nghiệm cõi ta bà
Có không?
Không có!
Cũng là có không!


III. Trong ngờ vực ta

Lạc hồn ngơ ngác mù khơi
Cánh buồm không gió về nơi không thiền
Chắn ngoài chân đạo nhất nguyên
Một vùng nhật nguyệt, một miền hoang sơ
Đêm đêm trăng tắm trong hồ
Trần truồng ta tắm trong ngờ vực ta .

IV. Tiếng thở dài nén lại

Cánh lông tơ hoàng hạc
Trận bão cuốn mù khơi
Cuốn đi niềm hoan lạc
Có đến được chân trời ?

Thân cây nằm bên suối
Lá xanh đã úa rồi
Và kiếp người ngắn ngủi
Như lá ...
ngập ngừng rơi

Ta ôm đầu nín lặng
Tình cho hết đi rồi
Tiếng thở dài nén lại
Cho đến cuối cuộc chơi

Ta về trầm tích thạch
Quên lòng dạ nhỏ nhoi
Vui cùng loài ốc biển
Và quên cả con người .

V. Có biết trên đời chẳng có ta ?

Có biết trên đời chẳng có ta ?
Xác thân mượn tạm đó thôi mà
Tâm linh khô cạn chờ khai phóng
Trí tuệ mịt mù phủ lối ra
Xe ngựa bạc tiền rồi cũng hết
Công danh sự nghiệp sẽ thành ma
Sao còn bám mãi vào hư vọng
Có biết ngày mai chẳng có ta ?


VI. Hoài công lăn đá ngược đồi

Hoài công lăn đá ngược đồi
Đeo trăm tràng hạt chối lời Nhiếp Ca
Hai tay mười ngón giăng ra
Phủ che mắt dại để mà mị nhau
Ta lần theo vết cỏ lau
Mặt trời đã tắt ...
Mặt trời đã tắt
tìm đâu lối về .


VII. Chung

Ngồi đây hát,
ngồi đây hát,
vỗ mạn thuyền
vỗ mạn thuyền

Bóng trăng hư ảo, một miền tiêu dao
Mái chèo khuấy động ánh sao
Vỡ tan,
vỡ tan rồi lại tụ vào lung linh
Sá gì một kiếp phù sinh
Đáng gì là những mối tình lãng du

Mặc thuyền trôi,
Mặc thuyền trôi,
hướng trung lưu
hướng trung lưu

Nào tâm bất định, nào ưu tư cùng
Lụy phiền một túi cho chung
Thả theo dòng nước đến vùng giác minh
Dù không câu kệ lời kinh
Huệ tâm cảm nhận thể hình vô biên

Thoát thân tục,
nhập chân thiền
Con đường là đạo tự nhiên bất cầu
Chẳng mong về đến nơi đâu ...


Phạm Doanh

Túy Ca - Tình Khúc Người Say (16)

Từ khi người bỏ cuộc vui
Nằng chiều vàng vọt ngậm ngùi cỏ cây
Về xoa trầy trụa tim này
Hoang vu tiếng gọi thêm lầy lội tôi
Có đau thì cũng đau rồi
Xá tâm bất toại, xá lời ê a
Còn chai rượu dở, khật khà
Có say thì cũng để mà quên em.

Phạm Doanh

NGÔI NHÀ CŨ Phần 19-20

NGÔI NHÀ CŨ Phần 19

Ở trong phòng không chịu nổi Tâm ra ngoài balcon ngồi nhìn thành phố chìm trong giấc ngủ. Thế rồi là một đêm giao thừa chờ sáng, cả nửa gói thuốc gần hết. Tâm không biết phải làm thế nào trong tình huống bất ngờ này. Một bên là mối tình đầu đời mang nhiều xót xa vẫn hoài niệm trong tim như vết hằn trên tượng đá, một bên là sự thương yêu vừa có được trong tay sau khi đã chấp nhận điều mình mong đợi, tìm kiếm bao năm nay là ảo vọng. Mười lăm năm không gặp nhau, không biết bây giờ em ra sao hở Đông Phố?

