Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2008

NGÔI NHÀ CŨ Phần 17-18

NGÔI NHÀ CŨ Phần 17

Tâm đọc hết bức thư thứ nhất, tay run lật bật phải buông tờ giấy, hai tay vuốt mặt ra tới sau gáy vài lần để trấn tĩnh. Vấn gật đầu, đưa cho Tâm cái thư thứ hai

- Phải rồi, Đông Phố đó, lúc tao nhận thư, tao cũng giật mình, không ngờ Phố lại còn giữ địa chỉ của tao .

Tâm cầm phong bì thư, cầm tay Vấn đứng dậy

- Cám ơn Vấn lắm, nhờ mày mà tao liên lạc lại được Đông Phố. Xin lỗi mày và gia đình nhé tao muốn về hotel để đọc lá thư này cho yên tĩnh.

Vấn phản đối

- Ồ mà đến giờ cơm ngay rồi đây này, cả nhà và vợ chồng mấy đứa em cũng tụ họp ở đây để gặp mày đó, về hotel biết khi nào mới quay lại rồi còn đón giao thừa chung nữa.
- Tao ngại đọc ở đây xong không kềm chế được xúc động của mình.
- Thôi vào phòng ngủ tụi tao đóng cửa lại mà đọc, không ai vào đâu .

Tâm cầm lá thư trên tay mà bối rối, về thì phụ lòng mọi người tiếp đón mình, mà đọc ở đây dù trong phòng nhưng cũng rất đông người ở ngoài, cả người nhà và khách khứa nếu lỡ giao động tâm hồn thì ở lì bên trong cũng dở mà ra ngoài cũng dở. Cuối cùng Tâm quyết định:

- Thôi vậy để đón giao thừa xong, về lại hotel tao sẽ đọc.

Tâm cất lá thư vào túi áo, Vấn cười nói

- Sao mà nhịn giỏi thế.

Vừa lúc đó các em và khách của Vấn lục đục đến. Ai cũng hỏi thăm Tâm vì nghe Vấn nói về anh rất nhiềụ Tâm cố giữ vẻ bình thản để tiếp chuyện mà trong lòng như lửa đốt, thỉnh thoảng lại để tay lên túi áo như sợ lá thư biến đi. Cỗ bàn nấu rất ngon có các món đặc sản Đà Nẵng do bên đằng vợ Vấn mang lên, mà Tâm không có đầu óc nào để thưởng thức, chỉ ăn để mọi người khỏi phải mời mọc nhiều mà không thấy ngon miệng lắm. Như để trấn tĩnh tâm hồn giao động bất giác Tâm uống bia nhiều hơn bình thường theo cái tiếng "dzô" trên bàn.

Bữa tiệc kéo dài đến 10 giờ rưỡi tối. Ăn xong mọi người vặn Karaoke lên hát chờ giao thừa, trong nhà chỉ còn gia đình Vấn và các em còn khách về nhà chuẩn bị đón năm mới.
Trong không khí đông đảo đoàn tụ đó, Tâm dù rất nóng ruột cũng phải tự kềm chế mình để hoà đồng với mọi người. Lần đầu tiên hát Karaoke vì không chối từ được, giọng ca nghiệp dư của Tâm cất lên chẳng ăn nhập gì với nhạc đệm làm mọi người cười vang nhà, một phần vì Tâm không nhớ lời bài hát cứ phải chờ đọc theo chữ xuất hiện trên màn ảnh TiVi , nhất là trẻ con hàng xóm không cần nể nang cứ lăn ra đất mà cười. Tâm gồng mình hát được nửa bài rồi chịu thua, trả lại micro cho người khác hát tiếp.

Càng gần giao thừa tiếng pháo lẻ tẻ càng nhiều do lũ con nít ddốt trước, Vấn năm nay cũng chuẩn bị 3 thước pháo. Và rồi cùng với tiếng chuông nhà thờ, chuông chùa, chuông trong đài truyền hình được vặn hết cỡ, khắp Saigon cùng đốt một lượt, tiếng pháo nổ ầm vang khắp nơi, người người đều đốt, nhà nhà đều đốt. Vì có tin đồn một hai năm nữa chính phủ sẽ cấm đốt pháo nên mọi người càng mua nhiều để đốt cho thỏa. Nhà đối điện với Vấn của anh Công An khu vực đốt nhiều đến nổi lửa bén vào lá cờ to nhất xóm cháy như đuốc. Anh chàng dập lửa xong, mặt mũi tiu nghỉu, mọi người trong khu vực đứng coi cười thỏa thuê, chắc anh Công an ngày mai phải chạy đôn đáo kiếm lại lá cờ nếu không là phạm kỷ luật nhà nước.

