Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2008

Về giữa lòng Hà Nội


Thuhanoi về giữa mùa đông
Chút hanh hao ngấm vào da thịt
Xa Hà Nội lâu rồi chưa quen rét
Thấu cái lạnh rưng rưng trong ta.

Các anh đón Thu - trao tặng bó hoa
Những cánh thắm kiêu kỳ rực rỡ
Mỗi bông là môi cười gặp gỡ
Sáng bừng trên khuôn mặt mọi người.

Sáng mùa đông giữa ánh mắt rạng ngời
Lòng phấn chấn nghẹn lời chưa nói
Ly rượu nồng say tình người cũ mới
Ngất ngây men - lắng tận cùng Mùa Đông./.

thuhanoi

Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2008

NHỮNG GIỌT ĐẮNG

Rớt xuống đời giọt đắng vô hình
Ai cố tình cho rơi vào tâm hồn thơ dại?
Cơ thể ấy run lên - quằn quại.
Trái tim kia sạn lại vì những đớn đau.

Giọt đắng kia rồi cũng ngấm tan mau,
Nhưng di chứng sẽ còn để lại,
Cuộc đời ấy đã bao lần như vậy?
Thương mảnh đời sần sùi - teo tóp bởi cay đắng đan xen.

Kẻ cuồng điên nào nỡ giết chết hồn em,
Bằng những giọt đắng lẽ rằng tuổi đời em không có,
Ôi cuộc đời bé nhỏ!.
Sao nghiệt ngã - cô đơn ?...

Và ngày mai còn những đắng cay hơn!!!
Em chịu ư? - trái tim giờ đã chết,
Vì bây giờ em đâu còn mơ ước,
Giọt đắng nào đã cướp rồi sự ngọt ngào của tuổi được yêu thương.

Hoài Lộ Anh
-6.96-

Thứ Hai, 17 tháng 11, 2008

Hoài Hương

Có phải tại vì gần Tết
Cho nên ta lại ngậm ngùi
Cuốn lịch trên tường sắp hết
Chỉ còn vài tấm nữa thôi
May là có người cho biết
Nếu không chắc đã quên rồi
Tháng ngày qua đi mỏi mệt
Lại thêm một Tết đơn côi

Xứ lạ mai vàng chẳng có
Màu hoa tâm tưởng trong đời
Bánh chưng xanh, chùm pháo đỏ
Còn trong kỷ niệm mà thôi
Mang tiền lì xì ra ngõ
Bầu cua cá cọp vui chơi
Hình như có năm nào đó
Mùng hai thua hết sạch rồi

Hôm nay dội về ký ức
Những ngày đẹp nhất trong đời
Vẫn nằm bên trong tiềm thức
Dù thời gian đó xa xôi
Còn nghe trong lòng day dứt
Với niềm khắc khoải khôn nguôi
Biết bao giờ ta hết được
Niềm đau trên xứ sở người.

Phạm Doanh

Không ngờ trời chợt sang đông

Không ngờ trời chợt sang đông
Tháng mười một, lạnh từ sông lạnh vào
Trong lòng, bão tuyết hư hao
Hai mươi năm lẻ biết bao mối sầu
Ta tìm bản ngã nơi đâu
Nơi vùng băng giá trắng màu tang thương
Đời như đã cuối đoạn đường
Có đêm nằm nhớ quê hương khóc òa
Lâu rồi ta vẫn hoàn ta
Mảnh bằng vô dụng chỉ là kiếm ăn
Cho qua một kiếp con tằm
Nhả tơ quấn lấy tấm thân lạc loài.

Phạm Doanh

NGÔI NHÀ CŨ Phần 21-22

NGÔI NHÀ CŨ Phần 21


Người đánh trống, kẻ khua chiêng náo động cả một xóm, người ta đến coi đông đảo, tất cả mọi người trong nhà dồn ra xem, tầng trên còn có balcon nên rất thích thú, cả nhà bên cạnh Tâm kéo ghế ra ngồi coi, mấy khi mà có chuyện này ngay trước nhà mình. Tâm tiến ra phía ngoài nói vài câu với mọi người rồi lui dần vào cửa, dặn Vấn đứng ngoài, đừng đóng cửa, nếu ai đến thì đừng cho ai vào mà gọi Tâm ra, rồi lẩn vào trong, trời đã bắt đầu tối. Mọi người say mê coi múa lân nên không ai để ý đến, Tâm lấy cái xẻng gấp nhà binh trong giỏ mua trước Tết ở Khu Dân Sinh, cái xẻng mà người cảnh sát giao thông khám thấy trong đêm giao thừa, ra vườn sau đào thật nhanh chỗ anh đã đo và làm dấu sẵn, hai thước cách cây ổi trên đường thẳng góc với tường sau nhà như lời bố nói.

Trước tiên Tâm trải một tấm nylon to đựng đất đào lên, đàng sau vườn hoàn toàn vắng lặng, 2 khăn trải giường phơi trên dây che lấp chỗ làm việc của Tâm và tiếng trống múa lân cùng tiếng pháo đốt ngoài kia nên không ai nghe tiếng Tâm đào, cuốc đất. Có hai lần Tâm ngừng tay chạy ra đứng ngó chừng thấy mọi người vẫn say mê coi, trao đổi vài câu với Vấn rồi vào làm tiếp, sâu xuống khoảng 1 thước lưỡi xẻng đụng nhằm một vật cứng, Tâm hồi hộp bới nhanh để thấy một hộp gỗ bọc nylon to khoảng 30x20x20cm mỗi chiều, chàng hồi hộp mang lên phủi bụi mở ra xem:

- Cám ơn trời phật, vẫn còn đây, giúp anh Khanh thoát được rồi.

Mang vào phòng gói, cất vào túi xách xong Tâm lật đật ra vườn đắp đất lại, vừa đầy miệng hố, chưa kịp làm xóa dấu đào đã nghe Vấn gọi

- Tâm ơi, có anh Diên đến chơi!

Tâm vội vàng nói vọng ra

- Vấn nói anh ấy ở ngoài coi múa lân, tao đi cầu xong ra ngay đây.


Trong lúc Vấn giữ chân Trần Diên ngoài cửa, chỉ cần hỏi đến tiền hụi chưa góp là Trần Diên tràng giang đại hải than vãn, hứa vài ngày nữa sẽ đóng. Trong vườn Tâm vội vàng đắp điếm chỗ đào, trời tối nên không được tốt lắm nhưng sợ Diên sốt ruột vào đại, cất xẻng rửa tay rồi ra ngoài đón Diên. Có bao nhiêu đèn Tâm bật hết cho thật sáng cả hai phòng.

Trần Diên bước vào nhà miệng đon đả nhưng mắt lượn khắp nơi

- Chào anh Tâm, năm mới chúc anh vạn sự như ý
- À anh Diên, cám ơn anh và cũng xin chúc anh khỏe mạnh, thăng quan tiến chức. Xin lỗi anh nhà không ghế, không nước để đãi khách
- Không có chi anh Tâm đừng ngại .

Lấy cớ đến chúc Tết Diên hỏi Tâm có muốn đổi tiền như hôm trước Tâm nói không. Mắt hắn cú vọ quan sát thật kỹ căn phòng ngoài, không thấy thay đổi cả một vết vôi, còn đi vào trong phòng kia coi nữa, định mở cửa sau ra vườn thì nghe Tâm gọi vào đổi tiền. Tâm nói hôm nay không mang theo người nhiều nên chỉ đổi 200USD, Trần Diên thấy tiền mừng quá không nghĩ đến chuyện khác nữa, nấn ná thêm chút đến khi đám múa lân trình diễn xong. Mọi người đi coi rất tán thưởng vì mùng ba mà có múa lân, lại còn vào buổi tối thắp đuốc trông rất xôm tụ Tâm mời Diên ra chung để trả tiền cho đám múa lân. Bấy giờ người coi mới biết ai gọi đến. Mọi người bàn tán, kẻ khen người chê anh chàng Việt Kiều chơi sang, chơi ngông, mướn đám lân múa cho mình xem để hàng xóm được hưởng chung mà không mất tiền, không ai để ý là Tâm chỉ coi lúc đầu và thỉnh thoảng ra đứng ngoài cửa cho có mặt thôi.

Vấn chở Tâm về khách sạn rồi về nhà mình. Tâm tắm rửa thay quần áo cất thật kỹ cái thùng lúc nãy bỏ trong túi xách, trở về lại ngôi nhà cũ bằng taxi. Sau khi hết múa lân nhà bên cạnh ra sân sau ăn cơm lại bật đèn sáng đến tận vườn rồi theo thông lệ ngồi hóng mát tới khuya vì thế Tâm chờ mãi mà không có dịp nào thuận tiện để lấp kỹ cái hố đào trong đêm đó nữa.Tâm ra chỗ bụi cây tìm lại cái túi dấu lúc nãy, mở ra, chàng phải bịt mũi vì mùi hôi thối nồng nặc bốc lên, Tâm đổ xác một con mèo bên cạnh hàng rào cách chỗ đào hai thước, đập gãy cán xẻng cho vào xách tay cùng tấm nylon đã giũ sạch đất, gói chặt bao nylon đựng xác mèo cuộn nhỏ lại. Gọi xe đến một địa điểm gần nơi thải rác, Tâm xuống xe đi bộ ngang đống rác, để ý không có ai vất xẻng và tấm nylon cuộn vào đó. Về đến hotel, Tâm mang cái hộp ra xem cho kỹ, trong hộp lại là một hộp khác bằng plastic bọc thêm túi nylon ở ngoài, mở ra Tâm thấy hai cọc tiền đô la toàn giấy 100USD và một túi gấm đựng hai tượng phật ngọc thạch Jade mỏng, dài độ ngón tay và ... . Tâm nhớ lời dặn của bố "Tiền con đưa cho Khanh hay vợ nó để lo đi ra khỏi nước, còn mấy món kia con giữ lấy, bố mẹ đã già cũng đầy đủ tất cả rồi".

Trước ngày di tản, bố mẹ Tâm đợi mãi không thấy anh Khanh đưa vợ từ Nha Trang về, đành chôn lại những món trên trong vườn nhà mình, hy vọng sau này báo cho anh Khanh biết. Mấy năm sau được tin anh đi học tập không biết bao giờ được ra và nhà cửa bị tịch thâu lại sợ chị Khanh đàn bà yếu đuối không đủ khả năng làm chuyện đó nên không tiết lộ ra. Nhờ không bỏ vàng hay nhẫn kim loại vào nên lúc tịch thâu nhà nếu ai có dùng máy rà cũng không phát hiện được.

Chín giờ sáng mùng bốn Tâm lên nhà thương thăm Như Ý, nàng vẫn mê man trên giường. Tâm ngồi cạnh bên mà nghe xót xa từng đợt trào lên lồng ngực. Mẹ Như Ý vào cùng lúc bác sĩ đến thăm, Tâm hỏi về tình trạng Như Ý, bác sĩ cho biết, trừ vết xướt trên cánh tay đã lành thì thân thể hoàn toàn hồi phục, tình trạng hôn mê kéo dài vẫn còn là một câu hỏi của Y học, khó mà biết được khi nào và tại sao bệnh nhân tỉnh dậy. Bác sĩ cho biết nhiều trường hợp bệnh nhân thức dậy khi trải qua lại những biến cố đáng ghi trong đời như tiếng nói người quen, điều này thuộc về phạm vi Tâm lý hơn là Y học. Ông ta khuyên nên đưa Như Ý về nhà để người nhà chăm sóc tốt hơn, và mời bác sĩ tư coi sóc canh chừng tiếp nước dưỡng sinh.

Bác sĩ đi, mẹ Như Ý khóc nức nở Tâm phải đưa bà ra băng ghế ngoài vườn để không kinh động và gây sự tò mò của người chung quanh.

- Cậu Tâm ơi, lúc nãy tôi có đem tiền trả tiền bệnh viện mấy hôm, nếu kéo dài một tháng nữa thì không thể trả được nữa.

Tâm an ủi bà, khuyên bà nên đưa Như Ý về nhà như lời bác sĩ vừa có người thân bên cạnh vừa ít tốn hơn so với nhà thương. Nói mãi bà mới nhận tiền Tâm đưa để lo cho Như Ý. Tâm còn muốn ở lại bên Như Ý mà lại có hẹn gặp anh Khanh nên đành chào mẹ Như Ý, gọi xe đến nhà Vấn.

...
Trung Úy Công An Nguyễn văn Điền, được cấp trên giao cho trách nhiệm tìm kiếm thiếu tá Khanh, đã đặt người theo dõi canh chừng chị Minh và Tâm, xem anh Khanh có bắt liên lạc với hai người không. Từ hôm Tâm xuống phi trường theo lời khai nhập cảnh là em của thiếu tá Khanh đến giờ Điền nhận báo cáo khá đầy đủ, chỉ thấy Tâm và chị Minh gặp nhau hai ba lần ngắn còn toàn thấy Tâm đi chơi, rồi về nhà cũ. Điền có đến đó trong thường phục hỏi dò các người xung quanh, chỉ nhận được nhận định tốt về Tâm, là vui vẻ dễ tính hay cho quà con nít, về nhà thì cửa mở toang, ai ở ngoài cũng thấy trong nhà chẳng còn gì ngoài bộ tủ và cái giường gỗ nặng nề, còn anh khi thì đọc sách, lúc viết hý hoáy hay tập thể dục. Trong ngày Tết nên kiểm soát của Điền cũng bớt chặt chẽ, vì thiếu nhân viên. Chính Điền cũng không muốn làm việc ngày đầu năm vả lại thứ nhất thấy Tâm vô hại còn chui đầu vào căn nhà cũ sống giữa đám sĩ quan, thứ hai Điền nghĩ anh em làm sao bằng vợ chồng, nhất là ở trại cải tạo trốn ra, lâu không có hơi hướng vợ phải thèm hơn là đi tìm thằng em chứ.