Cùng lúc hình ảnh Như Ý lại hiện ra trước mắt Tâm, không bao giờ Tâm có thể quên dược ánh mắt lúc tuyệt vọng cầu cứu khi sắp bị cưỡng bức trước mặt mình, lúc tin yêu gửi gắm khi được Tâm ôm ấp vỗ về. Thân hình mềm nhỏ như còn nằm trọn trong tay Tâm. Cứ xâu xé, cứ giằng co mãi, đầu óc thân thể mệt nhoài vì khói thuốc và men rượu khi tối, Tâm thiếp đi trên ghế bố cho đến khi những tiếng động đầu tiên trong ngày bắt đầu vang lên.

Tâm đến Vấn trả xe, không muốn giữ vì ai cũng cần đi lại trong mấy ngày Tết. Vấn thấy gương mặt mệt mỏi muộn phiền của bạn mình không giữ được sự ngạc nhiên:

- Làm gì mà mồng một tết mà buồn thế, hay là Đông Phố có chuyện không lành?
- Không có gì, tại tối qua không ngủ được nên hơi đừ một chút thôi .
- Tao thấy mày không phấn khởi cho lắm, chắc nghe tin Đông Phố lập gia đình mới hả ?
- Không Phố vẫn ở vậy và có ý muốn gặp lại nhau .
- Thế thì quá tốt rồi, phải ăn mừng chứ, cuối cùng trời cũng không phụ lòng người .

Tâm nhìn Vấn, không biết phải giải thích như thế nào, cố gượng cười vui đùa với Vấn vài câu rồi từ giã để đến thăm chị Minh.
Vấn tinh tế nhận thấy có điều gì không rõ nơi Tâm, ngày hôm qua vào giường vợ chồng còn nói chuyện rầm rì, mừng cho Tâm. Hai người cũng đoán là Đông Phố chưa lập lại gia đình nên mới tìm cách liên lạc với Tâm. Vấn tưởng hôm nay sẽ thấy một anh chàng Tâm lòng vui như hội .

Ngày mồng một Tết nên Tâm không ngại lại nhà chị Minh để chúc Tết. Chị vừa vui lại vừa lo, thì thầm với Tâm là anh Khanh nhắn mồng 4 sẽ lén về Saigon, hẹn tại khu du lịch Văn Thánh bên xa lộ sau cầu Phan Thanh Giản, ngày đó khu vực mở đại hội ca vũ nhạc Tết nên chắc anh Khanh đến mà không sợ bị phát giác chứ còn về nhà thì không dám. Anh cũng nhắn là muốn gặp Tâm. Hai chị em suy nghĩ mãi cách nào để đi gặp anh Tâm mà không bị lộ Tâm nghĩ ra được một kế nói nhỏ cho chị dự tính của mình, chị Tâm thở phào nói:

- Trăm sự nhờ chú vậy

Biển chuyển mới làm Tâm phải đổi chương trình không đến nhà Như Ý dù đã trưa rồi, mà vòng lại nhà Vấn.

- Vấn ơi, lại phải nhờ cậy đến mày rồi
- Cứ nói đi, đừng ngại gì hết Tâm à.

Tâm kể lại cho Vấn nghe những điều đã xếp đặt với chị Minh, Vấn trầm ngâm một lúc:

- để tao vào bàn với Mai chút nhé.
- dĩ nhiên phải có sự đồng ý và giúp đỡ của chị ấy rồi.

Vấn vào phòng trong một lát, ra gặp Tâm

- Mai đã bằng lòng rồi đấy, tao không nói gì đến anh Khanh sợ Mai lo, càng ít người biết càng tốt.
- Cám ơn vợ chồng Vấn nhiều lắm. Trước khi đi tao sẽ kể tất cả cho hai người biết. À còn việc này nữa nhé. Đã đặt được đám múa lân cho chiều tối mùng ba chưa?
- Xong rồi, 6 giờ họ bắt đầu, múa lân, múa võ Sơn Đông khoảng hơn 1 tiếng sẽ đốt pháo rất đều . Tao sẽ đến trước 10 phút .
- Vậy Vấn kiếm dùm cái này rồi trưa mồng ba tao đến lấy nhé .
- Cái gì ?

Tâm nói nhỏ vào tai cho Vấn, Vấn ngạc nhiên hỏi

- Trời đất, kiếm ở đâu ra, mà để làm gì.
- Vậy mới nhờ đến Vấn, còn để làm gì thì trong câu chuyện cuối cùng tao sẽ giải thích. Tao mong mày hiểu, vì cám ơn cái tình của mày và gia đình nên tao chỉ muốn làm sao không ai có thể cho là mày có liên quan đến việc anh Khanh được, nếu thất bại.