Tiếng pháo và sự hồ hỡi trên nét mặt của người chung quanh làm Tâm vui lại. Đốt hết 3 thước pháo Vấn mời Tâm vào xông nhà. Cảm vì lòng mến bạn của Vấn Tâm lại phải ngồi nán lại nửa giờ sau khi chúc mừng mọi người và phân phát tiền lì xì. Phong bì lì xì của Tâm mỏng dính không dầy như của những người khác, Tâm để đô la cho nó nhẹ .

Không muốn cho Vấn phải đưa mình về vì gia đình còn đi lễ, Tâm mượn Honda tự lái về khách sạn. Hơn một giờ mà vẫn tạch đùng tiếng pháo lẻ, mùi thuốc pháo vương vương khắp đường phố, chùa Xá Lợi đường Bà Huyện Thanh Quan dầy đặc người đi hái lộc đầu năm còn trong chùa thì không có chỗ mà chen.


..... Một giao thừa xa xôi thuở trước, Tâm theo người con gái thành tâm vào chùa lễ phật. Tâm hỏi nàng

- Đông Phố muốn cầu nguyện điều gì?
- Em không nói cho Tâm biết đâu .
- Cho anh biết để anh cầu chung với, hai người cùng xin một việc thì phật sẽ dễ cho hơn chứ.
- Tâm phải biết em muốn xin gì chứ! Tâm xin chung với em đi.

Làn khói của trầm hương bay mờ ảo như màn sương, người ta đốt thật nhiều như cho rằng cứ đốt nhiều là được nhiều phúc, có người đốt cả bó to bằng hai bàn tay chụm lại làm các vị sư trong chùa phải dùng máy phóng thanh mà yêu cầu đừng đốt nhiều như thế nhưng sự mê tín vẫn nặng hơn lời nói của thầy.

Đông Phố quỳ xuống lộ hai gót sen trắng hồng làm Tâm thấy bồi hồi, quỳ theo nhưng về phía đàng sau, mải mê ngắm chứ có biết khấn nguyện gì. Con trai tuổi 18 chưa có lòng tín ngưỡng, chỉ chiều theo người yêu mà vào, còn Đông Phố nét mặt rất thành tâm, lâm râm khấn, rồi gõ vào cái mõ vài tiếng mới chịu đứng dậỵ

- Tâm hư lắm, sao lại quỳ đằng sau em, lần sau em không chịu đâu .
- Phố tha cho anh, tại anh chưa thấy lòng bàn chân Phố bao giờ.
- Tâm này! à Tâm có cầu gì không?
- Có Phố ơi .
- Xin gì? nói cho em nghe với .
- Cầu cho mình ra cửa vẫn tìm lại được giầy dép
- Trời, Tâm ... anh ... đùa quá đi tội chết.

Đông Phố đấm vào vai Tâm thình thịch.

- Không chơi với Tâm nữa đâu
.....

Một tiếng còi cảnh sát ré lên làm Tâm giật mình về lại hiện tại. Một người cảnh sát giao thông từ lề bước ra chận xe Tâm lại, ngoắc vào bên trong.

- Anh có biết anh vừa vượt đèn đỏ không?
- Thưa không, tôi nhớ lúc đó vừa vàng mà, vả lại con đường ngang thật vắng.
- Tôi thấy đỏ là đỏ, anh không được cãi lại .

Tâm nghĩ thầm, điệu này lại kiếm tiền tiêu tết đây, để cho qua dù biết chắc là không phải mình vượt đèn đỏ.

- Vâng thế thì tôi phải đóng phạt bao nhiêu ạ.
- Yêu cầu anh cho coi giấy tờ và giấy xe .

Tâm tái mặt vì xe mượn đâu có cầm giấy tờ theo, người cảnh sát nghe nói xe mượn lại càng làm tới đòi bắt Tâm về bót để điều tra xem có phải xe ăn trộm không. Tâm phải nhỏ nhẹ

- Thưa anh, tôi đã bằng lòng đóng phạt, hay cho tôi đóng thêm tiền vì để quên giấy xe ở nhà vậy.

Người cảnh sát chợt chỉ vào sắc tay của anh hỏi:

- Anh mang cái gì đi đường thế này, đưa tôi khám coi ?

Tâm cực chẳng đã phải đưa ra, người cảnh sát mở túi ra xem, càng được thể

- Đêm giao thừa mà anh mang vật này theo làm gì đây, có gian ý phải không?
- Tôi mới mua lúc trưa định mang theo về Pháp làm quà, nhưng vì lại nhà người bạn ăn tối và đón giao thừa nên không kịp mang về khách sạn cất đấy thôi.

Tâm phải rút passport và giấy đăng ký ở hotel ra đưa cho anh ta xem để chứng minh mình là việt kiều và kèm vào đó tờ 10USD. Thế rồi cũng xong. Tâm lên xe đi tiếp mà vừa bực vừa lo, nhưng anh lại nghĩ người đó là cảnh sát giao thông chắc không để ý nhiều mà tường trình lại cho công an về món vật thấy trong túi xách của mình đâu .

