Thứ Hai, 17 tháng 11, 2008

Hoài Hương

Có phải tại vì gần Tết
Cho nên ta lại ngậm ngùi
Cuốn lịch trên tường sắp hết
Chỉ còn vài tấm nữa thôi
May là có người cho biết
Nếu không chắc đã quên rồi
Tháng ngày qua đi mỏi mệt
Lại thêm một Tết đơn côi

Xứ lạ mai vàng chẳng có
Màu hoa tâm tưởng trong đời
Bánh chưng xanh, chùm pháo đỏ
Còn trong kỷ niệm mà thôi
Mang tiền lì xì ra ngõ
Bầu cua cá cọp vui chơi
Hình như có năm nào đó
Mùng hai thua hết sạch rồi

Hôm nay dội về ký ức
Những ngày đẹp nhất trong đời
Vẫn nằm bên trong tiềm thức
Dù thời gian đó xa xôi
Còn nghe trong lòng day dứt
Với niềm khắc khoải khôn nguôi
Biết bao giờ ta hết được
Niềm đau trên xứ sở người.

Phạm Doanh

Không ngờ trời chợt sang đông

Không ngờ trời chợt sang đông
Tháng mười một, lạnh từ sông lạnh vào
Trong lòng, bão tuyết hư hao
Hai mươi năm lẻ biết bao mối sầu
Ta tìm bản ngã nơi đâu
Nơi vùng băng giá trắng màu tang thương
Đời như đã cuối đoạn đường
Có đêm nằm nhớ quê hương khóc òa
Lâu rồi ta vẫn hoàn ta
Mảnh bằng vô dụng chỉ là kiếm ăn
Cho qua một kiếp con tằm
Nhả tơ quấn lấy tấm thân lạc loài.

Phạm Doanh

NGÔI NHÀ CŨ Phần 21-22

NGÔI NHÀ CŨ Phần 21


Người đánh trống, kẻ khua chiêng náo động cả một xóm, người ta đến coi đông đảo, tất cả mọi người trong nhà dồn ra xem, tầng trên còn có balcon nên rất thích thú, cả nhà bên cạnh Tâm kéo ghế ra ngồi coi, mấy khi mà có chuyện này ngay trước nhà mình. Tâm tiến ra phía ngoài nói vài câu với mọi người rồi lui dần vào cửa, dặn Vấn đứng ngoài, đừng đóng cửa, nếu ai đến thì đừng cho ai vào mà gọi Tâm ra, rồi lẩn vào trong, trời đã bắt đầu tối. Mọi người say mê coi múa lân nên không ai để ý đến, Tâm lấy cái xẻng gấp nhà binh trong giỏ mua trước Tết ở Khu Dân Sinh, cái xẻng mà người cảnh sát giao thông khám thấy trong đêm giao thừa, ra vườn sau đào thật nhanh chỗ anh đã đo và làm dấu sẵn, hai thước cách cây ổi trên đường thẳng góc với tường sau nhà như lời bố nói.

Trước tiên Tâm trải một tấm nylon to đựng đất đào lên, đàng sau vườn hoàn toàn vắng lặng, 2 khăn trải giường phơi trên dây che lấp chỗ làm việc của Tâm và tiếng trống múa lân cùng tiếng pháo đốt ngoài kia nên không ai nghe tiếng Tâm đào, cuốc đất. Có hai lần Tâm ngừng tay chạy ra đứng ngó chừng thấy mọi người vẫn say mê coi, trao đổi vài câu với Vấn rồi vào làm tiếp, sâu xuống khoảng 1 thước lưỡi xẻng đụng nhằm một vật cứng, Tâm hồi hộp bới nhanh để thấy một hộp gỗ bọc nylon to khoảng 30x20x20cm mỗi chiều, chàng hồi hộp mang lên phủi bụi mở ra xem:

- Cám ơn trời phật, vẫn còn đây, giúp anh Khanh thoát được rồi.

Mang vào phòng gói, cất vào túi xách xong Tâm lật đật ra vườn đắp đất lại, vừa đầy miệng hố, chưa kịp làm xóa dấu đào đã nghe Vấn gọi

- Tâm ơi, có anh Diên đến chơi!

Tâm vội vàng nói vọng ra

- Vấn nói anh ấy ở ngoài coi múa lân, tao đi cầu xong ra ngay đây.