Vấn trầm ngâm nhưng sau cùng thấy Tâm nói đúng nên không hỏi tiếp.

- Cầu mong mày thành công. Tao sẽ hết sức nhưng với một điều kiện!
- Ồ điều gì?
- Chuyện Đông Phố! - Vấn cười, vỗ vào vai bạn - phải cho tao biết có gì lạ, tao tưởng hôm nay mày phải vui hơn Tết chứ, chuyện này thì mày không thể nói là sợ tao bị liên lụy nhé, từ xưa mày đã tâm sự với tao rất nhiều và mấy ngày trước đây vẫn còn hoài tưởng lắm, mà tại sao tin mừng đến lại không vui hả Tâm. Tao vẫn mong hai người gặp lại nên có quyền hỏi thăm.

Cảm động vì lòng tốt và sự tận tâm của bạn. Tâm kể kết câu chuyện gặp gỡ Như Ý từ ngày đầu. Vấn nghe đến đâu lại chắt lưỡi đến đó, nhất là khi Tâm kể sự cố xảy ra trong đêm 29, Vấn đấm mạnh vào tay căm giận. Tâm cũng nói về những dằn vặt trong đầu óc mình. Vấn lắc đầu thở dài

- Thật là trớ trêu, nếu thơ đến sớm vài ngày thì với tâm hồn chung thủy, mày sẽ liên lạc vớ Đông Phố ngay và sẽ không gặp gỡ Như Ý nhiều như vậy và có thể sẽ không có chuyện bị tụi côn đồ hạ thủ. Chính tao hôm trước ngồi ở Givral còn khuyên mày nên quên Đông Phố mà bây giờ cũng không biết phải nói gì, chỉ có điều Như Ý đã ..., xin lỗi Tâm, đã ... dày dạn bụi đời nên ... hơi khó đó .

Vấn không nói hết ý nghĩ, quan niệm của mình về các cô gái nhảy vì tôn trọng Tâm. Tâm không kể những chuyện trong đêm ở nhà Như Ý và hiểu quan niệm của bạn cũng là quan niệm chung không phải là sai nên không nói gì chỉ trầm ngâm, xoay xoay ly nước trên tay .

...

Nguyên một ngày ba mươi Như Ý thờ thẫn không làm gì được ra hồn, cành đào bắt đầu nở rộ, thành nhiều hoa nhiều nụ, ít nhất cũng đẹp cả mười ngày mà Như Ý vẫn không để ý. Khi Tâm đi rồi, nàng vào phòng tắm tắm thật lâu như muốn gội rửa bàn tay kẻ khốn nạn đã sờ lên ngực lên bụng nàng. Người con gái chưa để ai va chạm đến nơi thầm kín mà hôm qua lại có hai lần va chạm thân thể, với người thứ hai là Tâm thì sự va chạm đó lại quá dịu dàng bao bọc. Theo phong cách của Tâm Như Ý nghĩ chắc tối qua Tâm chỉ ôm vai ôm lưng nàng cho nàng ngủ chứ không đụng đến đằng trước ngườị Như Ý nhắm mắt ngửa mặt theo dòng nước cố hồi tưởng lại cái êm ái trong tay Tâm để xua đuổi hình ảnh ghê sợ khác.

Không có Tâm một ngày ba mươi Tết chẳng còn niềm háo hức mong đợi giao thừa. Mẹ Như Ý thấy con mình mắt sưng đỏ lại buồn, lo lắng hỏi thăm, Như Ý chỉ nói là mệt trong người. Giao thừa xong để mẹ đi lễ với người quen ở Lăng Cha Cả, Như Ý nằm vùi trên giường áp mặt vào chiếc gối vẫn nghe thoang thoảng mùi thơm nước hoa cạo râu của Tâm, nhớ lại những lời âu yếm vỗ về, hứa hẹn phần sung sướng phần lại không tin là mình lại có được may mắn theo Tâm sang Pháp.