Về lại đến khách sạn, cái ngà ngà của những chai bia lúc tối đã biến mất trên đường gió mát nhất là sau khi bị cảnh sát hỏi chuyện khó dễ. Tâm bồi hồi lấy lá thư ra xem

"Ottawa, ngày ...

Tâm thương mến,

Nếu Tâm nhận được thư này thì em thật là cám ơn trời phật. Bao lâu rồi mình không gặp nhau Tâm nhỉ. Không biết bây giờ anh ra sao? Mong anh vẫn khỏe mạnh.
O Liên viết thư sang nói Tâm về nhà tìm em - O có thấy anh mà không kịp nói chuyện - em rất cảm động. Tâm vẫn còn nhớ đến em sao?

Chuyện ngày xưa như một cơn mơ phải không Tâm, thoáng thế mà bây giờ hai đứa đều sắp 40, vẫn nghìn trùng xa cách, có điều đều ở nước ngoài ....
Cuộc đời mỗi người theo một cơn gió cuốn đi, Anh Hân chồng em chết trong khi đi học tập cải tạo. Em sang Canada được 6 năm rồi, từ đó đến giờ vẫn thế, một mình cũng đã quen rồi, đời sống vật chất thì tạm ổn định, còn tinh thần thì ... thôi thư đầu cho em khất chuyện này nhé.

Còn anh thì thế nào, anh vẫn bên Pháp hay đã sang nước khác, khi viết thư này em chợt nghĩ biết đâu anh sang Mỹ, Canada hay ở ngay Ottawa này ? nhưng Tâm ơi, chắc không có tình cờ nào ảo diệu như thế đâu phải không anh?

Em không thể diễn tả hết trong thư những xáo động trong lòng em khi biết Tâm vẫn tìm em.
Tâm ơi, em băn khoăn rất nhiều khi viết cho Tâm. Chuyện mình vui ít hơn buồn. Nửa không muốn làm xáo dộng đời sống anh nếu anh đã có gia đình, nhưng ngược lại nếu anh vẫn còn nhớ em vẫn đi tìm mà em không cho Tâm biết em ở đâu thì bứt rứt lắm.
Thư không cạn lòng, gửi anh địa chỉ và số điện thoại. Trong trường hợp Tâm đã có đời sống lứa đôi êm đềm, em xin chúc mừng cho Tâm và mong Tâm quên hẳn em đi, còn không ...

Chúc anh trong năm mới được mọi điều tốt đẹp nhất.

Đông Phố
"


Tâm đọc lá thư mà từng lời nghe như Đông Phố ngồi bên cạnh nói với mình, hai giọt nước mắt lăn trên má Tâm nhỏ xuống tờ giấy, Tâm nằm vật xuống giường cắn chặt gối để ngăn tiếng khóc của mình.
Thật là một sự đùa giỡn oái ăm của ông trời, bao nhiêu năm thương nhớ tìm kiếm, đến lúc tuyệt vọng lại nhận được tin. Đông Phố vẫn ở một mình, vẫn còn tình cảm năm xưa và bây giờ hai đứa đều ở ngoại quốc và đã lớn không còn sợ ràng buộc vì quan hệ họ hàng. Đông Phố ơi, tại sao thư này không đến sớm vài hôm hay tại sao đừng xảy ra chuyện tai nạn hiểm nghèo cho Tâm và Như Ý để tình anh vừa trao gởi cho người con gái đó.
Đầu óc Tâm như điên lên được, hình ảnh hai người anh thương mến dằng xé nội tâm, Tâm đấm mạnh vào tường trong cơn đau hận.

- Như Ý ơi, Đông Phố ơi, anh phải làm sao bây giờ?

Tâm cuồng lên, quăng gối quăng giỏ chỉ muốn chạy ào ra đường gây chiến với cả loài người. Nếu bây giờ mà 3 tên hôm trước gặp Tâm chắc là có cuộc quyết đấu sinh tử. Hai bàn tay bưng lấy mặt Tâm quỵ xuống sàn nhà, gục đầu lên nệm, nước mắt nhỏ qua kẽ tay xuống cả giường. Ngoài trời tiếng pháo lẹt đẹt như tiếng súng năm xưa, khi Tâm và Đông Phố gặp nhau lần cuối .