Trong lúc Vấn giữ chân Trần Diên ngoài cửa, chỉ cần hỏi đến tiền hụi chưa góp là Trần Diên tràng giang đại hải than vãn, hứa vài ngày nữa sẽ đóng. Trong vườn Tâm vội vàng đắp điếm chỗ đào, trời tối nên không được tốt lắm nhưng sợ Diên sốt ruột vào đại, cất xẻng rửa tay rồi ra ngoài đón Diên. Có bao nhiêu đèn Tâm bật hết cho thật sáng cả hai phòng.

Trần Diên bước vào nhà miệng đon đả nhưng mắt lượn khắp nơi

- Chào anh Tâm, năm mới chúc anh vạn sự như ý
- À anh Diên, cám ơn anh và cũng xin chúc anh khỏe mạnh, thăng quan tiến chức. Xin lỗi anh nhà không ghế, không nước để đãi khách
- Không có chi anh Tâm đừng ngại .

Lấy cớ đến chúc Tết Diên hỏi Tâm có muốn đổi tiền như hôm trước Tâm nói không. Mắt hắn cú vọ quan sát thật kỹ căn phòng ngoài, không thấy thay đổi cả một vết vôi, còn đi vào trong phòng kia coi nữa, định mở cửa sau ra vườn thì nghe Tâm gọi vào đổi tiền. Tâm nói hôm nay không mang theo người nhiều nên chỉ đổi 200USD, Trần Diên thấy tiền mừng quá không nghĩ đến chuyện khác nữa, nấn ná thêm chút đến khi đám múa lân trình diễn xong. Mọi người đi coi rất tán thưởng vì mùng ba mà có múa lân, lại còn vào buổi tối thắp đuốc trông rất xôm tụ Tâm mời Diên ra chung để trả tiền cho đám múa lân. Bấy giờ người coi mới biết ai gọi đến. Mọi người bàn tán, kẻ khen người chê anh chàng Việt Kiều chơi sang, chơi ngông, mướn đám lân múa cho mình xem để hàng xóm được hưởng chung mà không mất tiền, không ai để ý là Tâm chỉ coi lúc đầu và thỉnh thoảng ra đứng ngoài cửa cho có mặt thôi.

Vấn chở Tâm về khách sạn rồi về nhà mình. Tâm tắm rửa thay quần áo cất thật kỹ cái thùng lúc nãy bỏ trong túi xách, trở về lại ngôi nhà cũ bằng taxi. Sau khi hết múa lân nhà bên cạnh ra sân sau ăn cơm lại bật đèn sáng đến tận vườn rồi theo thông lệ ngồi hóng mát tới khuya vì thế Tâm chờ mãi mà không có dịp nào thuận tiện để lấp kỹ cái hố đào trong đêm đó nữa.Tâm ra chỗ bụi cây tìm lại cái túi dấu lúc nãy, mở ra, chàng phải bịt mũi vì mùi hôi thối nồng nặc bốc lên, Tâm đổ xác một con mèo bên cạnh hàng rào cách chỗ đào hai thước, đập gãy cán xẻng cho vào xách tay cùng tấm nylon đã giũ sạch đất, gói chặt bao nylon đựng xác mèo cuộn nhỏ lại. Gọi xe đến một địa điểm gần nơi thải rác, Tâm xuống xe đi bộ ngang đống rác, để ý không có ai vất xẻng và tấm nylon cuộn vào đó. Về đến hotel, Tâm mang cái hộp ra xem cho kỹ, trong hộp lại là một hộp khác bằng plastic bọc thêm túi nylon ở ngoài, mở ra Tâm thấy hai cọc tiền đô la toàn giấy 100USD và một túi gấm đựng hai tượng phật ngọc thạch Jade mỏng, dài độ ngón tay và ... . Tâm nhớ lời dặn của bố "Tiền con đưa cho Khanh hay vợ nó để lo đi ra khỏi nước, còn mấy món kia con giữ lấy, bố mẹ đã già cũng đầy đủ tất cả rồi".

Trước ngày di tản, bố mẹ Tâm đợi mãi không thấy anh Khanh đưa vợ từ Nha Trang về, đành chôn lại những món trên trong vườn nhà mình, hy vọng sau này báo cho anh Khanh biết. Mấy năm sau được tin anh đi học tập không biết bao giờ được ra và nhà cửa bị tịch thâu lại sợ chị Khanh đàn bà yếu đuối không đủ khả năng làm chuyện đó nên không tiết lộ ra. Nhờ không bỏ vàng hay nhẫn kim loại vào nên lúc tịch thâu nhà nếu ai có dùng máy rà cũng không phát hiện được.