Sáng mồng một Như Ý dục mẹ đi thăm viếng các bậc trên cho nhanh để về nhà chờ Tâm, Như Ý có để giấy lại cho biết khoảng 10 sẽ về. Mẹ nàng ở lại đánh tổ tôm với bạn bè. Đợi mãi đến hai giờ trưa không thấy Tâm đến, cái bánh chưng bóc sẵn, cắt bằng lạt buộc thật khéo vẫn thờ ơ trên bàn cùng dĩa mứt kẹo và dưa món.
Nước mắt Như Ý đã lóng lánh tên bờ mi

"Chắc anh ấy nghĩ lại rồi, đêm trước vì tội nghiệp mình nên nói thế thôi, Tâm ơi em không trách anh đâu, mình quen nhau có hơn một tuần, gặp nhau vài lần thôi thì anh đâu có gì để anh phải ràng buộc đâu" .

Tiếng chuông cửa làm Như Ý choàng dậy, chạy ra mở cửa, vui mừng khi thấy Tâm đến dù có hơi hờn giận vì chờ đợi quá lâu.
Tâm theo Như Ý vào nhà mà tâm trí rối bời, một phần vì Đông Phố, một phần đầu óc nghĩ đến kế hoạch gần ngày của mình còn phải sửa soạn. Trong lúc nhất thời nàng không kịp nhận thấy Tâm có hơi thay đổi . Như Ý hôm nay đã hết sưng mắt nét đẹp lại trở về trên gương mặt thanh tú, trang điểm rất nhẹ nhàng, rất trẻ trung và quyến rũ trong cái áo đầm hồng nhạt để lộ đôi chân dài, nhỏ và thẳng.

Tâm cố gắng ăn một hai miếng bánh chưng, cách nói chuyện vẫn nhẹ nhàng, ánh mắt vẫn trìu mến nhưng có chút xa xôi và đôi khi lại tránh nhìn vào mắt Như Ý vì cái nhìn tha thiết của Như Ý làm Tâm đau đớn hơn. Không chịu nổi sự dằn vặt nội tâm và còn phải về lại nhà cũ, chàng chỉ ngồi hai tiếng rồi kiếu từ ra về để Như Ý ngỡ ngàng ở lại. Như Ý ngồi thần người một lúc, bây giờ nàng mới nhận thấy Tâm khác hẳn với hôm trước, mệt mỏi và không âu yếm như lần cuối, bất giác hai hàng nước mắt chảy dài trên mặt Như Ý. Nàng ôm lấy mặt chạy vào giường nằm vật ra khóc nức nở.

Tâm về nhà để chứng tỏ sự hiện diện của mình với hàng xóm, cả ngày hôm qua không ở đó rồi. Chàng lấy cớ muốn xem lại các nơi trong nhà, vào thăm 3 gia đình còn lại, lì xì hậu hỉ cho mọi người từ 18 trở xuống. Giả vờ là không kịp mua phong bì nên Tâm phát tiền lì xì thẳng bằng tiền, cho bố mẹ trẻ em đều thấy những tờ đô la mới tinh. Chính ra Tâm không phải là người như vậy nhưng muốn lấy cảm tình và gây sự chú ý của mọi người để khi Trần Diên hỏi thăm họ sẽ kể lại là Tâm có mặt nhiều ở đây đúng như ý muốn ăn Tết trong căn nhà cũ.
Buổi chiều Tâm đi lang thang mãi ngoài phố Saigon, ngắm người ta quần là áo lượt mà không thâu nhận đdược gì vào tâm thức. Mỗi lần muốn đến với Như Ý thì gương mặt Đông Phố lại hiện lên và ngược lại vẻ mặt thất vọng buồn bã của Như Ý chen vào những lúc thì thầ m đọc lại lời thư Đông Phố trong đầu .