NGÔI NHÀ CŨ Phần 18

Tiếng con nít chạy đuổi nhau, hò hét ầm ầm làm Đông Phố thấy chóng mặt, mấy hôm không ngủ được lại càng làm cho nàng mệt trong người, ăn món gì cũng khong thấy ngon nhưng phải gắng gượng dể làm vui lòng Phong. Phong là con trai duy nhất trong gia đình nên cũng như năm ngoái phải có mặt trong bữa tiệc đón giao thừa trong nhà. Bốn cô em gái đều lập gia đình, ai cũng 3,4 đứa con, phần lớn là cùng lứa tuổi tiểu học nên tụ lại là phá như giặc. Nhiều khi Đông Phố cũng thèm một đứa con dể nâng niu, nàng tự hỏi không biết khi mình nuôi con có để chúng khó dạy như những đứa cháu Phong không. Bố mẹ Phong chưa có cháu đích tôn nên hay thúc dục Phong lấy vợ, còn các cô em của Phong có ý ghen tức với Đông Phố, không biết có phải vì nhan sắc của họ dưới trung bình và chồng họ dù học xong đại học cả nhưng không ai là bác sĩ và kiếm nhiều tiền như Phong không ?

Lúc chiều khi Phong đến đón nàng đưa về nhà, Đông Phố hơi mệt nên vào phòng ngủ dành cho khách nghỉ một chút. Vừa lúc nàng thấy bớt, đi xuống bếp để coi có việc gì làm không, đến chân cầu thang gần bếp nàng thoáng nghe Vân em út Phong nói

- Coi bà chị dâu tương lai tôi ngoan không, đến nhà là nằm ườn ra cho người khác hầu.

Thúy, chị Vân, cũng hùa theo

- Người ta đẹp đẽ như vậy mà đụng đến móng tay sao, anh Phong nhà mình sau này tha hồ mà làm nội trợ nhé.

Liên chị lớn đang cười cùng hai em, chợt thấy bóng Đông Phố xuống nhà bèn suỵt hai đứa để im lại. Đông Phố bước vào bếp:

- Chị muốn phụ một tay, chỉ cho chị làm gì đi .

Liên giả lả, trong khi hai cô kia làm như không thấy Đông Phố:

- Chị Đông Phố cứ ở trên nhà chơi đi, chị là khách mà.
- Vẫn coi chị là khách sao?
- Ấy chết, em lỡ lời thôi, nhưng chẳng có gì cho chị làm cả.

Đông Phố thấy không khí nặng nề nên cũng không nán lại, chỉ nói:

- Thôi thì chị mang bó hoa nằm đằng kia ra cắm trong phòng khách và phòng ăn nhé.

Liên nói thật khéo

- Vâng, nhờ tay chị một tí.

Trong bữa ăn thịnh soạn, nhưng đa số là các món đặt nhà hàng chỉ có Phong ngồi cạnh là săn sóc nói chuyện với Đông Phố, còn mấy người đàn bà nói chuyện với nhà như sáo nhưng vẫn thỉnh thoảng lườm chồng khi thấy họ nhìn hay nói với Đông Phố làm họ cũng không dám tiếp chuyện với nàng.

Mẹ Phong ngồi đối diện Phong hỏi:

- Khi nào các con định làm đám hỏi, khi nào làm đám cưới?

Phong đưa mắt nhìn Đông Phố, Đông Phố nhìn xuống bàn không nói. Phong ngập ngừng:

- Thưa mẹ, chúng con lớn rồi nên đám hỏi và cưới chắc làm chung một lần.
- Vậy thì khi nào? Mẹ Phong hỏi lại .

Phong lại đưa mắt nhìn Đông Phố trong lúc các cô em đưa mắt nhìn nhau; Phong nói

- Chúng con cũng chưa tính mẹ ạ .

Vân chanh chua chen vào

- Chắc anh Phong muốn tính lắm rồi nhưng có người còn treo giá đó thôi.

Thúy lẩm bẩm trong miệng nhưng cũng đủ cho mọi người nghe:

- Gớm, bốn bó rồi mà treo mãi .

Phong chau mày nhìn hai cô em, tỏ ý không bằng lòng còn hai ông chồng đưa mắt với nhau và lắc đầu rất nhẹ, nhưng mấy cô vẫn trơ trẽn cười nói .
Đông Phố nghe miếng đậu hũ vừa nuốt hình như kẹt lại trong cổ họng, nàng phải cố nuốt mạnh và uống một hớp nước cho trôi. Chợt thằng bé Coco con của Vân từ đâu đến nắm tay áo nàng giật mạnh làm đổ súp ra bàn và bàn tay nàng cầm thìa rơi xuống trúng đầu thằng bé. Nó khóc thét lên làm Vân thất thanh rú lên một cách rất kịch:

- Ôi chết con tôi rồi

chạy đến bế nó, vừa dỗ vừa đay nghiến

- Người đâu mà ác, đánh con nít bằng thìa, hèn chi chẳng đẻ đái gì đuợc.

Cả bàn im re, không ai phản ứng, Tiến chồng Vân ngượng quá, kéo Vân và thằng bé vào phòng trong.

Đông Phố lặng người đi một lát rồi đứng lên:

- Con xin phép hai bác. Anh Phong đưa Đông Phố về đi .