Có tin thiếu tá Khanh đã vào Saigon nên Điền chỉ thị canh chừng chị Minh tối đa vì thế phải rút người không theo Tâm nữa, phân phối theo dõi chị Minh ráo riết. Chị cũng cảm thấy điều này và có kể cho Tâm hôm mùng một. Hai chị em nói chuyện bao giờ cũng nói nhỏ với nhau trong tiếng nhạc vặn thật lớn.

Hôm nay đến lượt hạ sĩ Lê Tấn Hải đến thay cho trung sĩ Phùng văn Hội lại nhà chị Minh canh chừng. Hải giả vờ hỏi thăm lộn địa chỉ, bấm chuông nhà chị Minh để biết chị có nhà như lời trung sĩ Hội truyền lại. Chị Minh ra cửa mặc một đồ bộ xanh lè khiến Hải liên tưởng đến màu của một con tắc kè, Hải hỏi vài câu, cám ơn, chờ chị vào nhà mới đi ra một khoảng rồi vào quán cà phê xeo xéo với nhà chị. Biết là nhà chị Minh không có cửa sau nên Hải yên trí là chị không thể ra khỏi nhà mà Hải không thấy được. Hơn nữa cái xe Honda cũ mất vè của chị Minh được khóa cẩn thận vào hàng rào, ai muốn lấy xe ra cũng phải loay hoay hai phút là ít.

Hạ sĩ Hải còn trẻ tuổi , cấp trên để ý hứa tháng tới sẽ cho lên lon nên hăng hái muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong vòng hai tiếng buổi sáng nhà chị Minh mấy lượt khách đến chơi, Hải cẩn thận ghi lại trong sổ tay khách là ai, nam hay nữ, diện mạo đại cương ra sao, quần aó màu gì, đi xe gì, biển số mấy và nhất là đến lúc nào, đi lúc nào. Đây là những ghi nhận của hạ sĩ Hải, sau này làm bản tường trình lên cấp trên, là trung úy Điền:

...
Khoảng 10 giờ 45 Tâm đến chở đàng sau ghế một cô gái có vẻ tay chơi, son phấn lòe loẹt môi đỏ mắt xanh, mặc chiếc áo dài đỏ chói nhìn đến nhức mắt. Hải nghĩ thầm chắc anh chàng Việt Kiều vớ được cô bán bia ôm nào để đi chơi rồi đâỵ Lúc đó trong nhà chị Minh chỉ còn một cặp nam nữ. - Hải để ý mỗi lần khách về chị lại tiễn chân ra đến cửa, màu áo chói chan đập vào mắt người khác, cái khăn trắng trong tay, đưa lên xịt mũi liên tục.

Tâm dựng xe bên cạnh xe chị Minh và xe khách, khóa lại rồi vào nhà. Mười phút sau đôi nam nữ ra về, khoảng 11 giờ 10 Tâm và cô gái lòe loẹt cũng ra, họ còn đứng trước cửa nhà chia tay với chị Minh, hai cái áo chói màu tương phản nhau nổi bật lên tường vôi trắng, Tâm và cô gái áo đỏ đứng quay lưng ra ngoài đường còn chị Minh vừa nói vừa xịt mũi . Lúc Tâm chạy ngang hạ sĩ Hải nhìn mặt cô gái mà phát ớn, mặt bôi phấn trắng bệch, môi bôi son đỏ chót lan ra cả vành miệng và mắt đánh xanh lè, nhìn qua nhà chị Minh thấy lưng chiếc áo màu tắc kè đang đi vào trong.

Trong ba tiếng đồng hồ sau không thấy khách đến nữa, Hải nghĩ chắc là giờ cơm trưa, mọi người đa số ai về nhà người nấy. Bụng đói Hải đặt một tô mì Quảng từ tiệm đối diện, tô mì bưng đến hạ sĩ Hải chưa kịp ăn, thấy một người đàn ông đi xe Honda đến trước cửa gọi tên Sáu ơi ới, từ trong nhà bước ra một người đàn bà mặc quần áo bình thường không được sang trọng lắm leo lên đằng sau xe cho người đàn ông chở đi. Hải ghi số xe, hắn vội bước ra khỏi quán đi gần đến để xác định không phải chị Minh ra khỏi nhà. Hai người đi Hải không dám theo sợ chị Minh đi mất dù chợt nhớ người đàn bà này không thấy đến từ lúc nào trong sáng nay cả, không lẽ ở sẵn trong nhà.

Nguyên buổi chiều không thấy khách lại thăm. Khoảng 6 giờ rưõi chiều trong nhà bật đèn và 10 giờ rưỡi thì tắt. Hải yên trí chị Minh vẫn còn trong nhà và bàn giao sự canh chừng lại cho người đến thay. Sau 3 ngày không thấy chị Minh ra khỏi nhà và chiều tối nào đèn cũng bật tắt Hải gọi báo cho trung úy Điền đến, tường trình lại mọi việc trong mấy ngày và quả quyết là chị Minh không ra khỏi nhà, Điền kêu Hải di chung đến gọi cửa.

Kêu thật to, chờ thật lâu không có ai trả lời, trung úy Điền hạ lệnh phá cửa vào nhà, ... cả căn nhà không có một bóng người, chỉ một máy tự động điều khiển bật đèn khoảng 6 rưỡi còn tắt từ 10 giờ rưỡi. Thế là chị Minh ra khỏi nhà mà qua mặt được sự theo dõi gắt gao của công an.
...


NGÔI NHÀ CŨ Phần 22

Cả tuần sau này điều tra qua số xe, ra những người đến thăm đều là họ hàng bạn bè đến chúc tết cả. Công an có hỏi họ đều khai thật tình như vậy và không ai bắt bẻ được. Còn xe của Tâm và của người đàn ông cuối đều là do Tâm thuê. Hạ sĩ Hải bị cấp trên khiển trách nặng nề.

...
Trở lại trưa mùng 4 Tâm chở cô áo đỏ chạy một khoảng đường quẹo vào chỗ vắng rồi nói:

- Chị Minh thay áo và bôi sạch son phấn mau lên.

Chị Minh xuống xe, ra gốc cây thay thật chớp nhoáng áo dài bằng một áo pullover, cuốn áo dài nhét vào một túi nylon rồi leo lên xe cho Tâm chạy tiếp. Ngồi sau, chị rút trong ví tay một khăn ướt đã chuẩn bị sẵn lau sạch mọi phấn son cố tình bôi thật đậm, loè loẹt trên mặt. Tâm chở chị vào khu du lịch Văn Thánh theo lời hẹn với anh Khanh.

Khoảng 3 tiếng sau Vấn đến nhà chị Minh đón Mai về đến nhà rồi đi trả xe thuê dưới tên Tâm. Mọi việc Tâm sắp đặt đều trôi chảy như dự tính. Người phụ nữ áo đỏ son phấn đầy mặt chính là chị Mai vợ Vấn, Tâm lên nhà đón đi đến chị Minh, lúc hai người vào thì chị Minh lấy cớ mệt tiễn chân hai người khách cuối, rồi đổi áo cho Mai, trét son phấn lên mặt giống Mai, còn Mai lại rửa mặt cho hết. Sau đó Mai ra ngoài tiễn hai người trong chiếc áo xanh lè, tay cầm khăn vờ xịt mũi, như chị Minh làm cả buổi sáng khi tiễn khách, để che mặt. Màu áo và son phấn nổi bật khiến nét mặt từ xa nhìn đến không thành vấn đề nữa. Ba người chia tay, ai có thấy cũng tưởng là chị Minh còn trong nhà nhưng thật ra đó là Mai. Sau khi vô nhà thay quần áo thường, Mai vấn lại kiểu tóc khác, ngồi đợi Vấn đến đón, cho Tâm và chị Minh có 3 ít nhất tiếng đồng hồ không bị theo dõi .

Khu du lịch Văn Thánh hôm nay tưng bừng nhộn nhịp như một hội chợ, bao nhiêu trò chơi, múa lân, ca nhạc, có cả khu Karaoke ngoài trời cho các ca sĩ nghiệp dư lên trổ tài . Người đi dập dìu tấp nập. Theo lời anh Khanh nhắn, hai người đến một quán nước bên bờ hồ. Còn nửa giờ mới đến giờ hẹn .

- Chú Tâm à, cô Mai ở nhà thay chị đó, có gì nguy hiểm cho người ta không?
- Không sao đâu chị, mình đi là chị ấy thay quần aó khác và đợi chồng đến đón.
- Nhưng lúc ra ngoài thì sao?
- Thì như là khách của chị đến chơi rồi ra về thôi, từ sáng chị có rất nhiều người đến và đi rồi phải không?
- Đúng rồi chú Tâm, theo chú dặn tôi đã nhắn nhiều người quen là chỉ ở nhà sáng nay, thành ra nhộn nhịp lắm.
- Em tính chắc ít nhất một hai ngày chi không về nhà thì người ta mới để ý. Hôm nay nếu không gặp lại anh Khanh thì chị lại về, lại như thường, chỉ có điều nếu họ không thấy chị đi mà thấy về thì lại canh kỹ hơn.
- Chú Vấn và cô Mai tốt bụng quá, thật là bạn quý.
- Vâng, em cũng cảm động lắm. Mười lăm năm không gặp nhau mà vẫn còn tình bạn tốt như thế.

Trong quán khá đông, Tâm nói chuyện với chị phải nói nhỏ, nhưng xung quanh đều là những cặp tình nhân ngồi với nhau nên hai người có thì thầm cũng không khác gì người khác. Chợt một người đàn ông đi ngang qua bàn, suýt ngã phải đưa tay vịn vào cạnh bàn của Tâm và chị Minh và nói xin lỗi, chị Minh nhìn lên suýt nữa bật lên tiếng kêu, nhưng người đó rút tay về để lại một tờ giấy xếp nhỏ trên bàn rồi đi luôn ra ngoài. Chị Minh nhận ra chồng nước mắt đọng quanh nhìn theo, nói nhỏ

- Anh ấy đó chú Tâm ơi.

Tâm thu tờ giấy để xuống đùi đọc

- Anh hẹn ra ngoài kia, chúng mình đi đi chị Minh!


Tâm trả tiền nước, cùng chị Minh ra chỗ thuê xuồng tự chèo trên hồ, đến nơi cùng lúc với anh Khanh, chỗ đông người anh Khanh chỉ dám cầm tay chị Minh một chút rồi bắt tay thật chặt với Tâm. Anh trông khăc khổ dạn dầy hơn xưa, râu mọc lởm chởm và gầy đi nhiều, chị Minh cắn răng để dừng bật ra tiếng khóc. Ba người xuống một chiếc xuồng thuê, Tâm chèo ra ngoài cho anh chị ngồi cạnh nhau đối diện với Tâm. Xuồng khuất chỗ đông người một chút chị Minh gục vào người anh Khanh khóc nức nở, anh Khanh ôm vai chị

- Anh ơi, anh ơi!
- Nín đi Minh, nín đi!

Anh Khanh nhìn Tâm

- Bố mẹ khoẻ không Tâm, bao giờ em đi?
- Mồng bảy anh Khanh, bố mẹ vẫn khỏe, anh trông gầy lắm.
- Ở tù mà sao không gầỵ
- Kế hoạch của anh như thế nào. Ở đây bị truy lùng quá!

Tâm đưa xuồng vào bờ chỗ khuất so với tầm nhìn từ quán nước và chỗ cho thuê, thỉnh thoảng một chiếc xuống đi ngang nhưng khá xa bờ, không khí chơi tết vui vẻ nên không ai để ý ai, các đôi tình nhân đưa nhau ra hồ chèo thuyền cũng không muốn ai chú ý đến mình.

- Ba ngày nữa sẽ có người đưa đi, thuyền to vững chắc, nhưng mỗi người họ đòi 30 cây vàng. Minh có mang theo gì không?

- Em chỉ có ít tiền và 10 cây thôị
- Anh Khanh ơi, đi có an toàn không anh, Tâm nghe nhiều chuyện vượt biên đường biển nguy hiểm lắm, chuyện lường gạt, bắt bớ rồi hải tặc nữa.
- Chuyến này các anh chuẩn bị lâu và kỹ lắm, thế nên phải mất nhiều tiền, con tàu lớn phải mua luôn, người lái là Đại Úy Hải Quân, cùng đi có nhiều người như anh đó. Có cả súng mang theo chống hải tặc, cùng lắm là thí mạng với chúng. Dạo này chuyện vượt biên đối với người thường là không đáng để mạo hiểm nữa vì đời sống đã thoải mái hơn, nhưng các anh toàn là thành phần không thể sống còn ở đây được. Anh cũng sợ nguy hiểm cho Minh, nên anh định đi trước, nếu qua đến Mỹ sẽ làm giấy cho Minh đi sau.

Chị Minh ôm lấy chồng khóc

- Anh ơi, xa nhau 15 năm rồi, em không muốn ở lại một mình nữa. Đi có chết thì chết chung.
- Đó là tính thế, nhưng hai vợ chồng mình có 10 cây làm sao đi được.

Tâm cầm cái sắc tay trong đó có một cọc tiền quấn trong bao nylon đưa cho anh mình

- Anh Khanh, đây là 60,000 đô la của bố đưa anh để lo đi và cho thời gian đầu ở ngoại quốc.