Ăn tối qua loa, Tâm về nhà, vẫn chào hỏi lăng xăng cho mọi người biết. Ra vườn sau Tâm lại định hướng những tầm nhìn ra vườn từ các nơi . Ánh đèn măng xông từ sân bên cạnh chiếu ra tận cây ổi, lại thêm nóng bức nên trong sân hầu như lúc nào cũng có người ngồi hóng mát. Tâm vào phòng, phát hiện sợi tóc mình kẹp ở khóa mở xách tay đã mất chứng tỏ có người vào phòng lục đồ. Nằm trong căn phòng không quạt, nóng bức, đầu óc quay cuồng và mệt mỏi Tâm ngủ thiếp đi còn nghe mình nói nhỏ

"Còn có hai ngày nữa thôi"

NGÔI NHÀ CŨ Phần 20

Trong các ngày Tết Bưu Điện Saigon không làm việc, hay nói đúng hơn là không cơ quan, xí nghiệp nào mở trước mùng 6 cả, chỉ có tiệm ăn mùng 3 và chợ họp lại vào mùng 4 nên Tâm không thể nào gọi cho Đông Phố được, nhà tư nhân rất ít điện thoại mà đường dây gọi đi ngoại quốc lại càng hiếm vì giá tiền 50 đô la một tháng và 6 đô 1 phút gọị Ngoài ra Bưu Điện VN còn bóc lột nhiều cách phi lý như gọi không được cũng tính 6USD nên chẳng mấy ai có điện thoại gọi đi ngoại quốc trong nhà, mà có đủ tiền đi nữa cũng ngại vì lý do chính trị và nhà nước để ý dò nghe, khi xin đường dây ra ngoại quốc lý lich phải không có vết gì. Tâm có nhờ Vấn đi hỏi xem có gọi nhờ ai được - dĩ nhiên là trả tiền - Vấn cũng chịu thua.

Sáng mùng hai sau khi "trình diện" cho hàng xóm Tâm có ghé nhà Như Ý hai lần mà không gặp, anh để giấy, hẹn chiều quay lại rồi đi thăm một số họ hàng, chuyển lời chào hỏi của bố mẹ Buổi chiều quay lại nhà Như Ý vẫn thấy tờ giấy còn đó thế là Tâm không biết làm gì, ghé nhà Vấn vừa vặn gặp bàn xì phé, Vấn rủ vào thành tay thứ năm.

Trong 3 ngày tết dù chính thức là nhà nước cấm cờ bạc nhưng khắp nơi đều lập sòng, chỉ những sòng bầu cua cá cọp của dân chuyên nghiệp thì không dám công khai ngoài lề đường phải rút vào trong các ngõ ngách, công an phường biết nhưng cũng làm ngơ cho. Còn trong nhà thì tha hồ, người lớn chơi xì phé, xập xám, tiến lên, các cụ thì tổ tôm, chắn, Các bà ngồi vào đậu chén tứ sắc. Con nít cũng bầu cua cá cọp hay bài cào, nói chung là đi đâu cũng có tụ bài được.

Những năm sống ngoại quốc không hề cờ bạc nên Tâm cũng muốn ngồi vào bàn xem vận may và tài đánh xì phé mình còn được bao nhiêu. Tâm bỏ ra khoảng 1,000,000 đồng còn thơm mùi giấy mới, các tay kia và Vấn cũng đã bỏ ra tương đương từ lâu. Bàn xì phé họp từ trưa, Vấn có vẻ đang thắng. Tâm ngồi chơi một tiếng đã thấy hao nửa tiền, có thể một phần vì lơ đãng nghĩ về Như Ý và Đông Phố, một phần vì bài của Tâm lên rất xấu.

Bên trong nhà giờ Karaoke đã đến, bé Phượng con Vấn năm nay lớp 11 có giọng hát rất hay, vững như ca sĩ, mỗi lần hát xong được tán thưởng nhiều nhất, Tâm ngồi nghe mọi người hô lên "Ếch xào lăn", "Ếch xào lăn" ngạc nhiên hỏi Vấn:

- "Ếch xào lăn" là gì vậy hả Vấn ?, tại sao hát Karaoke mà lại có "Ếch xào lăn" với "Ếch xào dòn" trong đó ?

Vấn cười, giải thích hôm nay có giàn máy hiện đại hơn của người bạn mang đến, hát xong máy tự động cho điểm, từ 90 trên 100 trở lên sẽ được chấm là "excellent", "Ếch xào lăn" là được Việt Nam hóa ra. Tâm chán sòng phé nên thôi không chơi vào trong nghe mọi người hát cho đến buổi cơm tối .