Phong định giữ Đông Phố lại nhưng ông bố thấy tình thế khó cứu vãn trong ngày hôm nay, nhìn Phong gật đầu ra hiệu:

- Con đừng chấp em nó, nó xót con nên nói bậy. Phong đưa Phố về rồi quay lại đón giao thừa và cúng ông bà nhé.

Đông Phố chào mọi người rồi ra xe với Phong. Trên suốt đoạn đường về nhà nàng, Phong cố gắng nói để Đông Phố đừng giận. Đông Phố chỉ im lặng nghe. Đến nhà Phong mở cửa xe cho nàng xuống , nàng nói mà không nhìn Phong:

- Anh để cho Đông Phố một mình mấy ngày nhé, Phố sẽ gọi anh khi nào Phố tìm lại quân bình đầu óc.

Phố vào nhà, Phong còn đứng ngần ngừ một vài phút rồi lên xe, vẻ mặt đầy dấu hỏi và dấu than.

Đông Phố thay quần áo, rồi ngồi thừ trước bàn phấn, câu nói độc địa của cô bà cô, em gái Phong, làm Đông Phố đau xót. Thời gian mấy năm với người chồng đầu tiên nàng không có thai mặc dù từ khi cưới đã không ngừa gì cả, nhưng lúc đó nàng chưa quá 25 nên không cho đó là điều đáng lo, nhưng từ khi biết Phong muốn xây dựng với mình, Đông Phố đã đi khám bác sĩ và họ cho biết là khả năng có con của nàng rất ít dù không phải là không thể được. Nhưng càng quá 40 thì càng ít hy vọng. Nàng đã cho Phong biết điều này, Phong vì quá say mê nàng nên đưa ra mọi khả năng mà y khoa có thể làm được như thụ thai trong ống "in vitro" vân vân.

Đông Phố nghĩ với Phong có thể vài năm đầu Phong sẽ thấy hạnh phúc nhưng liệu hôn nhân đó có bền không nếu nàng không sinh nở được. Đông Phố cảm thấy những người đàn ông yêu nàng đều khổ, chồng nàng chết sau vài năm lấy nhau, dù bất hạnh của hai người nằm trong bất hạnh của cả nước nhưng ngay cả người được Đông Phố yêu thương tha thiết là Tâm chắc cũng không có hạnh phúc, trừ vài năm ngắn ngủi bên nhau trong tình yêu áo trắng.

Lần cuối gặp nhau, Tâm vì tôn trọng hoàn cảnh nàng đã có chồng và người chồng đang kẹt trong vòng lửa đạn nên không nói nhiều về Tâm cho Đông Phố nghe, nhưng hai người đã có những tình cảm ngút ngàn với nhau nên chỉ vài câu nói và gương mặt, ánh mắt chứa niềm tuyệt vọng của Tâm cho Đông Phố biết là cho đến lúc đó Tâm vẫn yêu nàng tha thiết và vẫn đau khổ vì mối tình đầu trong trắng tuổi học trò, mối tình dang dở vì quan hệ họ hàng.

Hôm nói chuyện với mẹ từ Mỹ sang, Đông Phố có nói đến việc O Liên, người làm cũ, viết thư cho biết Tâm tìm đến nhà mình ở Sàigòn. Nàng cũng nói về tâm tình của mình đối với Tâm, bà mẹ lúc đầu theo phản ứng tự nhiên như ngày xưa, không muốn Đông Phố gặp lại người anh họ xa này, bà cũng khuyên con nên nhận lời cầu hôn của Phong cho mau.
Đông Phố ôm mặt khóc mãi làm bà cuối cùng chép miệng:

- Đúng ra mẹ cũng thương thằng Tâm và biết hai đứa thương nhau lắm. Dù vậy ngày xưa con về với nhà chồng vẫn trọn tình trọn nghĩa. Nay hoàn cảnh lại có thể cho hai đứa tái hợp thì mẹ cũng chẳng khó khăn làm gì. Hai đứa cũng gần 40 rồi, vả lại bên này chẳng có họ hàng nào dèm pha cả, mỗi người có đời sống riêng. Hai con có họ xa 3,4 đời nên có lấy nhau cũng không sao. Ngày xưa mẹ ngăn cản vì mình sống ở Vietnam trong hoàn cảnh khác, còn bây giờ miễn là hai đứa có hạnh phúc. Mẹ chỉ ngại Tâm đã có gia đình rồi. Con hãy từ từ mà tìm hiểu thêm, đừng chen vào gia đình người ta.

Đông Phố nhìn mình trong gương, tự hỏi gặp lại Tâm thì sẽ như thế nào. Cũng như đối với Tâm, tình yêu của hai người là mối tình đầu thật trong sáng. Bình thường thì đàn ông con trai ích kỷ, chỉ muốn hưởng thụ, muốn là người đàn ông đầu tiên trong đời của người mình yêu. Trước khi đám cưới Đông Phố đã định liều, định cho Tâm tất cả rồi ra sao cũng được. Nàng còn trong trắng khi lấy chồng là Tâm đã giữ cho nàng.