Anh Khanh kinh ngạc

- Trời, Tâm, tiền ở đâu mà có vậy, em mang vào mà không phải khai báo sao? Bố mẹ già rồi làm gì có tiền để đưa cho anh chị nhiều thế.
- Không phải em mang vào đâu, số tiền lớn thế này mà mang vào rồi khi ra không có chứng minh đã dùng vào chuyện gì là phiền lắm. Tiền này đã nằm dưới đất 15 năm chờ anh đấỵ

Tâm kể vắn tắt chuyện bố mẹ chôn tiền, chuyện mình về ngôi nhà cũ lấy lại như thế nào. Anh chị Khanh nghe cứ há hốc mồm ra. Chị Minh ôm chồng, khóc vì sung sướng. Anh Khanh người chai sạm cứng rắn mà cũng rưng rưng:

- Anh cám ơn bố mẹ và em lắm, không ngờ bốn mươi mấy tuổi mà còn nhận được sự hy sinh lo lắng của bố mẹ . Còn Tâm em maọ hiểm về lại nhà lấy lại số tiền này đáng lẽ phần lớn là của em chứ.
- Anh Khanh đừng nói vậy, em học hành xong đã lâu, lập nghiệp bên đó cũng vững vàng rồi, anh phải giữ tiền này mà lo cho chị. Chắc chị Minh không nên về nhà lại nữa. Mong hai anh chị đi bình an.

Tâm đưa địa chỉ mình, địa chỉ bố mẹ cho anh Khanh, dặn nhớ học thuộc lỡ có mất. Anh Khanh ôm Tâm thật chặt, lúc buông ra trên gương mặt người thiếu tá vào sinh ra tử, suốt đời không khuất phục, trốn khỏi trại cải tạo mấy lần cũng nhạt nhòa nước mắt. Tâm cũng rưng rưng, chị Minh chỉ biết nắm tay Tâm mà không nói, lệ chảy dài trên gò má.

Hàn huyên với nhau vài tiếng, anh chị Khanh từ biệt Tâm, nhìn bóng hai người đi ra cổng hòa trong lớp người đi chơi Tết lòng Tâm bùi ngùi. Nhiệm vụ của anh đến đây là xong, có muốn cũng không giúp gì được nữa, chỉ mong hai người gặp may mắn, số tiền quá lớn mang trong người cũng có thể gây họa vào thân. Không biết khi nào được gặp lại đây.

Buổi trưa Trần Diên lại đến nhà Tâm, định hễ gặp thì nói đến chơi với hàng xóm còn không thì hắn lén vào phòng qua cửa vườn sau. Hắn lại vào hai phòng vẫn không thấy gì khác, không có cả cái túi xách mọi khi của Tâm, hắn mở tủ ra thấy vài bộ quần áo trong tủ. Hắn cười thầm mình là đa nghi quá nên mấy ngày nay chỉ mất công rình mò. Diên quyết đinh không lại đây nữa cho đến khi Tâm giao lại chìa khóa.

Bước ra sau vườn Trần Diên giật mình khi thấy dấu vết một chỗ bị đào còn mới, một tia sáng lóe trong đầu hắn, giận mình là sao ngu quá không dùng máy rà ngoài nàỵ

- Chết thật, hóa ra con vợ mình nói đúng, thằng đó về đây đào của thật rồi. Sao mà mình ngu quá đi mới để bị đánh lừa, ai mà lại bỏ 700 đô để ngủ mấy đêm đâu? Nhưng tại sao nó đào ngay đây thì thể nào chẳng bị bên cạnh, bên trên bắt gặp.

Lòng tức giận của Diên dâng lên. Hắn vào nhà hàng xóm mượn telefone lần này hắn không gọi cho công an vì không thuộc phạm vi của họ. Một lúc sau một chiếc xe Jeep trên đó có hai sĩ quan đến. Trần Diên đón họ vào nhà kể chuyện Tâm bỏ tiền nhiều để thuê nhà, nói sự nghi ngờ của hắn và dắt họ ra sau vườn thấy chỗ đào.

Tâm về lại thành phố trời đã chập choạng. Trả xe Honda thuê xong Tâm ngần ngừ không biết đi đâu, định về hotel thay quần áo rồi đi thăm Như Ý. Vừa vào đến phòng tiếp tân khách sạn Tâm bị hai sĩ quan chận đường:

- Ông là Nguyễn Đắc Tâm phải không?
- Phải, có chuyện gì thế ... xin lỗi tôi không biết ông cấp bậc gì để xưng hô
- Tôi là Trung úy Thông, cục an ninh của Quân Khu, còn đây là Thiếu úy Thành.
- Chào Trung úy, chào Thiếu úỵ
- Chúng tôi muốn nói chuyện với ông trên phòng.
- Chuyện gì thế Trung úy?
- Chúng tôi không muốn nói ở đây, hoặc trên phòng ông hoặc mời ông về quân khu.
- Tôi tưởng trách nhiệm cho ngoại kiều là công an chứ sao lại Quân đội.
- Trường hợp ông đặc biệt hơn, bây giờ ông định lên phòng hay theo chúng tôi ?

Tâm nghĩ bề nào ở trong khách sạn cũng hơn, theo họ biết họ mang mình đi đâu

- Chờ tôi lấy chìa khóa phòng tí .

Tâm lại quầy lấy chìa khóa, đẩy tờ 10 đô ra, nói nhỏ với người tiếp tân:

- Anh gọi dùm anh Vấn cho tôi!

Người tiếp tân khách sạn này mấy hôm nay vẫn được tiền pourboire và lì xì của Tâm nên gật nhẹ.
Hai người sĩ quan đi kèm Tâm lên cầu thang đến phòng chàng.

- còn tiếp -

Phạm Doanh

_________________
Ta,
người chưa diệt chữ Tình
Mong gì ngộ, giác
giữa thinh không này.

Lô Sơn yên tỏa


Lô Sơn yên tỏa Triết Giang triều
Vị đáo sanh bình hận bất tiêu
Đắc đáo hoàn lai vô biệt sự
Lô Sơn yên tỏa Triết Giang triều

Tô Đông Pha


Sóng nước Hương Giang khói Ngự Bình
Chưa thăm mang hận cả bình sinh
Thăm rồi về lại lòng không đổi
Vẫn sóng Hương Giang khói Ngự Bình

Phạm Doanh dịch (dùng địa danh Việt Nam)

Đêm vắng

Tiếng kẻng gọi hời quá nửa đêm
Ánh trăng bàng bạc chiếu qua thềm
Băn khoăn sáu khắc tâm không tịnh
Trằn trọc năm canh giấc chẳng êm
Chim cú bu hu dăm nhịp lạc
Thạch sùng tắc lưỡi mấy hôm liền
Uống viên thuốc ngủ cho xong chuyện
Dẫu đấy không là loại thuốc tiên .

Phạm Doanh

Túy Ca - Tình Khúc Người Say (17-18)

Túy Ca - Tình Khúc Người Say (17)


Châu Chấu Lá Dừa

Anh vẫn nhớ ngày xưa yêu dấu
Em lấy lá dừa nước màu xanh
Bàn tay khéo kết thành châu chấu
Làm món quà để tặng riêng anh

Anh cất túi giữ gìn tha thiết
Cho đến khi châu chấu úa tàn
Và mùi lá không còn tinh khiết
Phải vất đi rồi tiếc miên man

Cuộc sống chẳng cho mình chung lối
Em thướt tha áo cưới cài hoa
Anh say sưa hoang tàn mỗi tối
Bóng đổ dài đường phố lạ xa

Đã bao lần anh cầm nhánh lá
Giống lá dừa thon thả xanh tươi
Nhưng con chấu anh làm tệ quá
Vò trong tay mà hận cả trời

Rồi những lúc qua đồng cỏ dại
Bồi hồi khi nhìn thấy chấu bay
Lại thấy lòng tiếc thương mãi mãi
Về khung trời đã vuột tầm tay

Về hạnh phúc dại khờ đánh mất
Để chuyện mình thành chuyện khói mây
Ôi sao giữa cánh đồng bát ngát
Lựa chỗ ta ngồi chấu lại đây.

Phạm Doanh

==========================

Túy Ca - Tình Khúc Người Say (18)

Là để quên sầu

Còn mãi trong ta nỗi ngậm ngùi
Lâu rồi nào biết có niềm vui
Em về bến lạ lòng chôn kín
Bóng nhỏ đêm tràn lệ gối rơi
Anh vẫn lang thang đường cát bụi
Cuộc tình vô vọng đã tan rồi
Có những lần say trong quán trọ
Là để quên sầu đó em ơi.


Phạm Doanh

Tìm lại dấu xưa

Bước chân về lại căn nhà
Chôn bao kỷ niệm của ta một thời
Bao nhiêu năm ấy qua rồi
Mà nghe lòng vẫn bồi hồi tiếc thương

Mộng du chân vẫn quen đường
Con đường nhỏ hẹp thân thương ngày nào
Căn nhà vắng lặng làm sao
Hỏi thăm mới biết đã bao tháng ngày
Ngươì đi về phía chân mây
Để ngươì về lại đứng đây đắm chìm
Tựa lưng cánh cửa im lìm
Thả hồn ký ức đi tìm ngày xưa

Nhớ tay ai hái lá dừa
Kết thành châu chấu để đưa tặng mình
Người xinh làm chấu cũng xinh
Ân cần anh nhận như tình em cho
Năm xưa trong tuổi học trò
Lòng say men lạ khiến cho biếng lười
Nhớ sao ánh mắt tiếng cười
Một thời hoa mộng một đời tiếc thương

Bóng ai nhẹ bước bên tường
Giật mình tưởng bóng người thương đón chào
Khi đi đánh mất mộng đào
Khi về lại mất lối vào nhà em .

Phạm Doanh

Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2008

Hãy về cùng ta

Em tựa cửa nhìn về trước mặt
Núi xa xa tuyết phủ muôn đời
Trắng như màu áo em đang mặc
Buổi chiều buồn lên mắt lên môi

Đã bao năm chưa về thăm lại
Chưa được lần gọi tiếng mẹ ơi
Không biết cả hai bên nội ngoại
Giờ trên tay đếm được mấy người

Đã mấy mùi thu thiên kỷ mới
Bốn ngàn năm đất tổ ngậm ngùi
Nửa cuộc đời em, tôi rong ruổi
Trong con tim băng giá niềm vui

Hãy về nhé cùng ta, ngày hội
Vào Thăng Long, đường phố rong chơi
Để quên đi bao ngày tăm tối
Kiếp tha hương mòn mỏi thân người.

Phạm Doanh

Ngủ đò sông Hương

Bồng bềnh trên sóng nước Hương Giang
Một chiếc thuyền con phủ kín màn
Ly rượu nho hồng bên má thắm
Lời dân ca nhẹ dưới trăng vàng
Người tình bến nước khơi mơ ảo
Sương khói lòng sông thoát thế gian
Kỹ nữ cười tươi tràn chén ngọc
Đêm nay thiếp ở cạnh bên chàng.

Phạm Doanh

Hồi tâm, nghiệm cõi ta bà

Hồi tâm, nghiệm cõi ta bà

I. Khắc khoải

Có cuộc tình lẻ loi
Có con đường tăm tối
Những tiếng giầy vang dội
Đi về một mình thôi

Có cô gái bán hương
Tiếp kẻ lạ qua đường
Lấy men say khói thuốc
Mong lấp nỗi chán chường

Có thiếu nữ mồ côi
Khóc tình quân vừa mất
Nấm mộ vẫn mùi vôi
Đời không còn chủ nhật

Có con thuyền vượt sóng
Người lái thuyền chân không
Trên vai đeo một dép
Độ người khổ qua sông .


II. Diện bích

Khoanh tay diện bích vô hình
Lạc vùng không tự ngỡ mình thoát thai
Đẩu vân chẳng vượt ra ngoài
Bàn tay diệu pháp trên đài Thích Ca
Hồi tâm, nghiệm cõi ta bà
Có không?
Không có!
Cũng là có không!


III. Trong ngờ vực ta

Lạc hồn ngơ ngác mù khơi
Cánh buồm không gió về nơi không thiền
Chắn ngoài chân đạo nhất nguyên
Một vùng nhật nguyệt, một miền hoang sơ
Đêm đêm trăng tắm trong hồ
Trần truồng ta tắm trong ngờ vực ta .

IV. Tiếng thở dài nén lại

Cánh lông tơ hoàng hạc
Trận bão cuốn mù khơi
Cuốn đi niềm hoan lạc
Có đến được chân trời ?

Thân cây nằm bên suối
Lá xanh đã úa rồi
Và kiếp người ngắn ngủi
Như lá ...
ngập ngừng rơi

Ta ôm đầu nín lặng
Tình cho hết đi rồi
Tiếng thở dài nén lại
Cho đến cuối cuộc chơi

Ta về trầm tích thạch
Quên lòng dạ nhỏ nhoi
Vui cùng loài ốc biển
Và quên cả con người .

V. Có biết trên đời chẳng có ta ?

Có biết trên đời chẳng có ta ?
Xác thân mượn tạm đó thôi mà
Tâm linh khô cạn chờ khai phóng
Trí tuệ mịt mù phủ lối ra
Xe ngựa bạc tiền rồi cũng hết
Công danh sự nghiệp sẽ thành ma
Sao còn bám mãi vào hư vọng
Có biết ngày mai chẳng có ta ?


VI. Hoài công lăn đá ngược đồi

Hoài công lăn đá ngược đồi
Đeo trăm tràng hạt chối lời Nhiếp Ca
Hai tay mười ngón giăng ra
Phủ che mắt dại để mà mị nhau
Ta lần theo vết cỏ lau
Mặt trời đã tắt ...
Mặt trời đã tắt
tìm đâu lối về .