Rời nhà Vấn thấy đã hơn 10 giờ nên Tâm về nhà mình ngủ. Nằm trên giường mà trằn trọc mãi, ngày mai là ngày quyết định thành bại của kế hoạch chàng và ngày mốt phải đưa được chị Minh đi gặp anh Khanh. Đã hai ngày sự xúc động vì lá thư của Đông Phố có bớt đi phần nào, hình ảnh Như Ý lại hiện lên rõ rệt hơn dù Tâm không cố tình nghĩ đến. Giấc ngủ băn khoăn cuối cùng cũng đến với Tâm.

Sáng mùng ba và cũng như mọi lần lúc nào Tâm có ở đó điều gây sự gặp gỡ hay chú ý của mọi người trong nhà. Hôm nay các tiệm phở, tiệm mì bắt đầu mở rải rác, hai ngày ăn bánh chưng đã mệt nên Tâm đến Vấn rủ bạn lên phở Tàu Bay ăn sáng. Tiệm Phở này nằm trên đường Lý Thái Tổ đã có tiếng từ hơn 30 năm nay với các tô tàu bay, tô xe lửa, Thời còn trai tráng Tâm cũng chỉ ăn nổi một tô xe lửa là nhiều, còn Vấn phải hai tô mới đủ. Bây giờ thì không biết tại sức ăn kém đi hay ngày xưa ăn gì cũng ngon miệng hơn, Vấn gọi một tô xe lửa còn Tâm chỉ ăn tô thường. Bát phở vẫn ngon như xưa với thật nhiều hành ngò giá, rau húng và ớt, nước lèo nóng đến phỏng miệng nếu hấp tấp vội ăn. Những kẻ thời thượng thích và quảng cáo phở Hòa đường Pasteur nhưng Tâm thấy nơi đó cho quá nhiều vị tạp như giò, bò viên làm mất cái thuần túy của phở đi, ăn lổn ngổn trong miệng. Một đôi lần Tâm cũng ghé Hiền Vương / Võ thị Sáu để ăn phở gà, mê nhất là chùm trứng non, bé bằng viên bi, phải đi thật sớm mới có.

Thêm một lần hội ý với Vấn cho chiều nay rồi hai người chia tay. Sáng nay Tâm nhất định phải gặp được Như Ý nên đến nhà lúc 9 giờ. Vẫn cánh cửa im lìm làm Tâm nóng ruột, hôm nay đã là mùng ba, sự thăm viếng chúc tết phần lớn đã xong, mà sao Như Ý cùng mẹ lại đi sớm như thế nàỵ Tâm lại một quán cà phê xéo với nhà Như Ý gọi cà phê phin ngồi đợi .

Một giờ rồi hai giờ dài bất tận trôi qua, lòng Tâm chợt nôn nao không yên, có điều gì làm Tâm bất ổn trong người . Chợt dáng người mẹ Như Ý về nhà mở cửa vào . Tâm trả tiền nước băng qua đường gọi chuông. Mẹ Như Ý mở cửa, nhìn vẻ mặt bơ phờ hốc hác, mắt đỏ của bà mà Tâm giật mình, mới năm sáu hôm kể từ lúc gặp ở chợ hoa mà bà đã xuống sắc quá độ, mà lại trong ngày Tết

- Chào bác!
- Chào ông, ông hỏi ai?
- Bác cho cháu hỏi cô Như Ý có nhà không?

Bà mẹ nghe đến tên con, nghẹn ngào
- Ông là ai mà hỏi thăm cháu nó?
- Tên cháu là Tâm, - Tâm bồn chồn quá, linh cảm cho chàng biết có chuyện không hay, ngập ngừng Tâm nói tiếp- Tâm từ bên Pháp về.

Bà mẹ lấy khăn chậm nước mắt
- À cậu Tâm, mời cậu vào nhà! hôm qua có thấy giấy cậu để lại.

Tâm ngồi xuống chiếc ghế mà như lửa bỏng nhất là thấy bà mẹ khóc dấm dứt

- Thưa bác, hôm qua cháu lại đây mấy lần, và hôm nay đến từ sáng, có gọi cửa mà không có Như Ý trả lời, không biết Như Ý có làm sao không bác.
- Cậu ơi ... tội cháu nó lắm, nó đang trong nhà thương.
- Trời ơi, chuyện gì đã xảy ra vậy bác, cho cháu biết đi .