Chín giờ sáng mùng bốn Tâm lên nhà thương thăm Như Ý, nàng vẫn mê man trên giường. Tâm ngồi cạnh bên mà nghe xót xa từng đợt trào lên lồng ngực. Mẹ Như Ý vào cùng lúc bác sĩ đến thăm, Tâm hỏi về tình trạng Như Ý, bác sĩ cho biết, trừ vết xướt trên cánh tay đã lành thì thân thể hoàn toàn hồi phục, tình trạng hôn mê kéo dài vẫn còn là một câu hỏi của Y học, khó mà biết được khi nào và tại sao bệnh nhân tỉnh dậy. Bác sĩ cho biết nhiều trường hợp bệnh nhân thức dậy khi trải qua lại những biến cố đáng ghi trong đời như tiếng nói người quen, điều này thuộc về phạm vi Tâm lý hơn là Y học. Ông ta khuyên nên đưa Như Ý về nhà để người nhà chăm sóc tốt hơn, và mời bác sĩ tư coi sóc canh chừng tiếp nước dưỡng sinh.

Bác sĩ đi, mẹ Như Ý khóc nức nở Tâm phải đưa bà ra băng ghế ngoài vườn để không kinh động và gây sự tò mò của người chung quanh.

- Cậu Tâm ơi, lúc nãy tôi có đem tiền trả tiền bệnh viện mấy hôm, nếu kéo dài một tháng nữa thì không thể trả được nữa.

Tâm an ủi bà, khuyên bà nên đưa Như Ý về nhà như lời bác sĩ vừa có người thân bên cạnh vừa ít tốn hơn so với nhà thương. Nói mãi bà mới nhận tiền Tâm đưa để lo cho Như Ý. Tâm còn muốn ở lại bên Như Ý mà lại có hẹn gặp anh Khanh nên đành chào mẹ Như Ý, gọi xe đến nhà Vấn.

...
Trung Úy Công An Nguyễn văn Điền, được cấp trên giao cho trách nhiệm tìm kiếm thiếu tá Khanh, đã đặt người theo dõi canh chừng chị Minh và Tâm, xem anh Khanh có bắt liên lạc với hai người không. Từ hôm Tâm xuống phi trường theo lời khai nhập cảnh là em của thiếu tá Khanh đến giờ Điền nhận báo cáo khá đầy đủ, chỉ thấy Tâm và chị Minh gặp nhau hai ba lần ngắn còn toàn thấy Tâm đi chơi, rồi về nhà cũ. Điền có đến đó trong thường phục hỏi dò các người xung quanh, chỉ nhận được nhận định tốt về Tâm, là vui vẻ dễ tính hay cho quà con nít, về nhà thì cửa mở toang, ai ở ngoài cũng thấy trong nhà chẳng còn gì ngoài bộ tủ và cái giường gỗ nặng nề, còn anh khi thì đọc sách, lúc viết hý hoáy hay tập thể dục. Trong ngày Tết nên kiểm soát của Điền cũng bớt chặt chẽ, vì thiếu nhân viên. Chính Điền cũng không muốn làm việc ngày đầu năm vả lại thứ nhất thấy Tâm vô hại còn chui đầu vào căn nhà cũ sống giữa đám sĩ quan, thứ hai Điền nghĩ anh em làm sao bằng vợ chồng, nhất là ở trại cải tạo trốn ra, lâu không có hơi hướng vợ phải thèm hơn là đi tìm thằng em chứ.

Có tin thiếu tá Khanh đã vào Saigon nên Điền chỉ thị canh chừng chị Minh tối đa vì thế phải rút người không theo Tâm nữa, phân phối theo dõi chị Minh ráo riết. Chị cũng cảm thấy điều này và có kể cho Tâm hôm mùng một. Hai chị em nói chuyện bao giờ cũng nói nhỏ với nhau trong tiếng nhạc vặn thật lớn.

Hôm nay đến lượt hạ sĩ Lê Tấn Hải đến thay cho trung sĩ Phùng văn Hội lại nhà chị Minh canh chừng. Hải giả vờ hỏi thăm lộn địa chỉ, bấm chuông nhà chị Minh để biết chị có nhà như lời trung sĩ Hội truyền lại. Chị Minh ra cửa mặc một đồ bộ xanh lè khiến Hải liên tưởng đến màu của một con tắc kè, Hải hỏi vài câu, cám ơn, chờ chị vào nhà mới đi ra một khoảng rồi vào quán cà phê xeo xéo với nhà chị. Biết là nhà chị Minh không có cửa sau nên Hải yên trí là chị không thể ra khỏi nhà mà Hải không thấy được. Hơn nữa cái xe Honda cũ mất vè của chị Minh được khóa cẩn thận vào hàng rào, ai muốn lấy xe ra cũng phải loay hoay hai phút là ít.