VII. Chung

Ngồi đây hát,
ngồi đây hát,
vỗ mạn thuyền
vỗ mạn thuyền

Bóng trăng hư ảo, một miền tiêu dao
Mái chèo khuấy động ánh sao
Vỡ tan,
vỡ tan rồi lại tụ vào lung linh
Sá gì một kiếp phù sinh
Đáng gì là những mối tình lãng du

Mặc thuyền trôi,
Mặc thuyền trôi,
hướng trung lưu
hướng trung lưu

Nào tâm bất định, nào ưu tư cùng
Lụy phiền một túi cho chung
Thả theo dòng nước đến vùng giác minh
Dù không câu kệ lời kinh
Huệ tâm cảm nhận thể hình vô biên

Thoát thân tục,
nhập chân thiền
Con đường là đạo tự nhiên bất cầu
Chẳng mong về đến nơi đâu ...


Phạm Doanh

Túy Ca - Tình Khúc Người Say (16)

Từ khi người bỏ cuộc vui
Nằng chiều vàng vọt ngậm ngùi cỏ cây
Về xoa trầy trụa tim này
Hoang vu tiếng gọi thêm lầy lội tôi
Có đau thì cũng đau rồi
Xá tâm bất toại, xá lời ê a
Còn chai rượu dở, khật khà
Có say thì cũng để mà quên em.

Phạm Doanh

NGÔI NHÀ CŨ Phần 19-20

NGÔI NHÀ CŨ Phần 19

Ở trong phòng không chịu nổi Tâm ra ngoài balcon ngồi nhìn thành phố chìm trong giấc ngủ. Thế rồi là một đêm giao thừa chờ sáng, cả nửa gói thuốc gần hết. Tâm không biết phải làm thế nào trong tình huống bất ngờ này. Một bên là mối tình đầu đời mang nhiều xót xa vẫn hoài niệm trong tim như vết hằn trên tượng đá, một bên là sự thương yêu vừa có được trong tay sau khi đã chấp nhận điều mình mong đợi, tìm kiếm bao năm nay là ảo vọng. Mười lăm năm không gặp nhau, không biết bây giờ em ra sao hở Đông Phố?

Cùng lúc hình ảnh Như Ý lại hiện ra trước mắt Tâm, không bao giờ Tâm có thể quên dược ánh mắt lúc tuyệt vọng cầu cứu khi sắp bị cưỡng bức trước mặt mình, lúc tin yêu gửi gắm khi được Tâm ôm ấp vỗ về. Thân hình mềm nhỏ như còn nằm trọn trong tay Tâm. Cứ xâu xé, cứ giằng co mãi, đầu óc thân thể mệt nhoài vì khói thuốc và men rượu khi tối, Tâm thiếp đi trên ghế bố cho đến khi những tiếng động đầu tiên trong ngày bắt đầu vang lên.

Tâm đến Vấn trả xe, không muốn giữ vì ai cũng cần đi lại trong mấy ngày Tết. Vấn thấy gương mặt mệt mỏi muộn phiền của bạn mình không giữ được sự ngạc nhiên:

- Làm gì mà mồng một tết mà buồn thế, hay là Đông Phố có chuyện không lành?
- Không có gì, tại tối qua không ngủ được nên hơi đừ một chút thôi .
- Tao thấy mày không phấn khởi cho lắm, chắc nghe tin Đông Phố lập gia đình mới hả ?
- Không Phố vẫn ở vậy và có ý muốn gặp lại nhau .
- Thế thì quá tốt rồi, phải ăn mừng chứ, cuối cùng trời cũng không phụ lòng người .

Tâm nhìn Vấn, không biết phải giải thích như thế nào, cố gượng cười vui đùa với Vấn vài câu rồi từ giã để đến thăm chị Minh.
Vấn tinh tế nhận thấy có điều gì không rõ nơi Tâm, ngày hôm qua vào giường vợ chồng còn nói chuyện rầm rì, mừng cho Tâm. Hai người cũng đoán là Đông Phố chưa lập lại gia đình nên mới tìm cách liên lạc với Tâm. Vấn tưởng hôm nay sẽ thấy một anh chàng Tâm lòng vui như hội .

Ngày mồng một Tết nên Tâm không ngại lại nhà chị Minh để chúc Tết. Chị vừa vui lại vừa lo, thì thầm với Tâm là anh Khanh nhắn mồng 4 sẽ lén về Saigon, hẹn tại khu du lịch Văn Thánh bên xa lộ sau cầu Phan Thanh Giản, ngày đó khu vực mở đại hội ca vũ nhạc Tết nên chắc anh Khanh đến mà không sợ bị phát giác chứ còn về nhà thì không dám. Anh cũng nhắn là muốn gặp Tâm. Hai chị em suy nghĩ mãi cách nào để đi gặp anh Tâm mà không bị lộ Tâm nghĩ ra được một kế nói nhỏ cho chị dự tính của mình, chị Tâm thở phào nói:

- Trăm sự nhờ chú vậy

Biển chuyển mới làm Tâm phải đổi chương trình không đến nhà Như Ý dù đã trưa rồi, mà vòng lại nhà Vấn.

- Vấn ơi, lại phải nhờ cậy đến mày rồi
- Cứ nói đi, đừng ngại gì hết Tâm à.

Tâm kể lại cho Vấn nghe những điều đã xếp đặt với chị Minh, Vấn trầm ngâm một lúc:

- để tao vào bàn với Mai chút nhé.
- dĩ nhiên phải có sự đồng ý và giúp đỡ của chị ấy rồi.

Vấn vào phòng trong một lát, ra gặp Tâm

- Mai đã bằng lòng rồi đấy, tao không nói gì đến anh Khanh sợ Mai lo, càng ít người biết càng tốt.
- Cám ơn vợ chồng Vấn nhiều lắm. Trước khi đi tao sẽ kể tất cả cho hai người biết. À còn việc này nữa nhé. Đã đặt được đám múa lân cho chiều tối mùng ba chưa?
- Xong rồi, 6 giờ họ bắt đầu, múa lân, múa võ Sơn Đông khoảng hơn 1 tiếng sẽ đốt pháo rất đều . Tao sẽ đến trước 10 phút .
- Vậy Vấn kiếm dùm cái này rồi trưa mồng ba tao đến lấy nhé .
- Cái gì ?

Tâm nói nhỏ vào tai cho Vấn, Vấn ngạc nhiên hỏi

- Trời đất, kiếm ở đâu ra, mà để làm gì.
- Vậy mới nhờ đến Vấn, còn để làm gì thì trong câu chuyện cuối cùng tao sẽ giải thích. Tao mong mày hiểu, vì cám ơn cái tình của mày và gia đình nên tao chỉ muốn làm sao không ai có thể cho là mày có liên quan đến việc anh Khanh được, nếu thất bại.

Vấn trầm ngâm nhưng sau cùng thấy Tâm nói đúng nên không hỏi tiếp.

- Cầu mong mày thành công. Tao sẽ hết sức nhưng với một điều kiện!
- Ồ điều gì?
- Chuyện Đông Phố! - Vấn cười, vỗ vào vai bạn - phải cho tao biết có gì lạ, tao tưởng hôm nay mày phải vui hơn Tết chứ, chuyện này thì mày không thể nói là sợ tao bị liên lụy nhé, từ xưa mày đã tâm sự với tao rất nhiều và mấy ngày trước đây vẫn còn hoài tưởng lắm, mà tại sao tin mừng đến lại không vui hả Tâm. Tao vẫn mong hai người gặp lại nên có quyền hỏi thăm.

Cảm động vì lòng tốt và sự tận tâm của bạn. Tâm kể kết câu chuyện gặp gỡ Như Ý từ ngày đầu. Vấn nghe đến đâu lại chắt lưỡi đến đó, nhất là khi Tâm kể sự cố xảy ra trong đêm 29, Vấn đấm mạnh vào tay căm giận. Tâm cũng nói về những dằn vặt trong đầu óc mình. Vấn lắc đầu thở dài

- Thật là trớ trêu, nếu thơ đến sớm vài ngày thì với tâm hồn chung thủy, mày sẽ liên lạc vớ Đông Phố ngay và sẽ không gặp gỡ Như Ý nhiều như vậy và có thể sẽ không có chuyện bị tụi côn đồ hạ thủ. Chính tao hôm trước ngồi ở Givral còn khuyên mày nên quên Đông Phố mà bây giờ cũng không biết phải nói gì, chỉ có điều Như Ý đã ..., xin lỗi Tâm, đã ... dày dạn bụi đời nên ... hơi khó đó .

Vấn không nói hết ý nghĩ, quan niệm của mình về các cô gái nhảy vì tôn trọng Tâm. Tâm không kể những chuyện trong đêm ở nhà Như Ý và hiểu quan niệm của bạn cũng là quan niệm chung không phải là sai nên không nói gì chỉ trầm ngâm, xoay xoay ly nước trên tay .

...

Nguyên một ngày ba mươi Như Ý thờ thẫn không làm gì được ra hồn, cành đào bắt đầu nở rộ, thành nhiều hoa nhiều nụ, ít nhất cũng đẹp cả mười ngày mà Như Ý vẫn không để ý. Khi Tâm đi rồi, nàng vào phòng tắm tắm thật lâu như muốn gội rửa bàn tay kẻ khốn nạn đã sờ lên ngực lên bụng nàng. Người con gái chưa để ai va chạm đến nơi thầm kín mà hôm qua lại có hai lần va chạm thân thể, với người thứ hai là Tâm thì sự va chạm đó lại quá dịu dàng bao bọc. Theo phong cách của Tâm Như Ý nghĩ chắc tối qua Tâm chỉ ôm vai ôm lưng nàng cho nàng ngủ chứ không đụng đến đằng trước ngườị Như Ý nhắm mắt ngửa mặt theo dòng nước cố hồi tưởng lại cái êm ái trong tay Tâm để xua đuổi hình ảnh ghê sợ khác.

Không có Tâm một ngày ba mươi Tết chẳng còn niềm háo hức mong đợi giao thừa. Mẹ Như Ý thấy con mình mắt sưng đỏ lại buồn, lo lắng hỏi thăm, Như Ý chỉ nói là mệt trong người. Giao thừa xong để mẹ đi lễ với người quen ở Lăng Cha Cả, Như Ý nằm vùi trên giường áp mặt vào chiếc gối vẫn nghe thoang thoảng mùi thơm nước hoa cạo râu của Tâm, nhớ lại những lời âu yếm vỗ về, hứa hẹn phần sung sướng phần lại không tin là mình lại có được may mắn theo Tâm sang Pháp.

Sáng mồng một Như Ý dục mẹ đi thăm viếng các bậc trên cho nhanh để về nhà chờ Tâm, Như Ý có để giấy lại cho biết khoảng 10 sẽ về. Mẹ nàng ở lại đánh tổ tôm với bạn bè. Đợi mãi đến hai giờ trưa không thấy Tâm đến, cái bánh chưng bóc sẵn, cắt bằng lạt buộc thật khéo vẫn thờ ơ trên bàn cùng dĩa mứt kẹo và dưa món.
Nước mắt Như Ý đã lóng lánh tên bờ mi

"Chắc anh ấy nghĩ lại rồi, đêm trước vì tội nghiệp mình nên nói thế thôi, Tâm ơi em không trách anh đâu, mình quen nhau có hơn một tuần, gặp nhau vài lần thôi thì anh đâu có gì để anh phải ràng buộc đâu" .

Tiếng chuông cửa làm Như Ý choàng dậy, chạy ra mở cửa, vui mừng khi thấy Tâm đến dù có hơi hờn giận vì chờ đợi quá lâu.
Tâm theo Như Ý vào nhà mà tâm trí rối bời, một phần vì Đông Phố, một phần đầu óc nghĩ đến kế hoạch gần ngày của mình còn phải sửa soạn. Trong lúc nhất thời nàng không kịp nhận thấy Tâm có hơi thay đổi . Như Ý hôm nay đã hết sưng mắt nét đẹp lại trở về trên gương mặt thanh tú, trang điểm rất nhẹ nhàng, rất trẻ trung và quyến rũ trong cái áo đầm hồng nhạt để lộ đôi chân dài, nhỏ và thẳng.

Tâm cố gắng ăn một hai miếng bánh chưng, cách nói chuyện vẫn nhẹ nhàng, ánh mắt vẫn trìu mến nhưng có chút xa xôi và đôi khi lại tránh nhìn vào mắt Như Ý vì cái nhìn tha thiết của Như Ý làm Tâm đau đớn hơn. Không chịu nổi sự dằn vặt nội tâm và còn phải về lại nhà cũ, chàng chỉ ngồi hai tiếng rồi kiếu từ ra về để Như Ý ngỡ ngàng ở lại. Như Ý ngồi thần người một lúc, bây giờ nàng mới nhận thấy Tâm khác hẳn với hôm trước, mệt mỏi và không âu yếm như lần cuối, bất giác hai hàng nước mắt chảy dài trên mặt Như Ý. Nàng ôm lấy mặt chạy vào giường nằm vật ra khóc nức nở.

Tâm về nhà để chứng tỏ sự hiện diện của mình với hàng xóm, cả ngày hôm qua không ở đó rồi. Chàng lấy cớ muốn xem lại các nơi trong nhà, vào thăm 3 gia đình còn lại, lì xì hậu hỉ cho mọi người từ 18 trở xuống. Giả vờ là không kịp mua phong bì nên Tâm phát tiền lì xì thẳng bằng tiền, cho bố mẹ trẻ em đều thấy những tờ đô la mới tinh. Chính ra Tâm không phải là người như vậy nhưng muốn lấy cảm tình và gây sự chú ý của mọi người để khi Trần Diên hỏi thăm họ sẽ kể lại là Tâm có mặt nhiều ở đây đúng như ý muốn ăn Tết trong căn nhà cũ.
Buổi chiều Tâm đi lang thang mãi ngoài phố Saigon, ngắm người ta quần là áo lượt mà không thâu nhận đdược gì vào tâm thức. Mỗi lần muốn đến với Như Ý thì gương mặt Đông Phố lại hiện lên và ngược lại vẻ mặt thất vọng buồn bã của Như Ý chen vào những lúc thì thầ m đọc lại lời thư Đông Phố trong đầu .