Bà mẹ sụt sùi, thỉnh thoảng lại chậm nước mắt, tiếng đã khản vì khóc nhiều
- Cậu xem thế có khổ thân cháu nó không, sáng qua ngã xe, đập đầu xuống đường bất tỉnh, đem vào nhà thương vẫn còn mê man. Tôi ở đó cả đêm hôm qua mới về đấỵ Tội nghiệp con, hôm qua còn nhắc đến cậu.

Tâm nghe như một mũi dao cắm vào tim mình, bàng hoàng thảng thốt, tiếng nói nghẹn cả đi
- Ôi trời, sao lại như thế được, tội Như Ý quá đi!

Bà mẹ nức nở khóc, Tâm cũng ứa nước mắt
- Xin bác đừng quá đau lòng, bác chắc đã mệt xin bác vào nghỉ ngơi để cháu đi thăm Như Ý, nhà thương nào vậy bác.
- Bệnh viện Thống Nhất đó cậu.

Tâm ngồi nán lại an ủi người mẹ bất hạnh dù chính mình cũng lòng đau như cắt chỉ muốn mọc cánh bay đến nhà thương với Như Ý ngay. Được một lát Tâm từ giã bà, hứa sẽ quay lại để cho biết tình trạng rồi gọi xe đến nhà thương.

Ngày Tết nên nhà thương cũng vắng người trực, Tâm hỏi mãi mới tìm ra phòng Như Ý. Người y tá đưa Tâm vào, ra hiệu cho chàng phải nhẹ nhàng, Tâm cám ơn và lì xì Tết rồi bước vào phòng bệnh. Bệnh viện Thống Nhất trước 75 mang tên Bệnh Viện Vì Dân là nhà thương lớn nhất Saigon thời đó và tới bây giờ, tuy nhiên mười lăm năm không tu bổ giữ gìn nên đã xuống cấp thảm hại. Trong phòng kê sáu cái giường chỉ cách nhau hơn chiều rộng của một cái ghế đặt xen kẽ cho thân nhân thăm bệnh, người ngồi ghế chỉ cần quay đầu sang là có thể nói với cả hai giường, có 3 giường chứa đến 2 người nằm ngược đầu nhau mới đủ chỗ. Vài người đang có gia đình thăm nuôi, nói chuyện rì rào, Tâm đi đến giường cuối theo lời cô y tá.

Như Ý nằm trên giường một mình mê man như đang say giấc ngủ, một tay cắm kim truyền nước biển, một tay quấn băng trắng, mặt mũi không có vết thương có lẽ đập đầu ra phía sau. Tâm ngồi xuống ghế cạnh giường lòng cảm thương xúc động, nhìn nét mặt Như Ý, muốn đánh lừa mình là nàng đang ngủ chỉ cần lay khẽ là thức dậy. Tâm vuốt nhẹ lên tóc lên mặt Như Ý, cầm bàn tay nhỏ nhắn mềm mại như muốn được truyền niềm thương cảm và sức sống của mình sang. Bất giác một giọt nước mắt rớt xuống tay Tâm.

Quên ăn cả buổi trưa mà không để ý, Tâm ngồi bên giường cầm tay Như Ý, thỉnh thoảng lại đưa lên môi, gợi về tâm tưởng bao nhiêu lời nói, ánh mắt, nét cười của Như Ý trong mấy lần gặp gỡ, thì thầm nói lại những mẩu đối thoại của hai người ..."Em nhớ không? lúc anh bị đánh, em lấy khăn nóng ấp mặt cho anh ... em nhớ không hôm đi chợ hoa em mặc áo tím nhạt ..."

Tâm rất lo lắng, theo nhận thức của mình nếu đã hôn mê một ngày có thể rơi vào tình trạng coma, hôn mê bất tận cả nhiều năm. Ngồi đến 3 giờ chàng đi tìm bác sĩ trực để hỏi thăm nhưng người này chỉ trách nhiệm những trường nguy kịch cấp cứu, nên phải chờ ngày mai bác sĩ phụ trách cho Như Ý đi làm mới hỏi thêm được. Cuối cùng Tâm gửi tiền cô y tá coi sóc nhờ quan tâm đến Như Ý nhiều hơn, hẹn ngày mai sẽ lại rồi trở về nhà Như Ý tường thuật và an ủi bà mẹ ít lời, sau đó đến Vấn vì trời đã dần chiều.