Hạ sĩ Hải còn trẻ tuổi , cấp trên để ý hứa tháng tới sẽ cho lên lon nên hăng hái muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong vòng hai tiếng buổi sáng nhà chị Minh mấy lượt khách đến chơi, Hải cẩn thận ghi lại trong sổ tay khách là ai, nam hay nữ, diện mạo đại cương ra sao, quần aó màu gì, đi xe gì, biển số mấy và nhất là đến lúc nào, đi lúc nào. Đây là những ghi nhận của hạ sĩ Hải, sau này làm bản tường trình lên cấp trên, là trung úy Điền:

...
Khoảng 10 giờ 45 Tâm đến chở đàng sau ghế một cô gái có vẻ tay chơi, son phấn lòe loẹt môi đỏ mắt xanh, mặc chiếc áo dài đỏ chói nhìn đến nhức mắt. Hải nghĩ thầm chắc anh chàng Việt Kiều vớ được cô bán bia ôm nào để đi chơi rồi đâỵ Lúc đó trong nhà chị Minh chỉ còn một cặp nam nữ. - Hải để ý mỗi lần khách về chị lại tiễn chân ra đến cửa, màu áo chói chan đập vào mắt người khác, cái khăn trắng trong tay, đưa lên xịt mũi liên tục.

Tâm dựng xe bên cạnh xe chị Minh và xe khách, khóa lại rồi vào nhà. Mười phút sau đôi nam nữ ra về, khoảng 11 giờ 10 Tâm và cô gái lòe loẹt cũng ra, họ còn đứng trước cửa nhà chia tay với chị Minh, hai cái áo chói màu tương phản nhau nổi bật lên tường vôi trắng, Tâm và cô gái áo đỏ đứng quay lưng ra ngoài đường còn chị Minh vừa nói vừa xịt mũi . Lúc Tâm chạy ngang hạ sĩ Hải nhìn mặt cô gái mà phát ớn, mặt bôi phấn trắng bệch, môi bôi son đỏ chót lan ra cả vành miệng và mắt đánh xanh lè, nhìn qua nhà chị Minh thấy lưng chiếc áo màu tắc kè đang đi vào trong.

Trong ba tiếng đồng hồ sau không thấy khách đến nữa, Hải nghĩ chắc là giờ cơm trưa, mọi người đa số ai về nhà người nấy. Bụng đói Hải đặt một tô mì Quảng từ tiệm đối diện, tô mì bưng đến hạ sĩ Hải chưa kịp ăn, thấy một người đàn ông đi xe Honda đến trước cửa gọi tên Sáu ơi ới, từ trong nhà bước ra một người đàn bà mặc quần áo bình thường không được sang trọng lắm leo lên đằng sau xe cho người đàn ông chở đi. Hải ghi số xe, hắn vội bước ra khỏi quán đi gần đến để xác định không phải chị Minh ra khỏi nhà. Hai người đi Hải không dám theo sợ chị Minh đi mất dù chợt nhớ người đàn bà này không thấy đến từ lúc nào trong sáng nay cả, không lẽ ở sẵn trong nhà.

Nguyên buổi chiều không thấy khách lại thăm. Khoảng 6 giờ rưõi chiều trong nhà bật đèn và 10 giờ rưỡi thì tắt. Hải yên trí chị Minh vẫn còn trong nhà và bàn giao sự canh chừng lại cho người đến thay. Sau 3 ngày không thấy chị Minh ra khỏi nhà và chiều tối nào đèn cũng bật tắt Hải gọi báo cho trung úy Điền đến, tường trình lại mọi việc trong mấy ngày và quả quyết là chị Minh không ra khỏi nhà, Điền kêu Hải di chung đến gọi cửa.

Kêu thật to, chờ thật lâu không có ai trả lời, trung úy Điền hạ lệnh phá cửa vào nhà, ... cả căn nhà không có một bóng người, chỉ một máy tự động điều khiển bật đèn khoảng 6 rưỡi còn tắt từ 10 giờ rưỡi. Thế là chị Minh ra khỏi nhà mà qua mặt được sự theo dõi gắt gao của công an.
...