Ăn tối qua loa, Tâm về nhà, vẫn chào hỏi lăng xăng cho mọi người biết. Ra vườn sau Tâm lại định hướng những tầm nhìn ra vườn từ các nơi . Ánh đèn măng xông từ sân bên cạnh chiếu ra tận cây ổi, lại thêm nóng bức nên trong sân hầu như lúc nào cũng có người ngồi hóng mát. Tâm vào phòng, phát hiện sợi tóc mình kẹp ở khóa mở xách tay đã mất chứng tỏ có người vào phòng lục đồ. Nằm trong căn phòng không quạt, nóng bức, đầu óc quay cuồng và mệt mỏi Tâm ngủ thiếp đi còn nghe mình nói nhỏ

"Còn có hai ngày nữa thôi"

NGÔI NHÀ CŨ Phần 20

Trong các ngày Tết Bưu Điện Saigon không làm việc, hay nói đúng hơn là không cơ quan, xí nghiệp nào mở trước mùng 6 cả, chỉ có tiệm ăn mùng 3 và chợ họp lại vào mùng 4 nên Tâm không thể nào gọi cho Đông Phố được, nhà tư nhân rất ít điện thoại mà đường dây gọi đi ngoại quốc lại càng hiếm vì giá tiền 50 đô la một tháng và 6 đô 1 phút gọị Ngoài ra Bưu Điện VN còn bóc lột nhiều cách phi lý như gọi không được cũng tính 6USD nên chẳng mấy ai có điện thoại gọi đi ngoại quốc trong nhà, mà có đủ tiền đi nữa cũng ngại vì lý do chính trị và nhà nước để ý dò nghe, khi xin đường dây ra ngoại quốc lý lich phải không có vết gì. Tâm có nhờ Vấn đi hỏi xem có gọi nhờ ai được - dĩ nhiên là trả tiền - Vấn cũng chịu thua.

Sáng mùng hai sau khi "trình diện" cho hàng xóm Tâm có ghé nhà Như Ý hai lần mà không gặp, anh để giấy, hẹn chiều quay lại rồi đi thăm một số họ hàng, chuyển lời chào hỏi của bố mẹ Buổi chiều quay lại nhà Như Ý vẫn thấy tờ giấy còn đó thế là Tâm không biết làm gì, ghé nhà Vấn vừa vặn gặp bàn xì phé, Vấn rủ vào thành tay thứ năm.

Trong 3 ngày tết dù chính thức là nhà nước cấm cờ bạc nhưng khắp nơi đều lập sòng, chỉ những sòng bầu cua cá cọp của dân chuyên nghiệp thì không dám công khai ngoài lề đường phải rút vào trong các ngõ ngách, công an phường biết nhưng cũng làm ngơ cho. Còn trong nhà thì tha hồ, người lớn chơi xì phé, xập xám, tiến lên, các cụ thì tổ tôm, chắn, Các bà ngồi vào đậu chén tứ sắc. Con nít cũng bầu cua cá cọp hay bài cào, nói chung là đi đâu cũng có tụ bài được.

Những năm sống ngoại quốc không hề cờ bạc nên Tâm cũng muốn ngồi vào bàn xem vận may và tài đánh xì phé mình còn được bao nhiêu. Tâm bỏ ra khoảng 1,000,000 đồng còn thơm mùi giấy mới, các tay kia và Vấn cũng đã bỏ ra tương đương từ lâu. Bàn xì phé họp từ trưa, Vấn có vẻ đang thắng. Tâm ngồi chơi một tiếng đã thấy hao nửa tiền, có thể một phần vì lơ đãng nghĩ về Như Ý và Đông Phố, một phần vì bài của Tâm lên rất xấu.

Bên trong nhà giờ Karaoke đã đến, bé Phượng con Vấn năm nay lớp 11 có giọng hát rất hay, vững như ca sĩ, mỗi lần hát xong được tán thưởng nhiều nhất, Tâm ngồi nghe mọi người hô lên "Ếch xào lăn", "Ếch xào lăn" ngạc nhiên hỏi Vấn:

- "Ếch xào lăn" là gì vậy hả Vấn ?, tại sao hát Karaoke mà lại có "Ếch xào lăn" với "Ếch xào dòn" trong đó ?

Vấn cười, giải thích hôm nay có giàn máy hiện đại hơn của người bạn mang đến, hát xong máy tự động cho điểm, từ 90 trên 100 trở lên sẽ được chấm là "excellent", "Ếch xào lăn" là được Việt Nam hóa ra. Tâm chán sòng phé nên thôi không chơi vào trong nghe mọi người hát cho đến buổi cơm tối .

Rời nhà Vấn thấy đã hơn 10 giờ nên Tâm về nhà mình ngủ. Nằm trên giường mà trằn trọc mãi, ngày mai là ngày quyết định thành bại của kế hoạch chàng và ngày mốt phải đưa được chị Minh đi gặp anh Khanh. Đã hai ngày sự xúc động vì lá thư của Đông Phố có bớt đi phần nào, hình ảnh Như Ý lại hiện lên rõ rệt hơn dù Tâm không cố tình nghĩ đến. Giấc ngủ băn khoăn cuối cùng cũng đến với Tâm.

Sáng mùng ba và cũng như mọi lần lúc nào Tâm có ở đó điều gây sự gặp gỡ hay chú ý của mọi người trong nhà. Hôm nay các tiệm phở, tiệm mì bắt đầu mở rải rác, hai ngày ăn bánh chưng đã mệt nên Tâm đến Vấn rủ bạn lên phở Tàu Bay ăn sáng. Tiệm Phở này nằm trên đường Lý Thái Tổ đã có tiếng từ hơn 30 năm nay với các tô tàu bay, tô xe lửa, Thời còn trai tráng Tâm cũng chỉ ăn nổi một tô xe lửa là nhiều, còn Vấn phải hai tô mới đủ. Bây giờ thì không biết tại sức ăn kém đi hay ngày xưa ăn gì cũng ngon miệng hơn, Vấn gọi một tô xe lửa còn Tâm chỉ ăn tô thường. Bát phở vẫn ngon như xưa với thật nhiều hành ngò giá, rau húng và ớt, nước lèo nóng đến phỏng miệng nếu hấp tấp vội ăn. Những kẻ thời thượng thích và quảng cáo phở Hòa đường Pasteur nhưng Tâm thấy nơi đó cho quá nhiều vị tạp như giò, bò viên làm mất cái thuần túy của phở đi, ăn lổn ngổn trong miệng. Một đôi lần Tâm cũng ghé Hiền Vương / Võ thị Sáu để ăn phở gà, mê nhất là chùm trứng non, bé bằng viên bi, phải đi thật sớm mới có.

Thêm một lần hội ý với Vấn cho chiều nay rồi hai người chia tay. Sáng nay Tâm nhất định phải gặp được Như Ý nên đến nhà lúc 9 giờ. Vẫn cánh cửa im lìm làm Tâm nóng ruột, hôm nay đã là mùng ba, sự thăm viếng chúc tết phần lớn đã xong, mà sao Như Ý cùng mẹ lại đi sớm như thế nàỵ Tâm lại một quán cà phê xéo với nhà Như Ý gọi cà phê phin ngồi đợi .

Một giờ rồi hai giờ dài bất tận trôi qua, lòng Tâm chợt nôn nao không yên, có điều gì làm Tâm bất ổn trong người . Chợt dáng người mẹ Như Ý về nhà mở cửa vào . Tâm trả tiền nước băng qua đường gọi chuông. Mẹ Như Ý mở cửa, nhìn vẻ mặt bơ phờ hốc hác, mắt đỏ của bà mà Tâm giật mình, mới năm sáu hôm kể từ lúc gặp ở chợ hoa mà bà đã xuống sắc quá độ, mà lại trong ngày Tết

- Chào bác!
- Chào ông, ông hỏi ai?
- Bác cho cháu hỏi cô Như Ý có nhà không?

Bà mẹ nghe đến tên con, nghẹn ngào
- Ông là ai mà hỏi thăm cháu nó?
- Tên cháu là Tâm, - Tâm bồn chồn quá, linh cảm cho chàng biết có chuyện không hay, ngập ngừng Tâm nói tiếp- Tâm từ bên Pháp về.

Bà mẹ lấy khăn chậm nước mắt
- À cậu Tâm, mời cậu vào nhà! hôm qua có thấy giấy cậu để lại.

Tâm ngồi xuống chiếc ghế mà như lửa bỏng nhất là thấy bà mẹ khóc dấm dứt

- Thưa bác, hôm qua cháu lại đây mấy lần, và hôm nay đến từ sáng, có gọi cửa mà không có Như Ý trả lời, không biết Như Ý có làm sao không bác.
- Cậu ơi ... tội cháu nó lắm, nó đang trong nhà thương.
- Trời ơi, chuyện gì đã xảy ra vậy bác, cho cháu biết đi .

Bà mẹ sụt sùi, thỉnh thoảng lại chậm nước mắt, tiếng đã khản vì khóc nhiều
- Cậu xem thế có khổ thân cháu nó không, sáng qua ngã xe, đập đầu xuống đường bất tỉnh, đem vào nhà thương vẫn còn mê man. Tôi ở đó cả đêm hôm qua mới về đấỵ Tội nghiệp con, hôm qua còn nhắc đến cậu.

Tâm nghe như một mũi dao cắm vào tim mình, bàng hoàng thảng thốt, tiếng nói nghẹn cả đi
- Ôi trời, sao lại như thế được, tội Như Ý quá đi!

Bà mẹ nức nở khóc, Tâm cũng ứa nước mắt
- Xin bác đừng quá đau lòng, bác chắc đã mệt xin bác vào nghỉ ngơi để cháu đi thăm Như Ý, nhà thương nào vậy bác.
- Bệnh viện Thống Nhất đó cậu.

Tâm ngồi nán lại an ủi người mẹ bất hạnh dù chính mình cũng lòng đau như cắt chỉ muốn mọc cánh bay đến nhà thương với Như Ý ngay. Được một lát Tâm từ giã bà, hứa sẽ quay lại để cho biết tình trạng rồi gọi xe đến nhà thương.

Ngày Tết nên nhà thương cũng vắng người trực, Tâm hỏi mãi mới tìm ra phòng Như Ý. Người y tá đưa Tâm vào, ra hiệu cho chàng phải nhẹ nhàng, Tâm cám ơn và lì xì Tết rồi bước vào phòng bệnh. Bệnh viện Thống Nhất trước 75 mang tên Bệnh Viện Vì Dân là nhà thương lớn nhất Saigon thời đó và tới bây giờ, tuy nhiên mười lăm năm không tu bổ giữ gìn nên đã xuống cấp thảm hại. Trong phòng kê sáu cái giường chỉ cách nhau hơn chiều rộng của một cái ghế đặt xen kẽ cho thân nhân thăm bệnh, người ngồi ghế chỉ cần quay đầu sang là có thể nói với cả hai giường, có 3 giường chứa đến 2 người nằm ngược đầu nhau mới đủ chỗ. Vài người đang có gia đình thăm nuôi, nói chuyện rì rào, Tâm đi đến giường cuối theo lời cô y tá.

Như Ý nằm trên giường một mình mê man như đang say giấc ngủ, một tay cắm kim truyền nước biển, một tay quấn băng trắng, mặt mũi không có vết thương có lẽ đập đầu ra phía sau. Tâm ngồi xuống ghế cạnh giường lòng cảm thương xúc động, nhìn nét mặt Như Ý, muốn đánh lừa mình là nàng đang ngủ chỉ cần lay khẽ là thức dậy. Tâm vuốt nhẹ lên tóc lên mặt Như Ý, cầm bàn tay nhỏ nhắn mềm mại như muốn được truyền niềm thương cảm và sức sống của mình sang. Bất giác một giọt nước mắt rớt xuống tay Tâm.

Quên ăn cả buổi trưa mà không để ý, Tâm ngồi bên giường cầm tay Như Ý, thỉnh thoảng lại đưa lên môi, gợi về tâm tưởng bao nhiêu lời nói, ánh mắt, nét cười của Như Ý trong mấy lần gặp gỡ, thì thầm nói lại những mẩu đối thoại của hai người ..."Em nhớ không? lúc anh bị đánh, em lấy khăn nóng ấp mặt cho anh ... em nhớ không hôm đi chợ hoa em mặc áo tím nhạt ..."

Tâm rất lo lắng, theo nhận thức của mình nếu đã hôn mê một ngày có thể rơi vào tình trạng coma, hôn mê bất tận cả nhiều năm. Ngồi đến 3 giờ chàng đi tìm bác sĩ trực để hỏi thăm nhưng người này chỉ trách nhiệm những trường nguy kịch cấp cứu, nên phải chờ ngày mai bác sĩ phụ trách cho Như Ý đi làm mới hỏi thêm được. Cuối cùng Tâm gửi tiền cô y tá coi sóc nhờ quan tâm đến Như Ý nhiều hơn, hẹn ngày mai sẽ lại rồi trở về nhà Như Ý tường thuật và an ủi bà mẹ ít lời, sau đó đến Vấn vì trời đã dần chiều.