Kể lại cho Vấn nghe mọi việc, Vấn cũng tỏ vẻ thương Như Ý không may bị nạn hai lần trong vòng mấy ngày. Sau khi thống nhất lại lịch trình cho chiều nay, Vấn đưa cho Tâm một túi nylon trong đó đựng khăn trải giường và hai bộ quần áo vừa giặt còn ướt và một túi khác dầy hơn to bằng nửa bao gạo cột thật kỹ và nói:

- Chỉ có trời mới biết mày dùng để làm gì, cứ như trong phim ma vậy, tốn không biết bao nhiêu công mới có đó.

Tâm nắn nhẹ vào túi, cám ơn Vấn rồi gọi Taxi về nhà, đi Taxi được cái là ít khi bị cảnh sát chận lại, cũng có lần đã xảy ra nhưng chỉ là làm tiền tài xế thôi. Sau khi ghé ngang khách sạn lấy thêm đồ Tâm về đến nơi lúc 5 giờ còn 1 tiếng nữa là đám múa lân đến theo dự định.

Dấu cái túi cột kỹ vào sau bụi cây trong vườn phía gần garage xong, Tâm mang quần áo ướt ra phơi . Mấy hôm trước Tâm đã bắt 1 sợi giây dài từ tường sau ra đến cây ổi và ngày nào anh cũng mang vài cái quần áo hay khăn trải giường ngâm nước ra vừa phơi vừa nói chuyện với nhà hàng xóm, nên hôm nay họ cũng thấy bình thường dù lần này số vải phơi, thêm phần lấy từ nhà Vấn thành nhiều gấp đôi, ngoài mấy bộ quần áo còn có hai cái khăn trải giường sũng nước treo lên nặng trĩu khó mà gió thốc lên được tạo thành một bức màn che phần vườn nhà Tâm lại, ngăn tầm nhìn từ nhà bên cạnh. Từ phía trên, mái hiên và cành lá xum xuê của cây ổi cũng hợp nên một sự kín đáo nhất thời .

Vừa vặn xong xuôi thì Vấn đến, cho biết đoàn múa lân đang đến ngoài đường cái . Tiếng xình tắc, tiếng chiêng trống bắt đầu vọng lại cùng tiếng hò reo của trẻ con trong xóm chạy theo. Chỉ mười phút sau trong ánh nắng dần nhạt của buổi chiều đoàn múa lân tiến vào trong khuôn viên ngôi biệt thự .

- còn tiếp -

Phạm Doanh

Châu Chấu Lá Dừa

Anh vẫn nhớ ngày nao yêu dấu
Em lấy lá dừa nước màu xanh
Bàn tay khéo kết thành châu chấu
Làm món quà để tặng riêng anh

Anh cất túi giữ gìn tha thiết
Cho đến khi châu chấu úa tàn
Và mùi lá không còn tinh khiết
Phải vất đi rôì tiếc miên man

Cuộc sống chẳng cho mình chung lối
Em thướt tha áo cưới cài hoa
Anh say sưa hoang tàn mỗi tối
Bóng đổ dài đường phố lạ xa

Đã bao lần anh cầm nhánh lá
Giống lá dừa thon thả xanh tươi
Nhưng con chấu anh làm tệ quá
Vò trong tay mà hận cả trời

Rồi những lúc qua đồng cỏ dại
Bồi hồi khi nhìn thấy chấu bay
Lại thấy lòng tiếc thương mãi mãi
Về khung trời đã vuột tầm tay

Về hạnh phúc dại khờ đánh mất
Để chuyện mình thành chuyện khói mây
Ôi sao giữa cánh đồng bát ngát
Lựa chỗ ta ngồi chấu lại đây .

Phạm Doanh

Hư vọng, vũng tối, bóng dầy

Trong vùng tăm tối cõi mù khơi
Đã tắt từ lâu ánh mặt trời
Đối diện bản thân cầu thể hoại
Giã từ nhân thế bạc lòng vôi
Rong rêu phủ kín tình hư ảnh
Dĩ vãng mờ phai mộng loạn lời
Không cần nhắm mắt trong đêm tối
Vẫn thấy hồn hoang quấy nhiễu đời.

Phạm Doanh