NGÔI NHÀ CŨ Phần 22

Cả tuần sau này điều tra qua số xe, ra những người đến thăm đều là họ hàng bạn bè đến chúc tết cả. Công an có hỏi họ đều khai thật tình như vậy và không ai bắt bẻ được. Còn xe của Tâm và của người đàn ông cuối đều là do Tâm thuê. Hạ sĩ Hải bị cấp trên khiển trách nặng nề.

...
Trở lại trưa mùng 4 Tâm chở cô áo đỏ chạy một khoảng đường quẹo vào chỗ vắng rồi nói:

- Chị Minh thay áo và bôi sạch son phấn mau lên.

Chị Minh xuống xe, ra gốc cây thay thật chớp nhoáng áo dài bằng một áo pullover, cuốn áo dài nhét vào một túi nylon rồi leo lên xe cho Tâm chạy tiếp. Ngồi sau, chị rút trong ví tay một khăn ướt đã chuẩn bị sẵn lau sạch mọi phấn son cố tình bôi thật đậm, loè loẹt trên mặt. Tâm chở chị vào khu du lịch Văn Thánh theo lời hẹn với anh Khanh.

Khoảng 3 tiếng sau Vấn đến nhà chị Minh đón Mai về đến nhà rồi đi trả xe thuê dưới tên Tâm. Mọi việc Tâm sắp đặt đều trôi chảy như dự tính. Người phụ nữ áo đỏ son phấn đầy mặt chính là chị Mai vợ Vấn, Tâm lên nhà đón đi đến chị Minh, lúc hai người vào thì chị Minh lấy cớ mệt tiễn chân hai người khách cuối, rồi đổi áo cho Mai, trét son phấn lên mặt giống Mai, còn Mai lại rửa mặt cho hết. Sau đó Mai ra ngoài tiễn hai người trong chiếc áo xanh lè, tay cầm khăn vờ xịt mũi, như chị Minh làm cả buổi sáng khi tiễn khách, để che mặt. Màu áo và son phấn nổi bật khiến nét mặt từ xa nhìn đến không thành vấn đề nữa. Ba người chia tay, ai có thấy cũng tưởng là chị Minh còn trong nhà nhưng thật ra đó là Mai. Sau khi vô nhà thay quần áo thường, Mai vấn lại kiểu tóc khác, ngồi đợi Vấn đến đón, cho Tâm và chị Minh có 3 ít nhất tiếng đồng hồ không bị theo dõi .

Khu du lịch Văn Thánh hôm nay tưng bừng nhộn nhịp như một hội chợ, bao nhiêu trò chơi, múa lân, ca nhạc, có cả khu Karaoke ngoài trời cho các ca sĩ nghiệp dư lên trổ tài . Người đi dập dìu tấp nập. Theo lời anh Khanh nhắn, hai người đến một quán nước bên bờ hồ. Còn nửa giờ mới đến giờ hẹn .

- Chú Tâm à, cô Mai ở nhà thay chị đó, có gì nguy hiểm cho người ta không?
- Không sao đâu chị, mình đi là chị ấy thay quần aó khác và đợi chồng đến đón.
- Nhưng lúc ra ngoài thì sao?
- Thì như là khách của chị đến chơi rồi ra về thôi, từ sáng chị có rất nhiều người đến và đi rồi phải không?
- Đúng rồi chú Tâm, theo chú dặn tôi đã nhắn nhiều người quen là chỉ ở nhà sáng nay, thành ra nhộn nhịp lắm.
- Em tính chắc ít nhất một hai ngày chi không về nhà thì người ta mới để ý. Hôm nay nếu không gặp lại anh Khanh thì chị lại về, lại như thường, chỉ có điều nếu họ không thấy chị đi mà thấy về thì lại canh kỹ hơn.
- Chú Vấn và cô Mai tốt bụng quá, thật là bạn quý.
- Vâng, em cũng cảm động lắm. Mười lăm năm không gặp nhau mà vẫn còn tình bạn tốt như thế.

Trong quán khá đông, Tâm nói chuyện với chị phải nói nhỏ, nhưng xung quanh đều là những cặp tình nhân ngồi với nhau nên hai người có thì thầm cũng không khác gì người khác. Chợt một người đàn ông đi ngang qua bàn, suýt ngã phải đưa tay vịn vào cạnh bàn của Tâm và chị Minh và nói xin lỗi, chị Minh nhìn lên suýt nữa bật lên tiếng kêu, nhưng người đó rút tay về để lại một tờ giấy xếp nhỏ trên bàn rồi đi luôn ra ngoài. Chị Minh nhận ra chồng nước mắt đọng quanh nhìn theo, nói nhỏ

- Anh ấy đó chú Tâm ơi.