Đông Phố lớn hơn Tâm một tuổi nên khi gặp nhau, nàng đã là một thiếu nữ 17, đã có bao người theo đuổi, toàn là sinh viên Dược, Y trong đó có chồng nàng. Lúc đó Đông Phố tưởng là đã yêu Hân, nhưng sau này gặp Tâm mới biết đó chỉ là những cảm giác sung sướng, hãnh diện vì có người theo đuổi chiều chuộng, làm thỏa mãn niềm tự cao của một người con gái xinh đẹp .

Trong thời gian đầu quen nhau nàng coi Tâm như em, nhưng lại rất thích khuôn mặt sáng đẹp và cái tính ngang ngang của người con trai mới lớn, và đầu óc mơ mộng làm cách mạng đổi đời. Rồi tình yêu đến lúc nào không biết chỉ biết mỗi tuần phải gặp nhau vài lần không thì không chịu được, rồi chứng tích của cuộc tình là nụ hôn ngây ngất trong hầm cát chống đạn pháo kích. Càng ngày Tâm càng thành người lớn và Đông Phố cảm thấy mình ngưng trưởng thành để đợi Tâm.

Chuyện hai gia đình can thiệp vào để tách rời hai đứa rồi cũng thành công. Trước khi Tâm đi du học Đông Phố lại nhà dở valise Tâm ra để xếp lại từng chiếc áo, chiếc khăn mà nước mắt không cầm được chan hòa trên má nhỏ xuống quần áo Tâm.

Phần Hân vẫn kiên tâm dù nàng đã gần như quên anh. Sau khi Tâm đi, Đông Phố đã bao lần viết thư mà không có hồi âm, do gia đình khuyên bảo và sự đưa đón chiều chuộng của Hân, cuối cùng Đông Phố thuận lấy Hân khi Hân ra trường.

Tiếng chuông đồng hồ nửa đêm kéo Đông Phố trở về hiện tại "Tâm ơi, Tâm ơi" Đông Phố gọi nhỏ.

- còn tiếp -

Phạm Doanh

Nụ hôn đầu

Suốt đời anh nhớ mãi nụ hôn đầu
Mười tám tuổi ôi vụng về biết mấy
Môi tìm môi mà lòng nghe lau sậy
Rung rung trong cơn lốc yêu đương
Tim đập như những hồi trống tan trường
Mồ hôi rịn trong bàn tay khờ dại
Lòng hoang dã như thú rừng sa bẫy
Trong mùi thơm ngào ngạt của môi em
Quyện trong hương dạ lý tỏa êm đềm
Nụ hôn đó cho anh thành người lớn
.......
Rồi năm tháng vẫn lạc loài nơi chốn
Quê hương người ta một kiếp lang thang
Giữ trong tim như giữ một kho vàng
Nụ hôn ấy trong một đêm thần thoại .

Phạm Doanh

Gió vồng bụi đỏ

Hàng cây khô lá ven đường
Gió vồng bụi đỏ về phương hướng nào
Kiếp người còn mãi xanh xao
Nụ hồng chưa nở đã hao thân gầy
Mưa sao chẳng dạt về đây
Để hằn nứt nẻ luống cầy khô khan
Cát bay sa mạc ngút ngàn
Ta về ôm nỗi điêu tàn phá thân.

Phạm Doanh

Túy Ca - Tình Khúc Người Say (15)

Vỉa hè trơn,
vỉa hè trơn
Ngọn đèn phố vắng chập chờn bóng cây
Trợt chân đạp trúng vũng lầy
Lấm người không sợ, lấm giầy chẳng nao
Khung trời
lấp lánh ngàn sao
Tìm xem Bắc Đẩu Nam Tào ở đâu
Mười năm nuôi mãi mối sầu
Để cho nét mặt đã nhầu nếp nhăn
Khoanh tay ôm dáng nguyệt hằng
Ngả nghiêng điệu nhạc, nhập nhằng bước chân
Chợt em,
thấp thoáng xa gần
Nửa phần thương hại, nửa phần như khinh
Này em, quay gót bạc tình
Còn về chi nữa,
để rình rập tôi?
Mái hiên kia có chỗ ngồi
Một bầy con nít nói cười xung quanh
Bập bềnh tâm tưởng bập bềnh
Bập bềnh ...
thân thể ...
bập bềnh ...
Em ơi!

Phạm Doanh

Haiku

Haiku về Thiền như một viên đá ném (hay không ném) xuống mặt hồ phẳng lặng. Ném là Thiền mà không ném cũng là Thiền, miễn là (không) thấy được vòng đồng tâm.

Hành động cầm dùi đánh vào chuông cũng có cùng ý nghĩa với việc không dùi không đánh vào chân không.