Kể lại cho Vấn nghe mọi việc, Vấn cũng tỏ vẻ thương Như Ý không may bị nạn hai lần trong vòng mấy ngày. Sau khi thống nhất lại lịch trình cho chiều nay, Vấn đưa cho Tâm một túi nylon trong đó đựng khăn trải giường và hai bộ quần áo vừa giặt còn ướt và một túi khác dầy hơn to bằng nửa bao gạo cột thật kỹ và nói:

- Chỉ có trời mới biết mày dùng để làm gì, cứ như trong phim ma vậy, tốn không biết bao nhiêu công mới có đó.

Tâm nắn nhẹ vào túi, cám ơn Vấn rồi gọi Taxi về nhà, đi Taxi được cái là ít khi bị cảnh sát chận lại, cũng có lần đã xảy ra nhưng chỉ là làm tiền tài xế thôi. Sau khi ghé ngang khách sạn lấy thêm đồ Tâm về đến nơi lúc 5 giờ còn 1 tiếng nữa là đám múa lân đến theo dự định.

Dấu cái túi cột kỹ vào sau bụi cây trong vườn phía gần garage xong, Tâm mang quần áo ướt ra phơi . Mấy hôm trước Tâm đã bắt 1 sợi giây dài từ tường sau ra đến cây ổi và ngày nào anh cũng mang vài cái quần áo hay khăn trải giường ngâm nước ra vừa phơi vừa nói chuyện với nhà hàng xóm, nên hôm nay họ cũng thấy bình thường dù lần này số vải phơi, thêm phần lấy từ nhà Vấn thành nhiều gấp đôi, ngoài mấy bộ quần áo còn có hai cái khăn trải giường sũng nước treo lên nặng trĩu khó mà gió thốc lên được tạo thành một bức màn che phần vườn nhà Tâm lại, ngăn tầm nhìn từ nhà bên cạnh. Từ phía trên, mái hiên và cành lá xum xuê của cây ổi cũng hợp nên một sự kín đáo nhất thời .

Vừa vặn xong xuôi thì Vấn đến, cho biết đoàn múa lân đang đến ngoài đường cái . Tiếng xình tắc, tiếng chiêng trống bắt đầu vọng lại cùng tiếng hò reo của trẻ con trong xóm chạy theo. Chỉ mười phút sau trong ánh nắng dần nhạt của buổi chiều đoàn múa lân tiến vào trong khuôn viên ngôi biệt thự .

- còn tiếp -

Phạm Doanh

Châu Chấu Lá Dừa

Anh vẫn nhớ ngày nao yêu dấu
Em lấy lá dừa nước màu xanh
Bàn tay khéo kết thành châu chấu
Làm món quà để tặng riêng anh

Anh cất túi giữ gìn tha thiết
Cho đến khi châu chấu úa tàn
Và mùi lá không còn tinh khiết
Phải vất đi rôì tiếc miên man

Cuộc sống chẳng cho mình chung lối
Em thướt tha áo cưới cài hoa
Anh say sưa hoang tàn mỗi tối
Bóng đổ dài đường phố lạ xa

Đã bao lần anh cầm nhánh lá
Giống lá dừa thon thả xanh tươi
Nhưng con chấu anh làm tệ quá
Vò trong tay mà hận cả trời

Rồi những lúc qua đồng cỏ dại
Bồi hồi khi nhìn thấy chấu bay
Lại thấy lòng tiếc thương mãi mãi
Về khung trời đã vuột tầm tay

Về hạnh phúc dại khờ đánh mất
Để chuyện mình thành chuyện khói mây
Ôi sao giữa cánh đồng bát ngát
Lựa chỗ ta ngồi chấu lại đây .

Phạm Doanh

Hư vọng, vũng tối, bóng dầy

Trong vùng tăm tối cõi mù khơi
Đã tắt từ lâu ánh mặt trời
Đối diện bản thân cầu thể hoại
Giã từ nhân thế bạc lòng vôi
Rong rêu phủ kín tình hư ảnh
Dĩ vãng mờ phai mộng loạn lời
Không cần nhắm mắt trong đêm tối
Vẫn thấy hồn hoang quấy nhiễu đời.

Phạm Doanh

Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2008

NGÔI NHÀ CŨ Phần 17-18

NGÔI NHÀ CŨ Phần 17

Tâm đọc hết bức thư thứ nhất, tay run lật bật phải buông tờ giấy, hai tay vuốt mặt ra tới sau gáy vài lần để trấn tĩnh. Vấn gật đầu, đưa cho Tâm cái thư thứ hai

- Phải rồi, Đông Phố đó, lúc tao nhận thư, tao cũng giật mình, không ngờ Phố lại còn giữ địa chỉ của tao .

Tâm cầm phong bì thư, cầm tay Vấn đứng dậy

- Cám ơn Vấn lắm, nhờ mày mà tao liên lạc lại được Đông Phố. Xin lỗi mày và gia đình nhé tao muốn về hotel để đọc lá thư này cho yên tĩnh.

Vấn phản đối

- Ồ mà đến giờ cơm ngay rồi đây này, cả nhà và vợ chồng mấy đứa em cũng tụ họp ở đây để gặp mày đó, về hotel biết khi nào mới quay lại rồi còn đón giao thừa chung nữa.
- Tao ngại đọc ở đây xong không kềm chế được xúc động của mình.
- Thôi vào phòng ngủ tụi tao đóng cửa lại mà đọc, không ai vào đâu .

Tâm cầm lá thư trên tay mà bối rối, về thì phụ lòng mọi người tiếp đón mình, mà đọc ở đây dù trong phòng nhưng cũng rất đông người ở ngoài, cả người nhà và khách khứa nếu lỡ giao động tâm hồn thì ở lì bên trong cũng dở mà ra ngoài cũng dở. Cuối cùng Tâm quyết định:

- Thôi vậy để đón giao thừa xong, về lại hotel tao sẽ đọc.

Tâm cất lá thư vào túi áo, Vấn cười nói

- Sao mà nhịn giỏi thế.

Vừa lúc đó các em và khách của Vấn lục đục đến. Ai cũng hỏi thăm Tâm vì nghe Vấn nói về anh rất nhiềụ Tâm cố giữ vẻ bình thản để tiếp chuyện mà trong lòng như lửa đốt, thỉnh thoảng lại để tay lên túi áo như sợ lá thư biến đi. Cỗ bàn nấu rất ngon có các món đặc sản Đà Nẵng do bên đằng vợ Vấn mang lên, mà Tâm không có đầu óc nào để thưởng thức, chỉ ăn để mọi người khỏi phải mời mọc nhiều mà không thấy ngon miệng lắm. Như để trấn tĩnh tâm hồn giao động bất giác Tâm uống bia nhiều hơn bình thường theo cái tiếng "dzô" trên bàn.

Bữa tiệc kéo dài đến 10 giờ rưỡi tối. Ăn xong mọi người vặn Karaoke lên hát chờ giao thừa, trong nhà chỉ còn gia đình Vấn và các em còn khách về nhà chuẩn bị đón năm mới.
Trong không khí đông đảo đoàn tụ đó, Tâm dù rất nóng ruột cũng phải tự kềm chế mình để hoà đồng với mọi người. Lần đầu tiên hát Karaoke vì không chối từ được, giọng ca nghiệp dư của Tâm cất lên chẳng ăn nhập gì với nhạc đệm làm mọi người cười vang nhà, một phần vì Tâm không nhớ lời bài hát cứ phải chờ đọc theo chữ xuất hiện trên màn ảnh TiVi , nhất là trẻ con hàng xóm không cần nể nang cứ lăn ra đất mà cười. Tâm gồng mình hát được nửa bài rồi chịu thua, trả lại micro cho người khác hát tiếp.

Càng gần giao thừa tiếng pháo lẻ tẻ càng nhiều do lũ con nít ddốt trước, Vấn năm nay cũng chuẩn bị 3 thước pháo. Và rồi cùng với tiếng chuông nhà thờ, chuông chùa, chuông trong đài truyền hình được vặn hết cỡ, khắp Saigon cùng đốt một lượt, tiếng pháo nổ ầm vang khắp nơi, người người đều đốt, nhà nhà đều đốt. Vì có tin đồn một hai năm nữa chính phủ sẽ cấm đốt pháo nên mọi người càng mua nhiều để đốt cho thỏa. Nhà đối điện với Vấn của anh Công An khu vực đốt nhiều đến nổi lửa bén vào lá cờ to nhất xóm cháy như đuốc. Anh chàng dập lửa xong, mặt mũi tiu nghỉu, mọi người trong khu vực đứng coi cười thỏa thuê, chắc anh Công an ngày mai phải chạy đôn đáo kiếm lại lá cờ nếu không là phạm kỷ luật nhà nước.

Tiếng pháo và sự hồ hỡi trên nét mặt của người chung quanh làm Tâm vui lại. Đốt hết 3 thước pháo Vấn mời Tâm vào xông nhà. Cảm vì lòng mến bạn của Vấn Tâm lại phải ngồi nán lại nửa giờ sau khi chúc mừng mọi người và phân phát tiền lì xì. Phong bì lì xì của Tâm mỏng dính không dầy như của những người khác, Tâm để đô la cho nó nhẹ .

Không muốn cho Vấn phải đưa mình về vì gia đình còn đi lễ, Tâm mượn Honda tự lái về khách sạn. Hơn một giờ mà vẫn tạch đùng tiếng pháo lẻ, mùi thuốc pháo vương vương khắp đường phố, chùa Xá Lợi đường Bà Huyện Thanh Quan dầy đặc người đi hái lộc đầu năm còn trong chùa thì không có chỗ mà chen.


..... Một giao thừa xa xôi thuở trước, Tâm theo người con gái thành tâm vào chùa lễ phật. Tâm hỏi nàng

- Đông Phố muốn cầu nguyện điều gì?
- Em không nói cho Tâm biết đâu .
- Cho anh biết để anh cầu chung với, hai người cùng xin một việc thì phật sẽ dễ cho hơn chứ.
- Tâm phải biết em muốn xin gì chứ! Tâm xin chung với em đi.

Làn khói của trầm hương bay mờ ảo như màn sương, người ta đốt thật nhiều như cho rằng cứ đốt nhiều là được nhiều phúc, có người đốt cả bó to bằng hai bàn tay chụm lại làm các vị sư trong chùa phải dùng máy phóng thanh mà yêu cầu đừng đốt nhiều như thế nhưng sự mê tín vẫn nặng hơn lời nói của thầy.

Đông Phố quỳ xuống lộ hai gót sen trắng hồng làm Tâm thấy bồi hồi, quỳ theo nhưng về phía đàng sau, mải mê ngắm chứ có biết khấn nguyện gì. Con trai tuổi 18 chưa có lòng tín ngưỡng, chỉ chiều theo người yêu mà vào, còn Đông Phố nét mặt rất thành tâm, lâm râm khấn, rồi gõ vào cái mõ vài tiếng mới chịu đứng dậỵ

- Tâm hư lắm, sao lại quỳ đằng sau em, lần sau em không chịu đâu .
- Phố tha cho anh, tại anh chưa thấy lòng bàn chân Phố bao giờ.
- Tâm này! à Tâm có cầu gì không?
- Có Phố ơi .
- Xin gì? nói cho em nghe với .
- Cầu cho mình ra cửa vẫn tìm lại được giầy dép
- Trời, Tâm ... anh ... đùa quá đi tội chết.

Đông Phố đấm vào vai Tâm thình thịch.

- Không chơi với Tâm nữa đâu
.....

Một tiếng còi cảnh sát ré lên làm Tâm giật mình về lại hiện tại. Một người cảnh sát giao thông từ lề bước ra chận xe Tâm lại, ngoắc vào bên trong.

- Anh có biết anh vừa vượt đèn đỏ không?
- Thưa không, tôi nhớ lúc đó vừa vàng mà, vả lại con đường ngang thật vắng.
- Tôi thấy đỏ là đỏ, anh không được cãi lại .

Tâm nghĩ thầm, điệu này lại kiếm tiền tiêu tết đây, để cho qua dù biết chắc là không phải mình vượt đèn đỏ.

- Vâng thế thì tôi phải đóng phạt bao nhiêu ạ.
- Yêu cầu anh cho coi giấy tờ và giấy xe .

Tâm tái mặt vì xe mượn đâu có cầm giấy tờ theo, người cảnh sát nghe nói xe mượn lại càng làm tới đòi bắt Tâm về bót để điều tra xem có phải xe ăn trộm không. Tâm phải nhỏ nhẹ

- Thưa anh, tôi đã bằng lòng đóng phạt, hay cho tôi đóng thêm tiền vì để quên giấy xe ở nhà vậy.

Người cảnh sát chợt chỉ vào sắc tay của anh hỏi:

- Anh mang cái gì đi đường thế này, đưa tôi khám coi ?

Tâm cực chẳng đã phải đưa ra, người cảnh sát mở túi ra xem, càng được thể

- Đêm giao thừa mà anh mang vật này theo làm gì đây, có gian ý phải không?
- Tôi mới mua lúc trưa định mang theo về Pháp làm quà, nhưng vì lại nhà người bạn ăn tối và đón giao thừa nên không kịp mang về khách sạn cất đấy thôi.

Tâm phải rút passport và giấy đăng ký ở hotel ra đưa cho anh ta xem để chứng minh mình là việt kiều và kèm vào đó tờ 10USD. Thế rồi cũng xong. Tâm lên xe đi tiếp mà vừa bực vừa lo, nhưng anh lại nghĩ người đó là cảnh sát giao thông chắc không để ý nhiều mà tường trình lại cho công an về món vật thấy trong túi xách của mình đâu .