Tâm thu tờ giấy để xuống đùi đọc

- Anh hẹn ra ngoài kia, chúng mình đi đi chị Minh!


Tâm trả tiền nước, cùng chị Minh ra chỗ thuê xuồng tự chèo trên hồ, đến nơi cùng lúc với anh Khanh, chỗ đông người anh Khanh chỉ dám cầm tay chị Minh một chút rồi bắt tay thật chặt với Tâm. Anh trông khăc khổ dạn dầy hơn xưa, râu mọc lởm chởm và gầy đi nhiều, chị Minh cắn răng để dừng bật ra tiếng khóc. Ba người xuống một chiếc xuồng thuê, Tâm chèo ra ngoài cho anh chị ngồi cạnh nhau đối diện với Tâm. Xuồng khuất chỗ đông người một chút chị Minh gục vào người anh Khanh khóc nức nở, anh Khanh ôm vai chị

- Anh ơi, anh ơi!
- Nín đi Minh, nín đi!

Anh Khanh nhìn Tâm

- Bố mẹ khoẻ không Tâm, bao giờ em đi?
- Mồng bảy anh Khanh, bố mẹ vẫn khỏe, anh trông gầy lắm.
- Ở tù mà sao không gầỵ
- Kế hoạch của anh như thế nào. Ở đây bị truy lùng quá!

Tâm đưa xuồng vào bờ chỗ khuất so với tầm nhìn từ quán nước và chỗ cho thuê, thỉnh thoảng một chiếc xuống đi ngang nhưng khá xa bờ, không khí chơi tết vui vẻ nên không ai để ý ai, các đôi tình nhân đưa nhau ra hồ chèo thuyền cũng không muốn ai chú ý đến mình.

- Ba ngày nữa sẽ có người đưa đi, thuyền to vững chắc, nhưng mỗi người họ đòi 30 cây vàng. Minh có mang theo gì không?

- Em chỉ có ít tiền và 10 cây thôị
- Anh Khanh ơi, đi có an toàn không anh, Tâm nghe nhiều chuyện vượt biên đường biển nguy hiểm lắm, chuyện lường gạt, bắt bớ rồi hải tặc nữa.
- Chuyến này các anh chuẩn bị lâu và kỹ lắm, thế nên phải mất nhiều tiền, con tàu lớn phải mua luôn, người lái là Đại Úy Hải Quân, cùng đi có nhiều người như anh đó. Có cả súng mang theo chống hải tặc, cùng lắm là thí mạng với chúng. Dạo này chuyện vượt biên đối với người thường là không đáng để mạo hiểm nữa vì đời sống đã thoải mái hơn, nhưng các anh toàn là thành phần không thể sống còn ở đây được. Anh cũng sợ nguy hiểm cho Minh, nên anh định đi trước, nếu qua đến Mỹ sẽ làm giấy cho Minh đi sau.

Chị Minh ôm lấy chồng khóc

- Anh ơi, xa nhau 15 năm rồi, em không muốn ở lại một mình nữa. Đi có chết thì chết chung.
- Đó là tính thế, nhưng hai vợ chồng mình có 10 cây làm sao đi được.

Tâm cầm cái sắc tay trong đó có một cọc tiền quấn trong bao nylon đưa cho anh mình

- Anh Khanh, đây là 60,000 đô la của bố đưa anh để lo đi và cho thời gian đầu ở ngoại quốc.

Anh Khanh kinh ngạc

- Trời, Tâm, tiền ở đâu mà có vậy, em mang vào mà không phải khai báo sao? Bố mẹ già rồi làm gì có tiền để đưa cho anh chị nhiều thế.
- Không phải em mang vào đâu, số tiền lớn thế này mà mang vào rồi khi ra không có chứng minh đã dùng vào chuyện gì là phiền lắm. Tiền này đã nằm dưới đất 15 năm chờ anh đấỵ

Tâm kể vắn tắt chuyện bố mẹ chôn tiền, chuyện mình về ngôi nhà cũ lấy lại như thế nào. Anh chị Khanh nghe cứ há hốc mồm ra. Chị Minh ôm chồng, khóc vì sung sướng. Anh Khanh người chai sạm cứng rắn mà cũng rưng rưng:

- Anh cám ơn bố mẹ và em lắm, không ngờ bốn mươi mấy tuổi mà còn nhận được sự hy sinh lo lắng của bố mẹ . Còn Tâm em maọ hiểm về lại nhà lấy lại số tiền này đáng lẽ phần lớn là của em chứ.
- Anh Khanh đừng nói vậy, em học hành xong đã lâu, lập nghiệp bên đó cũng vững vàng rồi, anh phải giữ tiền này mà lo cho chị. Chắc chị Minh không nên về nhà lại nữa. Mong hai anh chị đi bình an.