Haiku không phải là một phim bộ dài dòng mà là một tấm ảnh chụp lấy một khoảng khắc, một trừu tượng, một tư duy, nên nhiều khi vài chữ cũng đủ. Cái hay và khó hay của Haiku là ở chỗ đó. Đọc một bài thơ Haiku hay như nghe một tiếng khánh cô đọng thật ngắn gọn nhưng ngân nga, để lại ấn tượng lâu trong tâm hồn người.


1.
Con hạc hồng kiêu sa
Trầm mình trong dòng suối nước nóng
Chỉ còn lại bộ da

2.
Người chiết tự trong đêm
Chữ bình tâm loay hoay xếp mãi
Quên ngày mới vừa lên

3.
Ngư ông không dụng mồi
Con Koi bạc chưa hề sứt mép
Chiều nay về cơm chay


4.
Xếp chân mong thiền tọa
Ruồi đậu bàn tay, vỗ bàn tay
Tâm tịnh mất khi nàỵ


5.
Khua nước xóa tan hình
Dễ hơn đập tấm gương soi mặt
Mình chẳng tự mê mình.


6.
Che mặt trời năm ngón
Có hai tay cũng giống một tay
Chẳng thấy đến lông màỵ

7.
Con chim ưng mỏi cánh
Tạm dừng chân trên ngọn đỉnh trời
Nhìn về phía xa xôi .

8.
Cò trắng đứng một chân
Đại thử thử đại, đại thử dại
Túi trước bụng trống không.

9.
Người Trang Tử vỗ bồn
Ta từ nhỏ một đời nghi hoặc
Cogito, ergo ?

10.
Giá áo và túi phân
Vùng kinh điển đốt hoài chẳng hết
Về đi, tập đánh vần!

11.
Tình như hạt mưa rơi
Rơi trên mặt đất, thấm lòng đất
Có khi thấm lòng người .


12.
Nước chảy đá cũng mòn
Ta góc cạnh từ khi nhập thế
Nay thành viên sỏi tròn.


13.
Nhắm mắt và mở mắt
Nội tâm, ngoại giới tiếp liền nhau
Nơi nào ít khổ đau ?


14.
Tiền thân dù bồ tát
Hậu vận trăm năm vẫn mịt mùng
Bây giờ là túi cơm.


15.
Mùa thu cành thay lá
Con rắn già biết cách lột da
Nhưng Trịnh Công Sơn chết.


16.
Lữ khách đứng trên cầu
Nhìn nước lũ cuốn đi ảo vọng
Hỏi sao bóng không trôi.

17.
Tay khoanh vòng Thái Cực
Chút nhân duyên để lọt ra ngoài
Tình ơi là tình ơi.

18.
Hạt sương trên cánh hồng
Cành Bonsai nghiêng về phía nắng
Giọt nến đọng đêm qua.


19.
Bôn ba tìm cõi Phật
Giữa đường vứt trái tim tên cướp
Chết thành con bìm bịp.

20.
Tượng gỗ chùa Tây Phương
Niềm khắc khoải hằn lên nét mặt
Niết Bàn là thế ư ?


21.
Người lên núi định thiền
Nghe gọi tên vẫn còn quay lại
Khi nào mới vô danh?

22.
Khoanh hai tay bái Sư
Phật đứng tránh sang không nhận lễ
Hai tay bái hư không.

23.
Đến cổng chùa nghe đạo
Sư trụ trì bế môn tiễn khách
Phật cả cười Phật thăng.

24.
Quay nhanh vòng Bát Quái
Muốn hoà tan Lưỡng Nghi thành Thái Cực
Cửa nào là cửa Khôn?

25.
Đi cùng Sư bái Phật
Cửa đóng, Phật từ tâm nhắn nhủ:
"Kiếp sau đến một mình!"

26.
Buổi sáng nhìn sang cạnh
Cám ơn đời vì vẫn có em
Mùi cà phê thơm ngát

27.
Cứ mỗi độ vào thu
Lại cùng Thanh Tịnh đi đến trường
Và ngâm Lưu Trọng Lư


28.
Cư sĩ hỏi Thiền sư
Khi nào là giác, khi nào ngộ
Thiền sư nhổ nước bọt

29.
Cư sĩ hỏi bóng mình
Khi nào là giác, khi nào ngộ
Bóng lập lòe lặng thinh

30.
Một đời nguời tự hỏi
Khi nào là giác ngộ, khi nào ?
Cư sĩ, Cư sĩ ơi!


31.
Khuấy nước trong cho đục
Khi nào không soi thấy bóng mình
Là khi hết nắng trời.


32.
Chờ nước đục thành trong
Để nhận định ra chân bản ngã
Chờ bao giờ mới xong?


33.
Người da trắng, vàng, đen
Năm ngón tay, ngón dài ngón ngắn
Tro bụi chỉ một màu.

34.
Vẽ tranh không nhúng mực
Hoàng hạc bay ngang trời lặng gió
Hoàng hạc bay, mây trôi.


35.
Cứ muốn tả rừng thu
Lại thấy con nai vàng ngơ ngác
Đành thua Lưu Trọng Lư.

36.
Bên ngoài tuyết bay bay
Tình nồng ấm dù trời giá lạnh
Nên tuyết tan trong tay.


37.
Tình thôi hết ân cần
Gặp lại người ánh nhìn xa lạ
Ta về thành phế nhân.

38.
Đôi hài cỏ Basho
Ngàn năm dấu vết chẳng phai mờ
Tạc vào thiền, vào thơ.