Về lại đến khách sạn, cái ngà ngà của những chai bia lúc tối đã biến mất trên đường gió mát nhất là sau khi bị cảnh sát hỏi chuyện khó dễ. Tâm bồi hồi lấy lá thư ra xem

"Ottawa, ngày ...

Tâm thương mến,

Nếu Tâm nhận được thư này thì em thật là cám ơn trời phật. Bao lâu rồi mình không gặp nhau Tâm nhỉ. Không biết bây giờ anh ra sao? Mong anh vẫn khỏe mạnh.
O Liên viết thư sang nói Tâm về nhà tìm em - O có thấy anh mà không kịp nói chuyện - em rất cảm động. Tâm vẫn còn nhớ đến em sao?

Chuyện ngày xưa như một cơn mơ phải không Tâm, thoáng thế mà bây giờ hai đứa đều sắp 40, vẫn nghìn trùng xa cách, có điều đều ở nước ngoài ....
Cuộc đời mỗi người theo một cơn gió cuốn đi, Anh Hân chồng em chết trong khi đi học tập cải tạo. Em sang Canada được 6 năm rồi, từ đó đến giờ vẫn thế, một mình cũng đã quen rồi, đời sống vật chất thì tạm ổn định, còn tinh thần thì ... thôi thư đầu cho em khất chuyện này nhé.

Còn anh thì thế nào, anh vẫn bên Pháp hay đã sang nước khác, khi viết thư này em chợt nghĩ biết đâu anh sang Mỹ, Canada hay ở ngay Ottawa này ? nhưng Tâm ơi, chắc không có tình cờ nào ảo diệu như thế đâu phải không anh?

Em không thể diễn tả hết trong thư những xáo động trong lòng em khi biết Tâm vẫn tìm em.
Tâm ơi, em băn khoăn rất nhiều khi viết cho Tâm. Chuyện mình vui ít hơn buồn. Nửa không muốn làm xáo dộng đời sống anh nếu anh đã có gia đình, nhưng ngược lại nếu anh vẫn còn nhớ em vẫn đi tìm mà em không cho Tâm biết em ở đâu thì bứt rứt lắm.
Thư không cạn lòng, gửi anh địa chỉ và số điện thoại. Trong trường hợp Tâm đã có đời sống lứa đôi êm đềm, em xin chúc mừng cho Tâm và mong Tâm quên hẳn em đi, còn không ...

Chúc anh trong năm mới được mọi điều tốt đẹp nhất.

Đông Phố
"


Tâm đọc lá thư mà từng lời nghe như Đông Phố ngồi bên cạnh nói với mình, hai giọt nước mắt lăn trên má Tâm nhỏ xuống tờ giấy, Tâm nằm vật xuống giường cắn chặt gối để ngăn tiếng khóc của mình.
Thật là một sự đùa giỡn oái ăm của ông trời, bao nhiêu năm thương nhớ tìm kiếm, đến lúc tuyệt vọng lại nhận được tin. Đông Phố vẫn ở một mình, vẫn còn tình cảm năm xưa và bây giờ hai đứa đều ở ngoại quốc và đã lớn không còn sợ ràng buộc vì quan hệ họ hàng. Đông Phố ơi, tại sao thư này không đến sớm vài hôm hay tại sao đừng xảy ra chuyện tai nạn hiểm nghèo cho Tâm và Như Ý để tình anh vừa trao gởi cho người con gái đó.
Đầu óc Tâm như điên lên được, hình ảnh hai người anh thương mến dằng xé nội tâm, Tâm đấm mạnh vào tường trong cơn đau hận.

- Như Ý ơi, Đông Phố ơi, anh phải làm sao bây giờ?

Tâm cuồng lên, quăng gối quăng giỏ chỉ muốn chạy ào ra đường gây chiến với cả loài người. Nếu bây giờ mà 3 tên hôm trước gặp Tâm chắc là có cuộc quyết đấu sinh tử. Hai bàn tay bưng lấy mặt Tâm quỵ xuống sàn nhà, gục đầu lên nệm, nước mắt nhỏ qua kẽ tay xuống cả giường. Ngoài trời tiếng pháo lẹt đẹt như tiếng súng năm xưa, khi Tâm và Đông Phố gặp nhau lần cuối .


NGÔI NHÀ CŨ Phần 18

Tiếng con nít chạy đuổi nhau, hò hét ầm ầm làm Đông Phố thấy chóng mặt, mấy hôm không ngủ được lại càng làm cho nàng mệt trong người, ăn món gì cũng khong thấy ngon nhưng phải gắng gượng dể làm vui lòng Phong. Phong là con trai duy nhất trong gia đình nên cũng như năm ngoái phải có mặt trong bữa tiệc đón giao thừa trong nhà. Bốn cô em gái đều lập gia đình, ai cũng 3,4 đứa con, phần lớn là cùng lứa tuổi tiểu học nên tụ lại là phá như giặc. Nhiều khi Đông Phố cũng thèm một đứa con dể nâng niu, nàng tự hỏi không biết khi mình nuôi con có để chúng khó dạy như những đứa cháu Phong không. Bố mẹ Phong chưa có cháu đích tôn nên hay thúc dục Phong lấy vợ, còn các cô em của Phong có ý ghen tức với Đông Phố, không biết có phải vì nhan sắc của họ dưới trung bình và chồng họ dù học xong đại học cả nhưng không ai là bác sĩ và kiếm nhiều tiền như Phong không ?

Lúc chiều khi Phong đến đón nàng đưa về nhà, Đông Phố hơi mệt nên vào phòng ngủ dành cho khách nghỉ một chút. Vừa lúc nàng thấy bớt, đi xuống bếp để coi có việc gì làm không, đến chân cầu thang gần bếp nàng thoáng nghe Vân em út Phong nói

- Coi bà chị dâu tương lai tôi ngoan không, đến nhà là nằm ườn ra cho người khác hầu.

Thúy, chị Vân, cũng hùa theo

- Người ta đẹp đẽ như vậy mà đụng đến móng tay sao, anh Phong nhà mình sau này tha hồ mà làm nội trợ nhé.

Liên chị lớn đang cười cùng hai em, chợt thấy bóng Đông Phố xuống nhà bèn suỵt hai đứa để im lại. Đông Phố bước vào bếp:

- Chị muốn phụ một tay, chỉ cho chị làm gì đi .

Liên giả lả, trong khi hai cô kia làm như không thấy Đông Phố:

- Chị Đông Phố cứ ở trên nhà chơi đi, chị là khách mà.
- Vẫn coi chị là khách sao?
- Ấy chết, em lỡ lời thôi, nhưng chẳng có gì cho chị làm cả.

Đông Phố thấy không khí nặng nề nên cũng không nán lại, chỉ nói:

- Thôi thì chị mang bó hoa nằm đằng kia ra cắm trong phòng khách và phòng ăn nhé.

Liên nói thật khéo

- Vâng, nhờ tay chị một tí.

Trong bữa ăn thịnh soạn, nhưng đa số là các món đặt nhà hàng chỉ có Phong ngồi cạnh là săn sóc nói chuyện với Đông Phố, còn mấy người đàn bà nói chuyện với nhà như sáo nhưng vẫn thỉnh thoảng lườm chồng khi thấy họ nhìn hay nói với Đông Phố làm họ cũng không dám tiếp chuyện với nàng.

Mẹ Phong ngồi đối diện Phong hỏi:

- Khi nào các con định làm đám hỏi, khi nào làm đám cưới?

Phong đưa mắt nhìn Đông Phố, Đông Phố nhìn xuống bàn không nói. Phong ngập ngừng:

- Thưa mẹ, chúng con lớn rồi nên đám hỏi và cưới chắc làm chung một lần.
- Vậy thì khi nào? Mẹ Phong hỏi lại .

Phong lại đưa mắt nhìn Đông Phố trong lúc các cô em đưa mắt nhìn nhau; Phong nói

- Chúng con cũng chưa tính mẹ ạ .

Vân chanh chua chen vào

- Chắc anh Phong muốn tính lắm rồi nhưng có người còn treo giá đó thôi.

Thúy lẩm bẩm trong miệng nhưng cũng đủ cho mọi người nghe:

- Gớm, bốn bó rồi mà treo mãi .

Phong chau mày nhìn hai cô em, tỏ ý không bằng lòng còn hai ông chồng đưa mắt với nhau và lắc đầu rất nhẹ, nhưng mấy cô vẫn trơ trẽn cười nói .
Đông Phố nghe miếng đậu hũ vừa nuốt hình như kẹt lại trong cổ họng, nàng phải cố nuốt mạnh và uống một hớp nước cho trôi. Chợt thằng bé Coco con của Vân từ đâu đến nắm tay áo nàng giật mạnh làm đổ súp ra bàn và bàn tay nàng cầm thìa rơi xuống trúng đầu thằng bé. Nó khóc thét lên làm Vân thất thanh rú lên một cách rất kịch:

- Ôi chết con tôi rồi

chạy đến bế nó, vừa dỗ vừa đay nghiến

- Người đâu mà ác, đánh con nít bằng thìa, hèn chi chẳng đẻ đái gì đuợc.

Cả bàn im re, không ai phản ứng, Tiến chồng Vân ngượng quá, kéo Vân và thằng bé vào phòng trong.

Đông Phố lặng người đi một lát rồi đứng lên:

- Con xin phép hai bác. Anh Phong đưa Đông Phố về đi .

Phong định giữ Đông Phố lại nhưng ông bố thấy tình thế khó cứu vãn trong ngày hôm nay, nhìn Phong gật đầu ra hiệu:

- Con đừng chấp em nó, nó xót con nên nói bậy. Phong đưa Phố về rồi quay lại đón giao thừa và cúng ông bà nhé.

Đông Phố chào mọi người rồi ra xe với Phong. Trên suốt đoạn đường về nhà nàng, Phong cố gắng nói để Đông Phố đừng giận. Đông Phố chỉ im lặng nghe. Đến nhà Phong mở cửa xe cho nàng xuống , nàng nói mà không nhìn Phong:

- Anh để cho Đông Phố một mình mấy ngày nhé, Phố sẽ gọi anh khi nào Phố tìm lại quân bình đầu óc.

Phố vào nhà, Phong còn đứng ngần ngừ một vài phút rồi lên xe, vẻ mặt đầy dấu hỏi và dấu than.

Đông Phố thay quần áo, rồi ngồi thừ trước bàn phấn, câu nói độc địa của cô bà cô, em gái Phong, làm Đông Phố đau xót. Thời gian mấy năm với người chồng đầu tiên nàng không có thai mặc dù từ khi cưới đã không ngừa gì cả, nhưng lúc đó nàng chưa quá 25 nên không cho đó là điều đáng lo, nhưng từ khi biết Phong muốn xây dựng với mình, Đông Phố đã đi khám bác sĩ và họ cho biết là khả năng có con của nàng rất ít dù không phải là không thể được. Nhưng càng quá 40 thì càng ít hy vọng. Nàng đã cho Phong biết điều này, Phong vì quá say mê nàng nên đưa ra mọi khả năng mà y khoa có thể làm được như thụ thai trong ống "in vitro" vân vân.

Đông Phố nghĩ với Phong có thể vài năm đầu Phong sẽ thấy hạnh phúc nhưng liệu hôn nhân đó có bền không nếu nàng không sinh nở được. Đông Phố cảm thấy những người đàn ông yêu nàng đều khổ, chồng nàng chết sau vài năm lấy nhau, dù bất hạnh của hai người nằm trong bất hạnh của cả nước nhưng ngay cả người được Đông Phố yêu thương tha thiết là Tâm chắc cũng không có hạnh phúc, trừ vài năm ngắn ngủi bên nhau trong tình yêu áo trắng.

Lần cuối gặp nhau, Tâm vì tôn trọng hoàn cảnh nàng đã có chồng và người chồng đang kẹt trong vòng lửa đạn nên không nói nhiều về Tâm cho Đông Phố nghe, nhưng hai người đã có những tình cảm ngút ngàn với nhau nên chỉ vài câu nói và gương mặt, ánh mắt chứa niềm tuyệt vọng của Tâm cho Đông Phố biết là cho đến lúc đó Tâm vẫn yêu nàng tha thiết và vẫn đau khổ vì mối tình đầu trong trắng tuổi học trò, mối tình dang dở vì quan hệ họ hàng.

Hôm nói chuyện với mẹ từ Mỹ sang, Đông Phố có nói đến việc O Liên, người làm cũ, viết thư cho biết Tâm tìm đến nhà mình ở Sàigòn. Nàng cũng nói về tâm tình của mình đối với Tâm, bà mẹ lúc đầu theo phản ứng tự nhiên như ngày xưa, không muốn Đông Phố gặp lại người anh họ xa này, bà cũng khuyên con nên nhận lời cầu hôn của Phong cho mau.
Đông Phố ôm mặt khóc mãi làm bà cuối cùng chép miệng:

- Đúng ra mẹ cũng thương thằng Tâm và biết hai đứa thương nhau lắm. Dù vậy ngày xưa con về với nhà chồng vẫn trọn tình trọn nghĩa. Nay hoàn cảnh lại có thể cho hai đứa tái hợp thì mẹ cũng chẳng khó khăn làm gì. Hai đứa cũng gần 40 rồi, vả lại bên này chẳng có họ hàng nào dèm pha cả, mỗi người có đời sống riêng. Hai con có họ xa 3,4 đời nên có lấy nhau cũng không sao. Ngày xưa mẹ ngăn cản vì mình sống ở Vietnam trong hoàn cảnh khác, còn bây giờ miễn là hai đứa có hạnh phúc. Mẹ chỉ ngại Tâm đã có gia đình rồi. Con hãy từ từ mà tìm hiểu thêm, đừng chen vào gia đình người ta.