Tâm đưa địa chỉ mình, địa chỉ bố mẹ cho anh Khanh, dặn nhớ học thuộc lỡ có mất. Anh Khanh ôm Tâm thật chặt, lúc buông ra trên gương mặt người thiếu tá vào sinh ra tử, suốt đời không khuất phục, trốn khỏi trại cải tạo mấy lần cũng nhạt nhòa nước mắt. Tâm cũng rưng rưng, chị Minh chỉ biết nắm tay Tâm mà không nói, lệ chảy dài trên gò má.

Hàn huyên với nhau vài tiếng, anh chị Khanh từ biệt Tâm, nhìn bóng hai người đi ra cổng hòa trong lớp người đi chơi Tết lòng Tâm bùi ngùi. Nhiệm vụ của anh đến đây là xong, có muốn cũng không giúp gì được nữa, chỉ mong hai người gặp may mắn, số tiền quá lớn mang trong người cũng có thể gây họa vào thân. Không biết khi nào được gặp lại đây.

Buổi trưa Trần Diên lại đến nhà Tâm, định hễ gặp thì nói đến chơi với hàng xóm còn không thì hắn lén vào phòng qua cửa vườn sau. Hắn lại vào hai phòng vẫn không thấy gì khác, không có cả cái túi xách mọi khi của Tâm, hắn mở tủ ra thấy vài bộ quần áo trong tủ. Hắn cười thầm mình là đa nghi quá nên mấy ngày nay chỉ mất công rình mò. Diên quyết đinh không lại đây nữa cho đến khi Tâm giao lại chìa khóa.

Bước ra sau vườn Trần Diên giật mình khi thấy dấu vết một chỗ bị đào còn mới, một tia sáng lóe trong đầu hắn, giận mình là sao ngu quá không dùng máy rà ngoài nàỵ

- Chết thật, hóa ra con vợ mình nói đúng, thằng đó về đây đào của thật rồi. Sao mà mình ngu quá đi mới để bị đánh lừa, ai mà lại bỏ 700 đô để ngủ mấy đêm đâu? Nhưng tại sao nó đào ngay đây thì thể nào chẳng bị bên cạnh, bên trên bắt gặp.

Lòng tức giận của Diên dâng lên. Hắn vào nhà hàng xóm mượn telefone lần này hắn không gọi cho công an vì không thuộc phạm vi của họ. Một lúc sau một chiếc xe Jeep trên đó có hai sĩ quan đến. Trần Diên đón họ vào nhà kể chuyện Tâm bỏ tiền nhiều để thuê nhà, nói sự nghi ngờ của hắn và dắt họ ra sau vườn thấy chỗ đào.

Tâm về lại thành phố trời đã chập choạng. Trả xe Honda thuê xong Tâm ngần ngừ không biết đi đâu, định về hotel thay quần áo rồi đi thăm Như Ý. Vừa vào đến phòng tiếp tân khách sạn Tâm bị hai sĩ quan chận đường:

- Ông là Nguyễn Đắc Tâm phải không?
- Phải, có chuyện gì thế ... xin lỗi tôi không biết ông cấp bậc gì để xưng hô
- Tôi là Trung úy Thông, cục an ninh của Quân Khu, còn đây là Thiếu úy Thành.
- Chào Trung úy, chào Thiếu úỵ
- Chúng tôi muốn nói chuyện với ông trên phòng.
- Chuyện gì thế Trung úy?
- Chúng tôi không muốn nói ở đây, hoặc trên phòng ông hoặc mời ông về quân khu.
- Tôi tưởng trách nhiệm cho ngoại kiều là công an chứ sao lại Quân đội.
- Trường hợp ông đặc biệt hơn, bây giờ ông định lên phòng hay theo chúng tôi ?

Tâm nghĩ bề nào ở trong khách sạn cũng hơn, theo họ biết họ mang mình đi đâu

- Chờ tôi lấy chìa khóa phòng tí .

Tâm lại quầy lấy chìa khóa, đẩy tờ 10 đô ra, nói nhỏ với người tiếp tân:

- Anh gọi dùm anh Vấn cho tôi!