39.
Tiếng dương cầm lạc điệu
Ngươì đánh và người nghe câm điếc
Không cần kẻ thứ ba.

40.
Biết cố công mài sắt
Có ngày cũng thành được cây kim
Nhưng nếu mua, nhanh hơn !

41.
Tiếng mưa đều trên mái
Tiếng xịch tắc xe mì bán dạo
Tiếng kinh cầu trong đêm.

42.
Hổ ba chân trên núi
Cất tiếng gầm tiếc thuở dọc ngang
Tiếng thở dài vọng lại .

43.
Gió thì thào lau sậy
Người tìm đạo trầm ngâm bất quyết
Quay gót hay qua sông ?

44.
Quay đầu lại là bờ
Mây ngừng trôi mây tan thành nước
Qua sông cũng đến bờ .


45.
Mấy hôm không còn gạo
Chai thuốc ngủ trên bàn mở nắp
Mắt người buồn như kinh .

46.
Một ngày làm hai ca
Như cây nến đốt cả hai đầu
Giọt nến chảy thành dòng.

47.
Con muỗi bay vu vơ
Samurai chém hai nhát kiếm
Con muỗi vẫn thờ ơ.

48.
Mổ cho sạch túi phân
Mà không sạch tâm hồn nhiễm độc
Khâu lại để làm chi?

49.
Suốt đời trong thung lũng
Sao biết được phía bên kia đồi
Có những điều mới lạ.


50.
Bão đại dương chuyển sóng
Bão sa mạc mịt mùng dậy cát
Bão lòng chuyển hồn tôi.

51.
Người nay đã ngút ngàn
Lúc chia tay đem theo tất cả
Tiếng chuông rền ta mang .

52.
Tay không hề ném đá
Sóng đồng tâm tỏa nhẹ trong hồn
Mặt hồ tựa tấm gương.

53.
Mùa Xuân chừng đến muộn
Cỏ cây chờ, người cũng chờ trông
Hạt lúa sắp nẩy mầm.

54.
Nhắm mắt chói hào quang
Bịt tai vẫn nghe ngàn tiếng động
Lấy gì để tịnh tâm.


55.
Diều ngạo nghễ tung trời
Chiếc sáo làm sai không ra tiếng
Người thả diều cắt dây.


56.
Bình rượu đổ chan hòa
Co quắp như bào thai, run, lạnh
Tiếng sói rú từ xa.


57.
Người lộng ngữ vọng danh
Hay lộng ngữ vì chuyện không thành
Suốt đời cứ quẩn quanh

58.

Trong tâm thiền an lạc
Một cánh hoa rơi xuống mặt hồ
Cũng ngân ngàn tiếng nhạc.


Phạm Doanh

Lạc chốn quan hà

Lạc chốn quan hà dạ tái tê
Lang thang chưa biết lúc nao về
Bao ngày lữ thứ mòn chân bước
Mấy buổi phiêu bồng bạc gối kê
Nào biết nơi đâu là cố quận
Dù tin người đó giữ câu thề
Giọt sương trắng đọng cành trúc bạc
Thấy đời chưa hết nghiệp đam mê.

Phạm Doanh

Dấu tiếng thở dài

Con chim hồng tước nhỏ
Thánh thót trong nắng mai
Chim ơi, trong khung trơì rộng chim bay đó
Có chỗ nào cho ta dấu tiếng thở dài?

Lúc thiếu niên mơ làm chim bằng lướt gió
Nửa cuộc đời ngoảnh lại có bằng ai
Cũng không phải là khó
Mới tạm đủ sinh nhai
Nhưng ngày tháng đi về như đời cây cỏ
Mọc hôm nay ... để tàn úa ngày mai
Chân ngựa hồng chưa đi đến đâu mà mỏi vó
Cất yên cương rồi lấy cớ đường dài

Ai đã nói màu cô độc là màu chẳng có
Ta biết màu cô độc là màu vàng võ thời gian
Đã cho hết yêu thương là nhận phần đau khổ
Nên giờ đây viết vẩn vơ trên đổ nát hoang tàn

Của một đời đầy ảo tưởng
Của một người mất quê hương.

Phạm Doanh