Đông Phố nhìn mình trong gương, tự hỏi gặp lại Tâm thì sẽ như thế nào. Cũng như đối với Tâm, tình yêu của hai người là mối tình đầu thật trong sáng. Bình thường thì đàn ông con trai ích kỷ, chỉ muốn hưởng thụ, muốn là người đàn ông đầu tiên trong đời của người mình yêu. Trước khi đám cưới Đông Phố đã định liều, định cho Tâm tất cả rồi ra sao cũng được. Nàng còn trong trắng khi lấy chồng là Tâm đã giữ cho nàng.

Đông Phố lớn hơn Tâm một tuổi nên khi gặp nhau, nàng đã là một thiếu nữ 17, đã có bao người theo đuổi, toàn là sinh viên Dược, Y trong đó có chồng nàng. Lúc đó Đông Phố tưởng là đã yêu Hân, nhưng sau này gặp Tâm mới biết đó chỉ là những cảm giác sung sướng, hãnh diện vì có người theo đuổi chiều chuộng, làm thỏa mãn niềm tự cao của một người con gái xinh đẹp .

Trong thời gian đầu quen nhau nàng coi Tâm như em, nhưng lại rất thích khuôn mặt sáng đẹp và cái tính ngang ngang của người con trai mới lớn, và đầu óc mơ mộng làm cách mạng đổi đời. Rồi tình yêu đến lúc nào không biết chỉ biết mỗi tuần phải gặp nhau vài lần không thì không chịu được, rồi chứng tích của cuộc tình là nụ hôn ngây ngất trong hầm cát chống đạn pháo kích. Càng ngày Tâm càng thành người lớn và Đông Phố cảm thấy mình ngưng trưởng thành để đợi Tâm.

Chuyện hai gia đình can thiệp vào để tách rời hai đứa rồi cũng thành công. Trước khi Tâm đi du học Đông Phố lại nhà dở valise Tâm ra để xếp lại từng chiếc áo, chiếc khăn mà nước mắt không cầm được chan hòa trên má nhỏ xuống quần áo Tâm.

Phần Hân vẫn kiên tâm dù nàng đã gần như quên anh. Sau khi Tâm đi, Đông Phố đã bao lần viết thư mà không có hồi âm, do gia đình khuyên bảo và sự đưa đón chiều chuộng của Hân, cuối cùng Đông Phố thuận lấy Hân khi Hân ra trường.

Tiếng chuông đồng hồ nửa đêm kéo Đông Phố trở về hiện tại "Tâm ơi, Tâm ơi" Đông Phố gọi nhỏ.

- còn tiếp -

Phạm Doanh

Nụ hôn đầu

Suốt đời anh nhớ mãi nụ hôn đầu
Mười tám tuổi ôi vụng về biết mấy
Môi tìm môi mà lòng nghe lau sậy
Rung rung trong cơn lốc yêu đương
Tim đập như những hồi trống tan trường
Mồ hôi rịn trong bàn tay khờ dại
Lòng hoang dã như thú rừng sa bẫy
Trong mùi thơm ngào ngạt của môi em
Quyện trong hương dạ lý tỏa êm đềm
Nụ hôn đó cho anh thành người lớn
.......
Rồi năm tháng vẫn lạc loài nơi chốn
Quê hương người ta một kiếp lang thang
Giữ trong tim như giữ một kho vàng
Nụ hôn ấy trong một đêm thần thoại .

Phạm Doanh

Gió vồng bụi đỏ

Hàng cây khô lá ven đường
Gió vồng bụi đỏ về phương hướng nào
Kiếp người còn mãi xanh xao
Nụ hồng chưa nở đã hao thân gầy
Mưa sao chẳng dạt về đây
Để hằn nứt nẻ luống cầy khô khan
Cát bay sa mạc ngút ngàn
Ta về ôm nỗi điêu tàn phá thân.

Phạm Doanh

Túy Ca - Tình Khúc Người Say (15)

Vỉa hè trơn,
vỉa hè trơn
Ngọn đèn phố vắng chập chờn bóng cây
Trợt chân đạp trúng vũng lầy
Lấm người không sợ, lấm giầy chẳng nao
Khung trời
lấp lánh ngàn sao
Tìm xem Bắc Đẩu Nam Tào ở đâu
Mười năm nuôi mãi mối sầu
Để cho nét mặt đã nhầu nếp nhăn
Khoanh tay ôm dáng nguyệt hằng
Ngả nghiêng điệu nhạc, nhập nhằng bước chân
Chợt em,
thấp thoáng xa gần
Nửa phần thương hại, nửa phần như khinh
Này em, quay gót bạc tình
Còn về chi nữa,
để rình rập tôi?
Mái hiên kia có chỗ ngồi
Một bầy con nít nói cười xung quanh
Bập bềnh tâm tưởng bập bềnh
Bập bềnh ...
thân thể ...
bập bềnh ...
Em ơi!

Phạm Doanh

Haiku

Haiku về Thiền như một viên đá ném (hay không ném) xuống mặt hồ phẳng lặng. Ném là Thiền mà không ném cũng là Thiền, miễn là (không) thấy được vòng đồng tâm.

Hành động cầm dùi đánh vào chuông cũng có cùng ý nghĩa với việc không dùi không đánh vào chân không.

Haiku không phải là một phim bộ dài dòng mà là một tấm ảnh chụp lấy một khoảng khắc, một trừu tượng, một tư duy, nên nhiều khi vài chữ cũng đủ. Cái hay và khó hay của Haiku là ở chỗ đó. Đọc một bài thơ Haiku hay như nghe một tiếng khánh cô đọng thật ngắn gọn nhưng ngân nga, để lại ấn tượng lâu trong tâm hồn người.


1.
Con hạc hồng kiêu sa
Trầm mình trong dòng suối nước nóng
Chỉ còn lại bộ da

2.
Người chiết tự trong đêm
Chữ bình tâm loay hoay xếp mãi
Quên ngày mới vừa lên

3.
Ngư ông không dụng mồi
Con Koi bạc chưa hề sứt mép
Chiều nay về cơm chay


4.
Xếp chân mong thiền tọa
Ruồi đậu bàn tay, vỗ bàn tay
Tâm tịnh mất khi nàỵ


5.
Khua nước xóa tan hình
Dễ hơn đập tấm gương soi mặt
Mình chẳng tự mê mình.


6.
Che mặt trời năm ngón
Có hai tay cũng giống một tay
Chẳng thấy đến lông màỵ

7.
Con chim ưng mỏi cánh
Tạm dừng chân trên ngọn đỉnh trời
Nhìn về phía xa xôi .

8.
Cò trắng đứng một chân
Đại thử thử đại, đại thử dại
Túi trước bụng trống không.

9.
Người Trang Tử vỗ bồn
Ta từ nhỏ một đời nghi hoặc
Cogito, ergo ?

10.
Giá áo và túi phân
Vùng kinh điển đốt hoài chẳng hết
Về đi, tập đánh vần!

11.
Tình như hạt mưa rơi
Rơi trên mặt đất, thấm lòng đất
Có khi thấm lòng người .


12.
Nước chảy đá cũng mòn
Ta góc cạnh từ khi nhập thế
Nay thành viên sỏi tròn.


13.
Nhắm mắt và mở mắt
Nội tâm, ngoại giới tiếp liền nhau
Nơi nào ít khổ đau ?


14.
Tiền thân dù bồ tát
Hậu vận trăm năm vẫn mịt mùng
Bây giờ là túi cơm.


15.
Mùa thu cành thay lá
Con rắn già biết cách lột da
Nhưng Trịnh Công Sơn chết.


16.
Lữ khách đứng trên cầu
Nhìn nước lũ cuốn đi ảo vọng
Hỏi sao bóng không trôi.

17.
Tay khoanh vòng Thái Cực
Chút nhân duyên để lọt ra ngoài
Tình ơi là tình ơi.

18.
Hạt sương trên cánh hồng
Cành Bonsai nghiêng về phía nắng
Giọt nến đọng đêm qua.


19.
Bôn ba tìm cõi Phật
Giữa đường vứt trái tim tên cướp
Chết thành con bìm bịp.

20.
Tượng gỗ chùa Tây Phương
Niềm khắc khoải hằn lên nét mặt
Niết Bàn là thế ư ?


21.
Người lên núi định thiền
Nghe gọi tên vẫn còn quay lại
Khi nào mới vô danh?

22.
Khoanh hai tay bái Sư
Phật đứng tránh sang không nhận lễ
Hai tay bái hư không.

23.
Đến cổng chùa nghe đạo
Sư trụ trì bế môn tiễn khách
Phật cả cười Phật thăng.

24.
Quay nhanh vòng Bát Quái
Muốn hoà tan Lưỡng Nghi thành Thái Cực
Cửa nào là cửa Khôn?

25.
Đi cùng Sư bái Phật
Cửa đóng, Phật từ tâm nhắn nhủ:
"Kiếp sau đến một mình!"

26.
Buổi sáng nhìn sang cạnh
Cám ơn đời vì vẫn có em
Mùi cà phê thơm ngát

27.
Cứ mỗi độ vào thu
Lại cùng Thanh Tịnh đi đến trường
Và ngâm Lưu Trọng Lư


28.
Cư sĩ hỏi Thiền sư
Khi nào là giác, khi nào ngộ
Thiền sư nhổ nước bọt

29.
Cư sĩ hỏi bóng mình
Khi nào là giác, khi nào ngộ
Bóng lập lòe lặng thinh

30.
Một đời nguời tự hỏi
Khi nào là giác ngộ, khi nào ?
Cư sĩ, Cư sĩ ơi!


31.
Khuấy nước trong cho đục
Khi nào không soi thấy bóng mình
Là khi hết nắng trời.


32.
Chờ nước đục thành trong
Để nhận định ra chân bản ngã
Chờ bao giờ mới xong?


33.
Người da trắng, vàng, đen
Năm ngón tay, ngón dài ngón ngắn
Tro bụi chỉ một màu.

34.
Vẽ tranh không nhúng mực
Hoàng hạc bay ngang trời lặng gió
Hoàng hạc bay, mây trôi.


35.
Cứ muốn tả rừng thu
Lại thấy con nai vàng ngơ ngác
Đành thua Lưu Trọng Lư.

36.
Bên ngoài tuyết bay bay
Tình nồng ấm dù trời giá lạnh
Nên tuyết tan trong tay.


37.
Tình thôi hết ân cần
Gặp lại người ánh nhìn xa lạ
Ta về thành phế nhân.

38.
Đôi hài cỏ Basho
Ngàn năm dấu vết chẳng phai mờ
Tạc vào thiền, vào thơ.

39.
Tiếng dương cầm lạc điệu
Ngươì đánh và người nghe câm điếc
Không cần kẻ thứ ba.

40.
Biết cố công mài sắt
Có ngày cũng thành được cây kim
Nhưng nếu mua, nhanh hơn !

41.
Tiếng mưa đều trên mái
Tiếng xịch tắc xe mì bán dạo
Tiếng kinh cầu trong đêm.

42.
Hổ ba chân trên núi
Cất tiếng gầm tiếc thuở dọc ngang
Tiếng thở dài vọng lại .

43.
Gió thì thào lau sậy
Người tìm đạo trầm ngâm bất quyết
Quay gót hay qua sông ?

44.
Quay đầu lại là bờ
Mây ngừng trôi mây tan thành nước
Qua sông cũng đến bờ .


45.
Mấy hôm không còn gạo
Chai thuốc ngủ trên bàn mở nắp
Mắt người buồn như kinh .

46.
Một ngày làm hai ca
Như cây nến đốt cả hai đầu
Giọt nến chảy thành dòng.

47.
Con muỗi bay vu vơ
Samurai chém hai nhát kiếm
Con muỗi vẫn thờ ơ.

48.
Mổ cho sạch túi phân
Mà không sạch tâm hồn nhiễm độc
Khâu lại để làm chi?

49.
Suốt đời trong thung lũng
Sao biết được phía bên kia đồi
Có những điều mới lạ.


50.
Bão đại dương chuyển sóng
Bão sa mạc mịt mùng dậy cát
Bão lòng chuyển hồn tôi.

51.
Người nay đã ngút ngàn
Lúc chia tay đem theo tất cả
Tiếng chuông rền ta mang .

52.
Tay không hề ném đá
Sóng đồng tâm tỏa nhẹ trong hồn
Mặt hồ tựa tấm gương.

53.
Mùa Xuân chừng đến muộn
Cỏ cây chờ, người cũng chờ trông
Hạt lúa sắp nẩy mầm.

54.
Nhắm mắt chói hào quang
Bịt tai vẫn nghe ngàn tiếng động
Lấy gì để tịnh tâm.


55.
Diều ngạo nghễ tung trời
Chiếc sáo làm sai không ra tiếng
Người thả diều cắt dây.


56.
Bình rượu đổ chan hòa
Co quắp như bào thai, run, lạnh
Tiếng sói rú từ xa.


57.
Người lộng ngữ vọng danh
Hay lộng ngữ vì chuyện không thành
Suốt đời cứ quẩn quanh

58.

Trong tâm thiền an lạc
Một cánh hoa rơi xuống mặt hồ
Cũng ngân ngàn tiếng nhạc.


Phạm Doanh

Lạc chốn quan hà

Lạc chốn quan hà dạ tái tê
Lang thang chưa biết lúc nao về
Bao ngày lữ thứ mòn chân bước
Mấy buổi phiêu bồng bạc gối kê
Nào biết nơi đâu là cố quận
Dù tin người đó giữ câu thề
Giọt sương trắng đọng cành trúc bạc
Thấy đời chưa hết nghiệp đam mê.

Phạm Doanh