Người tiếp tân khách sạn này mấy hôm nay vẫn được tiền pourboire và lì xì của Tâm nên gật nhẹ.
Hai người sĩ quan đi kèm Tâm lên cầu thang đến phòng chàng.

- còn tiếp -

Phạm Doanh

_________________
Ta,
người chưa diệt chữ Tình
Mong gì ngộ, giác
giữa thinh không này.

Lô Sơn yên tỏa


Lô Sơn yên tỏa Triết Giang triều
Vị đáo sanh bình hận bất tiêu
Đắc đáo hoàn lai vô biệt sự
Lô Sơn yên tỏa Triết Giang triều

Tô Đông Pha


Sóng nước Hương Giang khói Ngự Bình
Chưa thăm mang hận cả bình sinh
Thăm rồi về lại lòng không đổi
Vẫn sóng Hương Giang khói Ngự Bình

Phạm Doanh dịch (dùng địa danh Việt Nam)

Đêm vắng

Tiếng kẻng gọi hời quá nửa đêm
Ánh trăng bàng bạc chiếu qua thềm
Băn khoăn sáu khắc tâm không tịnh
Trằn trọc năm canh giấc chẳng êm
Chim cú bu hu dăm nhịp lạc
Thạch sùng tắc lưỡi mấy hôm liền
Uống viên thuốc ngủ cho xong chuyện
Dẫu đấy không là loại thuốc tiên .

Phạm Doanh

Túy Ca - Tình Khúc Người Say (17-18)

Túy Ca - Tình Khúc Người Say (17)


Châu Chấu Lá Dừa

Anh vẫn nhớ ngày xưa yêu dấu
Em lấy lá dừa nước màu xanh
Bàn tay khéo kết thành châu chấu
Làm món quà để tặng riêng anh

Anh cất túi giữ gìn tha thiết
Cho đến khi châu chấu úa tàn
Và mùi lá không còn tinh khiết
Phải vất đi rồi tiếc miên man

Cuộc sống chẳng cho mình chung lối
Em thướt tha áo cưới cài hoa
Anh say sưa hoang tàn mỗi tối
Bóng đổ dài đường phố lạ xa

Đã bao lần anh cầm nhánh lá
Giống lá dừa thon thả xanh tươi
Nhưng con chấu anh làm tệ quá
Vò trong tay mà hận cả trời

Rồi những lúc qua đồng cỏ dại
Bồi hồi khi nhìn thấy chấu bay
Lại thấy lòng tiếc thương mãi mãi
Về khung trời đã vuột tầm tay

Về hạnh phúc dại khờ đánh mất
Để chuyện mình thành chuyện khói mây
Ôi sao giữa cánh đồng bát ngát
Lựa chỗ ta ngồi chấu lại đây.

Phạm Doanh

==========================

Túy Ca - Tình Khúc Người Say (18)

Là để quên sầu

Còn mãi trong ta nỗi ngậm ngùi
Lâu rồi nào biết có niềm vui
Em về bến lạ lòng chôn kín
Bóng nhỏ đêm tràn lệ gối rơi
Anh vẫn lang thang đường cát bụi
Cuộc tình vô vọng đã tan rồi
Có những lần say trong quán trọ
Là để quên sầu đó em ơi.


Phạm Doanh

Tìm lại dấu xưa

Bước chân về lại căn nhà
Chôn bao kỷ niệm của ta một thời
Bao nhiêu năm ấy qua rồi
Mà nghe lòng vẫn bồi hồi tiếc thương

Mộng du chân vẫn quen đường
Con đường nhỏ hẹp thân thương ngày nào
Căn nhà vắng lặng làm sao
Hỏi thăm mới biết đã bao tháng ngày
Ngươì đi về phía chân mây
Để ngươì về lại đứng đây đắm chìm
Tựa lưng cánh cửa im lìm
Thả hồn ký ức đi tìm ngày xưa

Nhớ tay ai hái lá dừa
Kết thành châu chấu để đưa tặng mình
Người xinh làm chấu cũng xinh
Ân cần anh nhận như tình em cho
Năm xưa trong tuổi học trò
Lòng say men lạ khiến cho biếng lười
Nhớ sao ánh mắt tiếng cười
Một thời hoa mộng một đời tiếc thương

Bóng ai nhẹ bước bên tường
Giật mình tưởng bóng người thương đón chào
Khi đi đánh mất mộng đào
Khi về lại mất lối vào nhà em .

Phạm Doanh